Đằng sau những dự án “phát quang” 100 nghìn hecta rừng ở Tây Nguyên: Bài 2: “Tháo khoán” đất rừng cho doanh nghiệp

Thứ tư - 02/05/2018 13:02
Như Báo Xây dựng đã phản ánh, với “chỉ tiêu áp” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra là 100.000ha rừng, trong đó “đặc biệt” nhất là tỉnh Gia Lai có đến 50.000ha được “phát quang”, chỉ trong phút chốc, “rừng nghèo” được tháo khoán, cởi trói cho doanh nghiệp vào chặt phá. Và… chẳng biết vì lý do gì, các doanh nghiệp lớn có tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm chuyên môn và gắn với nhu cầu an sinh xã hội, giải quyết công việc, tạo nguồn thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chỉ được bàn giao những diện tích cao su phân mảnh, không thuận lợi để phát triển cao su… còn ngược lại, các công ty dạng “con ông cháu cha”, quen biết lại nhận được những vùng rừng “béo bở”, để rồi những công ty này mặc sức “thảm sát” rừng không tiếc tay. Mục đích cũng chỉ vì những khối gỗ đắt tiền mà thôi…


Theo báo cáo của Cty TNHH 30/4, mỗi hecta rừng tại Ia Pnôn chỉ cho vỏn vẹn gần…4m3!? Phải chăng tài nguyên rừng đang tiếp tục chảy máu?

Giao đất kiểu… tùy tiện

Tại Hội nghị quán triệt và tổ chức thực hiện việc chuyển rừng nghèo sang trồng cao su được tổ chức tại TP Pleiku ngày 31/5/2008, đại diện Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (CNCSVN) đã có ý kiến khi doanh nghiệp được Thủ tướng chỉ đạo là đơn vị chủ trì việc mở rộng, phát triển diện tích cao su trên Tây Nguyên. Theo đó, doanh nghiệp này đã chi hàng tỷ đồng khảo sát mấy chục ngàn hecta đất rừng nhưng chỉ được tỉnh Gia Lai giao tỷ lệ rất nhỏ là 1.935,8ha đất trồng cao su trong năm 2008: “Chúng tôi cần mở rộng diện tích trồng cao su trên cơ sở năng lực tài chính, năng lực chuyên môn của 4 Cty cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã được thẩm định rõ ràng. Vì vậy, UBND tỉnh Gia Lai nên tạo điều kiện để các Cty cao su phát triển diện tích gắn với trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động tại chỗ, đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội”. Tuy nhiên, đề nghị của đại diện Tập đoàn CNCSVN tại Hội nghị không được lãnh đạo UBDN tỉnh Gia Lai ghi nhận.

Cũng tham dự Hội nghị này, đại diện Binh đoàn 15 cho biết: Doanh nghiệp đã thực hiện quá trình khảo sát nhưng khi được UBND tỉnh giao đất, doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khan, nhiều diện tích đất được giao lại xâm phạm vào đất sản xuất của dân, đất đang tranh chấp và trùng lặp lẫn nhau giữa các doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh cần phân bổ lại diện tích cho hợp lý để các doanh nghiệp có điều kiện gắn với trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội.

Việc giao đất phân mảnh, không liền thửa, liền khoảnh cho nhiều doanh nghiệp khác nhau được dự báo sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu chủ trương chuyển rừng nghèo sang trồng cao su của Chính phủ. Không cần dự đoán, một điều chắc chắn xảy ra khi hơn 6.000ha đất rừng tại xã Ia Blứ, huyện Chư Sê được UBND tỉnh giao cho cùng lúc cho 7 doanh nghiệp, nhiều khả năng hứa hẹn những “cuộc chiến” tranh chấp mủ cao su, nguồn lao động, đồng thời phát sinh hàng loạt bất đồng trong công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ sau này.

Hệ quả: “Máu rừng” vẫn chảy…

Ngày 03/3/2008, Bộ NN&PTNT ra Thông tư số 39/TT-BNN cho chủ trương xác định rừng tự nhiên nghèo là rừng sản xuất bao gồm cả rừng non phục hồi, rừng hỗn giao được xác định theo chỉ tiêu và định lượng như sau: đối với rừng gỗ lá rộng thường xanh, có trữ lượng gỗ bình quân nhỏ hơn 130m3/ha; rừng khộp trữ lượng gỗ dưới 100m3/ha và rừng hỗn giao tre nứa có trữ lượng gỗ bình quân nhỏ hơn 70m3/ha. Chỉ đạo của Bộ NN&PTNT cũng nhấn mạnh đến vai trò Sở NN&PTNT các tỉnh, Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm trong việc tiến hành kiểm tra đối tượng và hiện trạng rừng chuyển sang trồng cây cao su và có biện pháp tận thu gỗ hợp lý.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, các cơ quan chức năng tại Gia Lai đang đối mặt với một thực tế: Khi chuyển đổi hơn 51.000ha rừng nghèo sang trồng cao su nếu các cơ quan, ban ngành quản lý và tận thu gỗ tốt sẽ đem về một nguồn ngân sách hàng nghìn tỷ đồng, tạo điều kiện tốt để phát triển kinh tế, đời sống văn hoá xã hội. Để cụ thể hoá chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, ngày 08/5/2008, UBND tỉnh Gia Lai ra Quyết định số 239/QĐ-UBND ban hành quy chế tiêu thụ gỗ và lâm sản khác tận thu trên diện tích chuyển đổi mục đích sang trồng cao su. Quyết định này đề cập đến các nguyên tắc, phạm vi đối tượng áp dụng, thành lập các tổ giám sát, kiểm tra và thành lập hội đồng đấu giá cụ thể nhằm khai thác triệt để nguồn tài nguyên gỗ.

Tuy nhiên, tại nhiều diện tích đất bàn giao cho các doanh nghiệp đã xuất hiện hiện tượng khai thác tràn lan, hàng trăm m3 gỗ bị ủi ra bờ lô để đốt, gỗ bị vùi lấp xuống đất. Tại tiểu khu 1136 Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn, trong ngày 23 đến 27/6/2008, Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai đã phát hiện trên những diện tích khai hoang của Cty CP Tập đoàn Đức Long một lượng lớn gỗ đã được tập kết ra bờ lô để đốt, vùi lấp xuống đất.


Nhiều diện tích đất cao hơn mức 700m (so với mực nước biển) vẫn được duyệt cho những dự án trồng cao su?

Tại các tiểu khu 919A, 920, 921, 922, 924, 928, 935, 936 và 937, xã Ia Puch, huyện Chư Prông, nhiều diện tích chuyển rừng nghèo sang trồng cao su, gỗ cũng đã được đơn vị khai hoang ủi ra bờ lô đốt. Được biết, lượng gỗ trong các khu rừng khai hoang này đều được Cty CP Quốc Cường khoán trắng cho đơn vị khai hoang mà không hề có chủ rừng hay lực lượng Kiểm lâm kiểm tra, giám sát, quản lý việc khai thác gỗ.


Hoạt động “khai hoang kiêm khai thác gỗ rừng” của Cty CP Quốc Cường tại xã Ia Puch, huyện Chư Prông không hề có bóng dáng của chủ rừng, kiểm lâm giám sát.

Được UBND tỉnh Gia Lai giao đất rừng tại tiểu khu 722, 723, 724 thuộc lâm phần do xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ quản lý nhưng hoạt động khai thác tài nguyên của Cty TNHH 30/4 chính quyền địa phương không hề được đóng góp trong vai trò giám sát, kiểm tra theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT. Làm việc với chúng tôi, ông Đặng Sĩ Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã: Rừng tại xã Ia Pnôn chưa đến nỗi nào nhưng từ khi có quyết định của UBND tỉnh Gia Lai giao 1.032,2ha đất lâm nghiệp cho Cty TNHH 30/4, doanh nghiệp này đã tiến hành khai hoang, khai thác gỗ mà chính quyền địa phương không có quyền giám sát.


Nhà báo Phạm Đức Hải, phóng viên Báo Xây dựng có mặt tại hiện trường để ghi nhận những “dối trá” của các doanh nghiệp tại đây.

Cũng theo ông Đặng Sĩ Khoa, hơn 1.032ha rừng dọc biên giới chủ yếu là gỗ dầu, bằng lăng, sao, căm se, cà chít… nhưng sau khi hoàn thành công đoạn khai hoang, theo số liệu thống kê của Cty TNHH 30/4: Toàn bộ khối lượng gỗ khai thác trên 1.000ha rừng tại xã Ia Pnôn chỉ suýt soát gần… 4.000m3!?! Như vậy, khác nào mỗi hecta rừng tại các tiểu khu 722, 723, 724 thuộc lâm phần do xã Ia Pnôn quản lý chỉ có vỏn vẹn gần 4m3 gỗ?

Với những kiểu “khai hoang kết hợp với tận thu gỗ, củi từ rừng” của các doanh nghiệp trên, một nguồn tài nguyên lớn của tỉnh Gia Lai đang bị chảy máu từng ngày nhường chỗ cho cao su.


Theo Thanh Luận – Đà Giang  (Xây dựng)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây