Giá lợn xuất chuồng sau khi trải qua 4-5 tháng ròng rã sụt giảm sâu và liên tiếp xuyên thủng đáy, mới đây, Bộ NN-PTNT đã đề xuất một loạt các kiến nghị lên Thủ Tướng Chính phủ để “giải cứu” cuộc “khủng hoảng thừa” trong ngành chăn nuôi lợn, đồng thời cũng “nhờ cậy” các doanh nghiệp có thể giảm bớt giá thành cám, tích cực thu mua lợn về chế biến sâu hay trữ đông nhằm chia sẻ khó khăn với bà con chăn nuôi.
Thế nhưng, trên thực tế, giá lợn hơi vẫn tiếp tục giảm mạnh, thậm chí có nơi giảm xuống mức kỷ lục trong mấy chục năm qua. Và điều đáng buồn hơn, dù giá lợn liên tục giảm mạnh nhưng người chăn nuôi vẫn không bán được.
Ngồi bần thần trước dãy chuồng lợn, bà Vũ Thị Thiện ở Nam Trực (Nam Định) than thở, vợ chồng bà gắn bó với nghề nuôi lợn được 15 năm nay, chưa bao giờ thấy giá lợn giảm thê thảm như thế này. Đàn lợn nhà bà nay đã quá lứa bán, còn nào cũng nặng trên 1,2 tạ, giá thì xuống còn khoảng 18.000 đồng/kg mà không có người mua.
Giá thịt lợn hơi xuất chuồng tiếp tục giảm xuyên đáy |
Cách đây khoảng nửa tháng, bà xuất chuồng 15 con còn được giá 25.000 đồng, chịu lỗ mỗi con 1,5 triệu đồng. Nhưng, bán được còn may chứ giờ này thịt lợn xuống mất gần chục giá nữa mà vẫn không có lái lợn nào chịu vào mua, bà Thiện chia sẻ.
Thê thảm hơn, bà Phan Thị Lan ở Mộc Bắc (Duy Tiên, Hà Nam) cũng cho biết, giá lợn hơi xuất chuồng ngày càng giảm sâu hơn. Nhiều hộ chăn nuôi không cầm cự nổi, đành bỏ đói hoặc cắt giảm bớt khẩu phần ăn của lợn, thay vào đó cho lợn uống nước cầm hơi.
Tại Hội nghị triển khai các giải pháp ổn định chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội vào ngày 27/4, ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội (Sở NN-PTNT Hà Nội), thừa nhận rằng ông vừa đi khảo sát một loạt chợ tại Hà Nội và giật mình khi được biết, giá thịt lợn hơi rẻ ở mức kỷ luc. Một số trang trại đã bán lợn với giá cực rẻ để cắt lỗ.
Tự mổ lợn đem ra vỉa hè bán
Ngồi bán thịt lợn trên vỉa hè tại khu vực Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội), anh Trần Văn Tuân ở Thuận Thành (Bắc Ninh) than thở: hơn một tuần nay, ngày nào vợ chồng anh cũng phải dậy từ 2 giờ sáng để mổ lợn. Sáng ra lại chở lợn bằng xe máy lên Hà Nội bán lẻ ngoài vỉa hè.
Anh Tuân tâm sự, nhà anh có trang trạng nuôi gần 100 con lợn, bao nhiêu tiền của vốn liếng đã dồn hết vào để nuôi đàn lợn này. Thế nhưng, đến ngày xuất chuồng, giá lợn không những giảm mà chào mời mãi thương lái cũng không chịu đến mua.
Nhiều hộ chăn nuôi tự giết mổ lợn đem ra vỉa hè Hà Nội bán |
“Đàn lợn đã quá lứa, đại lý cám đến thúc giục trả nợ, quyết không bán chịu cám cho nữa. Trong nhà thì tiền đã sạch bách không còn một đồng và lợn thì chưa bán được. Bàn đi tính lại, vợ chồng tôi đành mổ lợn đem ra khu vỉa hè này bán lẻ cho dân để giải thoát bớt lợn ở trang trại. Bây giờ phải xoay mọi cách để tự cứu mình chứ biết trông chờ ai đây”, anh Tuân nói.
Anh cũng cho biết, đêm gần như thức trắng, sáng tinh mơ lại chạy xe máy chở lại ra vỉa hè đứng bán đến trưa, công an đuổi lại chạy. Cứ lặp đi lặp lại như vậy khiến vợ chồng anh mệt bơ phờ, người sụt cân trông thấy. Nhưng đổi lại, thịt lợn bán được giá 60.000 đồng/kg, tính ra còn hòa gốc chứ không bị lỗ “thủng túi” như bán cho lái buôn.
“Bán được con nào hay con đó, chứ để chúng ở chuồng giá càng ngày càng giảm, còn tiền chi phí cám bã thì không ngừng tăng”, anh Tuân chia sẻ.
Tương tự, gần nửa tháng nay, chị Nguyễn Thị Ba ở Đan Phượng (Hà Nội) cũng phải tự giết thịt lợn đem ra vỉa hè mấy khu đô thị trong nội thành bán vì chuồng có 70 con lợn với trọng lượng đều vượt 1 tạ mà không bán được. Trong khi, để nuôi thì chị không thể cầm cự thêm được nữa.
Lái lợn không mua thì mình phải tự đem đi bán lẻ. Cứ mỗi ngày thịt một con đem qua các khu đô thị đứng bán từ sáng tới trưa cũng hết, do giá chị bán rẻ hơn ở chợ. Đến chiều, chị lại lang thang mấy khu công trường đang thi công xem họ có mua thịt lợn không vì chỗ đó công nhân xây dựng ăn nhiều. Nếu có nhu cầu, chị lại về thịt bán ngay cho họ.
“Phải tìm mọi cách để bán thôi, vất vả cũng phải làm. Chứ anh em họ hàng vì ủng hộ gia đình tôi mà 2 tuần nay bữa nào cũng ăn thịt lợn, mua lợn về làm xúc xích, làm ruốc đủ các kiểu. Hàng xóm cũng vài ba nhà chung nhau mua một con ăn để tôi bớt lỗ”. Chị nói và cho biết, bán mãi số lượng lợn cũng vơi đi gần nửa, nhưng chị vẫn mong lái lợn có thể đến bắt hết cho chị để chị cắt lỗ. Bởi, cứ đà bán lẻ này thì phải gần tháng nữa chị mới giải quyết hết đàn lợn.
Theo Như Băng Vietnamnet.vn