Quy định mới?
Gần đây, rất nhiều DN nhập khẩu gỗ tại Hà Tĩnh đã phản ánh về tình trạng họ phải theo một quy định bắt buộc là các DN nhập khẩu gỗ phải trực tiếp ra Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) xin Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu trước khi làm thủ tục thông quan.
Quy định này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phía các DN. Họ cho rằng, trong các văn bản của Bộ NNPTNT, mới đây là Thông tư số 39 Bộ NN&PTNT ngày 13/8/2012 "Ban hành Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam" đều không quy định việc này nhưng không hiểu sao cơ quan kiểm dịch vẫn bắt họ phải ra HN xin giấy phép mới được kiểm dịch.
Ông Trần Phát Đạt, Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa huyện Hương Khê, Giám đốc Công ty Quỳnh Nga, phản ánh: Mới đây, DN của ông cũng như các DN kinh doanh nghề này hết sức bất ngờ khi đưa gỗ về cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình), Cầu Treo (Hà Tĩnh) thì thấy cán bộ kiểm dịch thực vật thông báo phải ra HN xin giấy phép mới được phép kiểm dịch để thông quan.
"Nghị định 02, thông tư 39, 40 của Nhà nước đều rất dễ hiểu, không quy định mặt hàng gỗ nhập khẩu lâu nay phải phân tích nguy cơ dịch hại. Và cũng không có dòng nào trong quy định bảo là phải ra Cục xin giấy phép”, ông Đạt cho biết.
Ông Đạt cũng như nhiều DN khác đều là những công ty kinh doanh ở lĩnh vực này lâu năm, từ trước đến nay việc thông quan gỗ ở cửa khẩu vẫn tiến hành bình thường. Trong hồ sơ thông quan đều có giấy kiểm dịch thực vật. Thế nên quy định mới nhưng rất mập mờ của Cục đã khiến các DN hết sức bức xúc.
Nhập khẩu gỗ khốn khổ vì ‘giấy phép con’
Nghị định 02 cũng như các văn bản khác đều quy định việc kiểm dịch (kiểm tra, phân tích, lấy mẫu) phải trực tiếp làm tại cửa khẩu. Lâu nay vẫn thế. Giờ bắt chúng tôi phải mất mấy ngày trời chạy ra Hà Nội xin phép được kiểm dịch thì quá là vô lý. Rất gây phiền hà cho DN”, ông Đạt bức xúc.
Một số DN kinh doanh mặt hàng này đều thừa nhận, việc Cục BTTV có thêm quy định “giấy phép con” đối với các mặt hàng lâu nay vẫn nhập khẩu đây gây ra nhiều phiền toái cho DN, làm cản trở và kéo dài thời gian thông quan, không phù hợp với tinh thần cải cách thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu.
Thêm thủ tục cho DN? Quy định ban hành và thực thi nhưng khi trao đổi với nhiều nhân viên Trạm kiểm dịch thực vật Cửa khẩu Cha Lo thuộc Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 6, những cán bộ nơi đây cũng không thể giải thích được thắc mắc của các DN.
Ông Cao Xuân Mai, cán bộ kiểm dịch giải thích, việc yêu cầu các DN phải ra xin giấy phép là do quy định của Cục BVTV khi thực hiện thông tư 39. “Có thể do thông tư soạn thiếu nội dung bắt buộc phải ra Cục làm giấy phép, nhưng việc thực hiện việc này là dựa trên quy định trong thông tư 39.”
Tuy nhiên, trong thông tư 39 có nêu rất rõ các đối tượng phải thực hiện việc phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam. Đối chiếu với quy định đó, các DN cho rằng việc áp dụng đối với các DN nhập khẩu gỗ truyền thống từ Lào qua Việt Nam là chưa phù hợp.
Cụ thể, điều 2 của thông tư quy định, các mặt hàng phải phân tích nguy cơ dịch hại phải là “lần đầu tiên nhập khẩu vào VN” và “có xuất xứ mới”. Điều 3 quy định tiếp “Phải đánh giá lại kết quả phân tích dịch hại” khi “có bằng chứng khoa học và thực tế về sự bùng phát dịch hại...” .
Tuy nhiên, khi DN nêu những thắc mắc trên thì các cán bộ của trạm kiểm dịch không thể giải thích được mà chỉ cho rằng đó là quy định của Cục. Nếu DN nào chưa biết thì trạm thông cảm cho lần đầu, còn các lần sau bắt buộc phải xin giấy phép.
“Đối chiếu các quy định trên thì những DN như chúng tôi lâu nay nhập khẩu gỗ đều không thuộc đối tượng: Mặt hàng lâu năm đã nhập vào VN, nước xuất khẩu không có dịch... nhưng đơn vị kiểm dịch vẫn bắt buộc. Để việc kiểm dịch được chính xác thì phải làm trực tiếp tại cửa khẩu, trang bị thêm kiến thức, thiết bị để đủ khả năng tìm ra mầm bệnh. Chứ không thể ngồi ở HN mà cấp phép cho lô hàng cách cả nghìn km được”, Chủ tịch hội DN huyện Hương Khê tiếp tục nói.
Lãnh đạo Chi cục Hải quan Cha Lo cũng thừa nhận, quy định mới của cơ quan kiểm dịch thực vật đã gây ra phản ứng từ phía các DN nhập khẩu gỗ. Họ than phiền về việc quy định này không thực tế và gây khó khăn cho DN.
TheoVietnamnet.vn