Ông chủ "Út trọc" Đinh Ngọc Hệ với loạt dự án BOT

Thứ tư - 02/05/2018 17:30
"Út trọc" là biệt danh của ông Đinh Ngọc Hệ, Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn - một công ty trong liên danh thực hiện Dự án BOT cầu Việt Trì.
Ngày 21/12, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa xác nhận quân đội vừa xử lý "Út trọc”. Đây là biệt danh của ông Đinh Ngọc Hệ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn, công ty thành viên của Tổng công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng.

 Ông Đinh Ngọc Hệ, Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn, biệt danh "Út trọc" (đứng giữa, hàng sau), tại lễ ký kết hợp đồng dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì mới theo hình thức BOT. Ảnh: Mt.gov.vn.

"Út trọc" là ai?

Ông “Út trọc" Đinh Ngọc Hệ sinh năm 1971, cư trú tại 68/210 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM. Thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì Công ty Đầu tư Thái Sơn có trụ sở tại số 32 Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM.

Trước đó, ngày 7/12, Công ty Thái Sơn đã bất ngờ thay đổi đăng ký doanh nghiệp đổi người đại diện pháp luật từ ông Đinh Ngọc Hệ sang cho ông Bùi Duy Nhân.

Dự án BOT cầu Việt Trì sau khi đi vào vận hành đã vấp phải sự phản đối từ người dân. Ảnh: Hữu Phương.

Doanh nghiệp này chính là đơn vị thực hiện dự án BOT cầu Việt Trì gây nhiều tranh cãi.

Dự án đầu tư xây dựng công trình Cầu Việt Trì mới (hay còn gọi cầu Hạc Trì) được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 2932/QĐ-BGTVT ngày 25/9/2013 và chính thức khởi công xây dựng ngày 30/11/2013.

Theo Vụ đối tác Công - Tư, Bộ Giao thông Vận tải, dự án này có tổng vốn đầu tư 1.900,55 tỷ đồng, trong đó toàn bộ là vốn tư nhân do liên danh Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO1), CTCP phát triển đầu tư Thái Sơn - Bộ Quốc phòng (Thái Sơn), Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (Yên Khánh) đầu tư.

Để thực hiện dự án, liên danh này đã lập ra CTCP BOT cầu Việt Trì với vốn điều lệ 265 tỷ đồng. Trong đó, CIENCO1 nắm giữ 20% vốn tương đương mức góp vốn 53 tỷ đồng và Thái Sơn cùng Yên Khánh mỗi bên góp 106 tỷ đồng nắm giữ 40% vốn.

 Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính bán niên năm 2015 của CIENCO1, công ty này mới chỉ góp 44,5 tỷ đồng vào BOT cầu Việt Trì nhưng đã chiếm tới 27,61% vốn sở hữu.

Đến tháng 11/2014, ông Đinh Ngọc Hệ, đại diện liên danh nhà đầu tư (CIENCO1 - Yên Khánh - Thái Sơn), cho biết dự án được Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức đầu tư là 1.826 tỷ đồng. Trong số đó, vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư khoảng 475 tỷ đồng (chiếm 26%). Còn lại, hơn 1350 tỷ đồng (chiếm 74%) do BIDV tài trợ. Dự án được BIDV ủy nhiệm cho Chi nhánh BIDV Thành Đô ký hợp đồng tài trợ.


Sau khi cầu Hạc Trì thông xe từ tháng 12/2015 đã vấp phải nhiều sự phản đối của người dân. Tháng 3/2016, Tổng cục Đường bộ cho phép đặt trụ bê tông chắn tại hai đường dẫn lên cầu Việt Trì cũ, với lý do cầu yếu không an toàn. Tất cả ôtô phải qua cầu Hạc Trì với mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt xe dưới 12 chỗ, cao nhất là 180.000 đồng/lượt từ 18 tấn trở lên.

Phủ bóng hàng loạt dự án BT, BOT nghìn tỷ

Cũng theo Vụ Đối tác Công - tư, Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo QL20, đoạn Km 123 + 105 – Km 268 thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT và BT cũng do liên danh Tổng công ty 319 - Thái Sơn - Yên Khánh làm chủ đầu tư.

Tháng 3/2014, Công ty TNHH BOT và BT quốc lộ 20 được thành lập với số vốn điều lệ là 555,3 tỷ đồng do ông Nguyễn Việt Dũng làm đại diện pháp luật. Trong đó, Tổng công ty 319 góp 222,12 tỷ đồng (40% vốn), Thái Sơn và Yên Khánh mỗi công ty góp 166,59 tỷ đồng (30% vốn).

Công ty Thái Sơn nơi ông "Út trọc" làm chủ tịch còn phủ bóng tại nhiều dự án BOT, BT khác. Nguồn: Vụ Đối tác Công - Tư, Bộ GTVT.

Tháng 4/2017, Công ty TNHH BOT và BT quốc lộ 20 đã thay đổi người đại diện pháp luật là ông Trần Xuân Bình.

Dự án này có tổng mức đầu tư lên tới 2.451,31 tỷ đồng, nguồn vốn do 100% tư nhân cùng cấp và được cho phép khai thác trong 17 năm 11 tháng.

Ngoài ra, Thái Sơn còn “phủ bóng” ở hàng loạt dự án khác như: Dự án nâng cấp và cải tạo Quốc lộ 1A đoạn Nha Trang - Khánh Hòa theo hình thức Trái phiếu Chính phủ; thi công dự án kéo dài và nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Pleiku; thi công dự án Tổ hợp thương mại - dịch vụ và văn phòng số 3 Trần Phú - Nghệ An;...

Cuối tháng 2/2016, Thái Sơn và CTCP Tập đoàn Đức Bình đã có tờ trình gửi Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xin tham gia đầu tư dự án cảng hàng không Vũng Tàu theo hình thức PPP.

Tháng 5/2016, Liên danh nhà đầu tư Thái Sơn - CIENCO1 - Đức Bình - Cái Mép đã đề xuất Thành ủy và UBND TP.HCM xem xét, chấp thuận cho phép được nghiên cứu lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng cầu Cát Lái (nối quận 2, TP.HCM với huyện Nhơn Trạch - Đồng Nai) theo hình thức BOT kết hợp BT.

Cuối năm 2016, UBND TP.HCM còn giao Liên danh CIENCO1 –Thái Sơn – CTCP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc nghiên cứu lập Đề xuất dự án Đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 3 và mở rộng, nâng cấp đường Tôn Đản, quận 4 theo hình thức đối tác công - tư.

Công ty Yên Khánh có vốn điều lệ lên tới 1.800 tỷ đồng được thành lập từ năm 2005, gồm 3 cổ đông sáng lập bà Đinh Thị Hiên (30%), Vũ Thị Hoan (69,5%) và Đinh Thị Liên(0,5%). Hiện tại, bà Hoan là Chủ tịch HĐQT. Theo Nhadautu.vn, Công ty Yên Khánh còn là cổ đông chiến lược của CIENCO1 với 28,28% tỷ lệ sở hữu.

Công ty Đức Bình được thành lập từ năm 2002 hiện có vốn điều lệ là 500 tỷ đồng.

Công ty Tuấn Lộc thành lập năm 2005 do ông Trần Tuấn Lộc làm Chủ tịch HĐQT, tháng 7 vừa qua, công ty đã tiến hành nâng vốn lên 3.000 tỷ đồng. Hiện Tuấn Lộc cũng tham gia hàng loạt dự án đầu tư hợp tác, công trình trên cả nước.

Quang Thắng

Theo Zing.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây