Năm 2006, anh Nam cất công đưa giống đào Bắc vào Đắk Nông trồng, những năm trước, nhà vườn này được coi là một trong hai đầu mối lớn nhất cung cấp đào Tết cho toàn tỉnh Đắk Nông. Song năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, gần đến ngày kết nụ, đào lại mắc bệnh nên nhiều cây bị thui chột, không còn giá trị kinh tế. Đào bị bệnh, không những ảnh hưởng đến khả năng ra hoa mà còn ảnh hưởng tới sự sống của cây. Hai bên lối mòn dẫn vào sâu trong vườn đào, đâu đâu cũng thấy thân đào đã khô hoặc còn tươi mới bị gia đình anh chặt bỏ, một số cây còn sống thì đang héo rũ, lá non cũng nhăn nheo… chờ chết.
Nhìn vườn đào ngổn ngang, xơ xác, anh Nam buồn rầu tâm sự: “Trồng đào bao nhiêu năm, nhưng chưa năm nào thất bát lớn như này. Tất cả đào trong vườn đều được gia đình chăm nom như con mọn, thời gian khoanh gốc, tuốt lá, tỉa cành đúng như mọi năm vẫn làm, nhưng do nhiều cây bị bệnh từ trước, nên sau khi tuốt lá xong thì chết luôn”.
Theo anh Nam, hiện nay vườn đào nhà anh có khoảng 1000 gốc, được trồng theo kiểu gối đầu, tức là 3 năm tuổi mới được thu một lứa. Những năm trước anh cung cấp cho thị trường Tết khoảng 500 cây và hơn 200 cành đào thuộc 5 loại đào khác nhau (đào bích, đào phai, đào bạch, đào Nhật Tân, đào tiết dê), tuy nhiên năm nay đếm đi đếm lại cũng chỉ được hơn 60 cây, cành các loại, tức là giảm 10 lần.
“Những cây đào bị bệnh có thể do nấm, ban đầu trên mặt lá xuất hiện bột trắng sau thành nâu khiến lá xoăn, nụ hoa khô và rụng, mấy ngày thì cây sẽ chết. Ban đầu tôi chủ quan nên không tiêu hủy mấy gốc này nên nó lây lan ra cả vườn đào, đến lúc phát hiện thì trở tay không kịp. Bây giờ chỉ còn cách phun thuốc, vớt vát được cây nào hay cây đó”, anh Nam thở dài, mặt buồn rười rượi.
Không chịu thiệt hại nặng như anh Nam, nhưng hơn 200 gốc đào của ông Phạm Văn Loan (tổ 6, TT. Đắk Mil, huyện Đắk Mil) cũng có phân nửa nhiễm bệnh. Cả vườn đào đang “sống dở chết dở” nên những ngày này ông Loan phải tập trung chăm sóc cho những cây còn xanh tốt để kịp bán, gỡ lại một vài đồng ăn Tết.
Hơn nửa đời người theo nghề trồng hoa, gần chục năm gắn bó với đào Tết nhưng chưa năm nào ông Loan gặp phải tình cảnh này. Chứng kiến những gốc đào khỏe mạnh bỗng dưng héo úa rồi tàn lụi dần, ông Loan bùi ngùi: “Những năm trước cứ một triệu đồng một gốc đào, năm nay giá cũng vậy nhưng chả có đào mà bán, coi như mất một nửa. Giống đào có xuất xứ phía Bắc nên đỏng đảnh, khó chăm sóc, khi trồng trên đất Tây Nguyên lạ nước, lạ đất, lạ khí hậu…lại càng khó “nuôi” hơn. Tôi chăm sóc, để ý từng li từng tý mà vẫn không tránh khỏi bệnh dịch, may mắn là những gốc đào người ta thuê chăm sóc không bị bệnh, chứ không Tết này nhà tôi mất ăn”.
Được biết, hiện nay ngoài việc bị bệnh, rất nhiều gốc đào tại hai những nhà vườn trên đã nở rộ, không còn khả năng trưng Tết. Dù đã cận Tết Nguyên đán nhưng hai nhà vườn này phải dùng đủ mọi cách để hãm đào, không cho hoa bung nở thêm.
Gia đình anh Nam phải phun thuốc để vớt vát vườn đào hơn 1000 gốc
Theo một cán bộ thuộc Trung tâm khuyến nông, hiện phụ trách kỹ thuật Đề tài khoa học đưa hoa đào về trồng thử nghiệm tại Đắk Nông, phần lớn diện tích hoa đào mắc bệnh đều liên quan tới rệp sáp, thủng lá đào và xì mủ thân cây. Những bệnh này thường xuất hiện ở những nơi có khí hậu nóng, mưa nhiều. Để phòng chống, nông dân cần tỉa cành thông thoáng, loại bỏ mần bệnh và trồng đào ở nơi thoáng gió, thoát nước tốt. Bên cạnh đó, chủ vườn cần phun hợp chất lưu huỳnh cùng vôi để tiêu diệt hết tác nhân gây bệnh và loại bỏ thiên địch.
Theo Dương Phong Dân trí
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn