Mô hình trồng hoa cho doanh thu trên 100 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Yến Yến
Ông Lê Tự Lập, Bí thư Đảng ủy xã Tùng Ảnh cho biết: Để có những thành quả cao như vậy, đầu tiên là do truyền thống xã đã gây dựng được xuất phát điểm cao, thêm vào đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tạo niềm tin, sức mạnh cho nhân dân, tạo sự đồng thuận của người dân, cho họ thấy được NTM chính là nâng cao đời sống cho nhân dân.
Trong sản xuất kinh tế, khác với các đơn vị khác, xã Tùng Ảnh xây dựng mô hình thực hiện theo những quy trình “khép kín” trong sản xuất. Nghĩa là sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất tiểu thủ công nghiệp... được chính các doanh nghiệp trong xã bao tiêu sản phẩm, đặc biệt những mô hình chăn nuôi sạch (100% mô hình chăn nuôi đều xây bể biogas) đã góp phần làm cho môi trường của xã được trong lành hơn. Giao thương buôn bán được đẩy mạnh, các công ty, cửa hàng dịch vụ mọc lên ngày càng nhiều. Hiện nay, xã có 1 mô hình chăn nuôi động vật hoang dã, nuôi gà tập trung, 53 hộ nuôi lợn sạch, xây dựng cánh đồng mẫu 20,5ha trồng giống lúa DT68 chất lượng cao cho thu hoạch trên 6 tấn/ha.
Mô hình may đồng phục học sinh tạo việc làm cho trên 20 nhân công. Ảnh: Yến Yến
Ông Lập cho biết thêm: Hiện nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của xã nhà đã có những bước cải thiện đột phá. Từ chỗ xã Tùng Ảnh sản xuất 5 - 6 giống lúa/vụ đến nay chỉ còn 2 loại giống chất lượng cao, toàn xã có 7 mô hình có mức thu nhập từ 80 - 200 triệu đồng/năm, thu hút được 15 doanh nghiệp về đầu tư hoạt động trên địa bàn, có 467 hộ sản xuất kinh doanh cá thể thu nhập bình quân gần 70 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người là 24,7 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 2,3%. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến rõ nét, nông nghiệp chiếm 20%, công nghiệp xây dựng 27,2%, dịch vụ thương mại và thu nhập khác là 52,8%...
Từng căn nhà, ngõ xóm ở Tùng Ảnh như thêm rộn ràng hơn khi đời sống vật chất được cải thiện, văn hóa - xã hội được nâng cao, các phong trào thi đua trở nên sôi nổi hơn.
100% mô hình chăn nuôi lợn đều xây bể biogas. Ảnh: Yến Yến Dù chúng tôi đến Tùng Ảnh vào những ngày “nông nhàn” nhưng người dân ở đây không hề rảnh rỗi chút nào. Mỗi người, mỗi nhà đều có một công việc riêng để làm, để nâng cao thu nhập. Chị Nguyễn Thị Lịch, chủ mô hình trồng hoa ở Tùng Ảnh, cho biết: “Tôi đã có ý nguyện thực hiện mô hình trồng hoa từ rất lâu vì mô hình này chưa từng có ở Đức Thọ và khá hiếm ở Hà Tĩnh. Nhờ chính sách ưu đãi về vốn của chương trình NTM mà gia đình tôi đã đầu tư được mô hình này, mỗi năm cho doanh thu trên 100 triệu đồng, giải quyết việc làm cho cả gia đình và khá nhiều lao động trong thôn”.
Tùng Ảnh đã kết hợp được sức mạnh toàn dân một cách mạnh mẽ trong việc huy động nguồn lực. Lãnh đạo xã đã tranh thủ hết mức nguồn lực trong dân để xây dựng NTM, với sự năng động, sáng kiến của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cũng như sự tận tình hướng dẫn, giúp đỡ của lãnh đạo các cấp. Người dân Tùng Ảnh đã nhận thức được rằng, NTM là do chính người dân tự làm, tự thừa nhận và hưởng thụ do đó không ai có tư tưởng ỷ lại hay trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Xã đã huy động 197 tỷ đồng từ các nguồn để xây dựng NTM, nhân dân đã tình nguyện đóng góp 66,3 tỷ đồng, hiến 23.400m2 đất, 1.700 cây có giá trị, ngoài ra người dân còn tự bàn và đóng góp 4,2 tỷ đồng để tự xây dựng 44 công trình công cộng tại 12 đơn vị thôn xóm và hàng nghìn ngày công đã được huy động. Bên cạnh đó, con em xa quê của Tùng Ảnh còn đóng góp thêm 23 tỷ đồng cho xây dựng NTM.
Dù đã về đích, nhưng chính quyền và nhân dân xã Tùng Ảnh vẫn nỗ lực không ngừng trong xây dựng NTM. Xã đang rà soát lại những tiêu chí đạt được còn thấp để phát triển cho vững chắc. Bởi chính quyền và nhân dân Tùng Ảnh nhận thức được rằng, NTM không phải đến một thời điểm nào đó dừng lại mà nó là cả quá trình biến đổi không ngừng, xã hội càng phát triển thì đòi hỏi NTM cũng tiến theo. Quan trọng hơn, những kết quả hôm nay sẽ là động lực cho Tùng Ảnh tiếp tục phấn đấu, làm cho quê hương của Tổng Bí thư Trần Phú ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn.
Theo Yến Yến (Báo Thanh Tra)