Đằng sau việc chuyển đổi 100 nghìn hecta rừng ở Tây Nguyên

Thứ tư - 02/05/2018 13:04
Nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, Chính phủ chủ trương trong 5 năm (2006-2010) chuyển rừng nghèo sang trồng 100.000ha cao su phục vụ nhu cầu an sinh xã hội, tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho người lao động tại chỗ… Tuy nhiên, ngay từ khi bắt tay thực hiện chủ trương này tại Gia Lai, việc rà soát tài nguyên rừng chưa hợp lý của cơ quan chức năng và cách lập dự án sơ sài, vừa nhập nhằng, vừa “tiền hậu bất nhất” của doanh nghiệp đã gây ảnh hưởng đến đời sống hàng chục nghìn hộ dân.
LTS: Chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên là đúng đắn. Với định hướng cho phép chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, đất chưa sử dụng, chuyển đổi đất rừng tự nhiên thuộc rừng sản xuất nghèo phù hợp trồng cao su để chuyển sang trồng mới cao su, ở một số tỉnh ở Tây Nguyên hiện đã tiến hành trồng cao su. Gia Lai là tỉnh chuyển đổi cây trồng này nhiều nhất với tổng diện tích chuyển đổi là 50.000ha rừng. Vậy 10 năm trôi qua, Tây Nguyên nói chung và Gia Lai (tỉnh có nhiều diện tích chuyển đổi nhất) đã “gặt hái” được gì hay chỉ là những chiêu trò “bẩn thỉu”, những dự án trá hình? Cỏ mọc lút đất, rừng tự nhiên bị tàn phá hết, cây cao su có thực sự mang lại điều tốt đẹp cho nông dân hay chỉ “nuôi béo” những doanh nghiệp tận thu khai thác gỗ?…


Trước khi san ủi, khai hoang, tài nguyên rừng đã bị chảy máu.

Đã đến lúc Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cán nhân có liên quan đến việc chuyển đổi “rừng nghèo” ở Tây Nguyên trước khi quá muộn… Báo Xây dựng sẽ khởi đăng những bất cập trong việc trồng rừng cao su ở đây, từ đó làm rõ trách nhiệm về việc bảo vệ môi trường trước việc mấy chục ngàn hecta rừng bị tàn phá về ai.

Bài 1: Gia Lai – “máu rừng” cạn kiệt…

Nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, chủ trương của Chính phủ trong 5 năm (2006-2010) chuyển rừng nghèo sang trồng 100.000ha cao su phục vụ nhu cầu an sinh xã hội, tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho người lao động tại chỗ… Tuy nhiên, ngay từ khi bắt tay thực hiện chủ trương này tại Gia Lai, việc rà soát tài nguyên rừng chưa hợp lý của cơ quan chức năng và cách lập dự án sơ sài, vừa nhập nhằng, vừa “tiền hậu bất nhất” của doanh nghiệp đã gây ảnh hưởng đến đời sống hàng chục nghìn hộ dân.

Doanh nghiệp “chạy đua” xí đất rừng

Giữa năm 2006, chủ trì Hội nghị phát triển kinh tế - xã hội - an ninh quốc phòng vùng Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo một số giải pháp đầu tư và huy động các nguồn lực để phát triển. Theo đó, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (CNCSVN) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm việc với chính quyền các tỉnh để trong 5 năm tới (từ 2006-2010), khu vực Tây Nguyên cần phát triển thêm 100.000ha cao su nhằm phát huy tiềm lực phát triển kinh tế, phục vụ nhu cầu an sinh xã hội, tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho người lao động tại chỗ nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Tại thông báo 1420/TB-BNN-VP ra ngày 29/02/2008, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát tại Hội nghị bàn kế hoạch và giải pháp phát triển cao su tại Tây Nguyên: Các tỉnh cần lựa chọn những doanh nghiệp có đủ năng lực trong việc tổ chức và triển khai kế hoạch trồng cao su, ưu tiên những doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ tốt hơn trong công tác tạo việc làm, nguồn thu nhập ổn định từng bước nâng cao đời sống của đồng bào DTTS tại chỗ.

Thực hiện chủ trương này, UBND tỉnh Gia Lai đã phân bổ chỉ tiêu cho 6 doanh nghiệp gồm: Tập đoàn CNCSVN, Binh đoàn 15, Cty TNHH 30/4, Cty CP Quốc Cường, Cty CP tập đoàn Đức Long và Cty CP Hoàng Anh Gia Lai tiến hành khảo sát 51.000ha rừng nghèo chuyển sang đất nông nghiệp trồng cao su. Sáu doanh nghiệp trên đã khảo sát, lập hồ sơ đề nghị chuyển 21.699,2ha rừng nghèo sang trồng cao su, chiếm hơn 42,5% tổng diện tích được UBND tỉnh giao khảo sát.

Ngay sau khi có kết quả khảo sát, UBND tỉnh Gia Lai đã giao 14.967,3ha đất rừng cho 14 doanh nghiệp cùng triển khai 19 dự án trong năm 2008. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp được giao đất lần này đều không tham gia quá trình khảo sát như: Cty cổ phần đầu tư và thương mại Sài Gòn; Cty TNHH xây dựng và thương mại 289; Cty TNHH Nhật Minh; Cty Đệ nhất Việt-Hàn; Cty TNHH Phúc Cường; Cty TNHH Hoàn Mỹ; Cty Xây dựng công trình 194… Điều khiến nhiều doanh nghiệp tham gia quá trình khảo sát bất bình là năng lực tài chính, năng lực chuyên môn cũng như điều kiện các dự án cần đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội của các doanh nghiệp “mới bước đầu làm quen với cây cao su” vẫn chưa được thẩm định theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNN.


Gỗ được tập kết ra bờ lô để đốt tại xã Ia Blứ, huyện Chư Sê.

Điều lạ nữa là khi hầu hết các doanh nghiệp xây dựng dự án đầu tư cao su còn rất sơ sài, thiếu phương án tổng thể, chưa hoàn chỉnh dự án nhằm đảm bảo khả năng triển khai dự án trồng cao su, xây dựng cơ sở hạ tầng, đáp ứng các yêu cầu an sinh xã hội theo chủ trương của Chính phủ, tại thông báo số 119/TB-UBND, UBND tỉnh Gia Lai đã giao 14.036ha đất rừng cho doanh nghiệp Nhà máy lốp ô-tô để khảo sát, quy hoạch trồng cao su trong khi cho đến hiện nay, doanh nghiệp này chưa chính thức thành lập nên tất nhiên chưa đủ tư cách pháp nhân. Tại sao UBND tỉnh Gia Lai có thể tin tưởng giao hơn 14 nghìn hecta đất rừng để doanh nghiệp chưa hoạt động để thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ là câu hỏi lớn cần lời đáp.

Qua mặt Quốc hội, lãnh đạo tỉnh Gia Lai cố ý “làm liều”?

Xác định chủ trương phát triển 100.000ha cao su tại khu vực Tây Nguyên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2008 và những năm tiếp theo, ngày 24/1/2008, Bộ NN&PTNT ra công văn số 209 gửi UBND các tỉnh, thành phố nhắc nhở về việc chuyển đổi diện tích có rừng sang trồng cao su, trong đó khẳng định: Những dự án phải chuyển đổi diện tích có rừng sản xuất lớn hơn 1.000ha theo quy định tại Nghị quyết 66 ngày 29/6/2006 của Quốc hội là công trình trọng điểm quốc gia, các tỉnh phải báo cáo Chính phủ trình Quốc hội để được cho phép chủ trương đầu tư.

Mặc dù chỉ đạo của Bộ NN&PTNT là vậy nhưng không hiểu vì sao UBND tỉnh Gia Lai lại giao những diện tích đất rừng rất nhỏ từ 100 đến 998,4ha cho 9 doanh nghiệp bao gồm: Cty cổ phần đầu tư và thương mại Sài Gòn: 200ha (1 dự án); Cty TNHH xây dựng và thương mại 289: 215,3ha (1 dự án); Cty TNHH Nhật Minh: 100ha (1 dự án); Cty Đệ nhất Việt-Hàn: 150ha (1 dự án); Cty TNHH Phúc Cường: 741,8ha (1 dự án); Cty TNHH Hoàn Mỹ: 420,7ha (1 dự án); Cty Xây dựng công trình 194: 998, 4ha và Cty CP trồng rừng công nghiệp: 995,7ha (1 dự án). Phải chăng các doanh nghiệp trồng cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang chủ động “lách” chủ trương, “xé nhỏ” dự án trồng cao su bằng cách chia nhỏ những diện tích liền thửa, liền khoảnh thành nhiều dự án chuyển đổi khác nhau hay UBND tỉnh Gia Lai cấp những quyết định giao rừng xấp xỉ 1.000 ha để qua mặt Quốc hội?


Người dân Hải Yang, huyện Đak Đoa bức xúc vì bị ảnh hưởng đến quyền lợi khi UBND tỉnh giao đất cho doanh nghiệp.

Như minh chứng cho nhận định này, tại huyện Chư Sê chỉ có hơn 7.000ha đất rừng được phân bổ chuyển sang trồng cao su nhưng đã có đến 8 doanh nghiệp được UBND tỉnh Gia Lai ký quyết định giao đất. Riêng tại xã Ia Blứ, huyện Chư Sê có hơn 6.015ha đất lâm nghiệp quy hoạch phát triển cao su nhưng đã có đến 7 doanh nghiệp được giao UBND tỉnh Gia Lai ký quyết định giao đất, trong đó Cty cổ phần tập đoàn Đức Long được giao 1.488ha nhưng được chia làm 2 dự án: Dự án 1 diện tích 980,4ha thuộc 2 tiểu khu 1136 và 1143 và dự án 2 là 508ha cũng tại tiểu khu 1136 Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn!


Tài nguyên rừng đang bị chảy máu nghiêm trọng bởi những quyết định giao đất thiếu minh bạch của UBND tỉnh Gia Lai.

Cũng như Cty cổ phần tập đoàn Đức Long, Cty Xây dựng công trình 194 được UBND tỉnh Gia Lai giao đất rừng ở xã Ia Le và Ia Blứ (vốn là 1 xã tách ra) từ năm 2006, dự án trước chuyển khoảng 800ha rừng sang trồng cao su, năm 2008, UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục giao thêm 998,4ha rừng để chuyển sang trồng cao su. Vậy rõ ràng: Cty Xây dựng công trình 194 được UBND tỉnh giao hơn 1.798ha rừng liền thửa, liền khoảnh tại huyện Chư Sê nhưng chẳng biết do “vô tình” hay “cố ý” được chia thành 2 dự án, mỗi dự án đều dưới 1.000ha nên không cần phải báo cáo Chính phủ trình Quốc hội để được cho phép chủ trương đầu tư như chỉ đạo của Bộ NN&PTNT!?!

(Còn nữa)

T.Luận – Đức Hải
Theo Xây dựng

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây