"Ðảo cụ Duẩn"
"Anh muốn vô thăm đảo cụ Duẩn à, lần ni thì không phải đi thuyền nữa mô. Anh chịu khó đợi tôi tý, tôi quay về nhà lấy chìa khóa để mở cửa nhà thờ cho anh thắp hương" - ông Trần Ngọc Danh đang ngồi trong quán nước, vừa nói vừa đứng phắt dậy hăng hái làm "chức năng hướng dẫn viên" giúp tôi… Trời Kẻ Gỗ, buổi chiều đầu tháng tư mưa dầm gió buốt, nhưng khu vực quanh "đảo cụ Duẩn" rộn ràng tiếng xe, tiếng máy của đội ngũ công nhân Công ty 666 (Sở Giao thông Hà Tĩnh) đang dồn sức cho "Công trình chào mừng kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn (7-4-1907 - 7-4-2017)". Theo một cán bộ ban quản lý dự án cho biết: "Vốn đầu tư cho công trình này xấp xỉ 25 tỷ đồng, được huy động bằng hình thức xã hội hóa, từ các doanh nghiệp và nhà hảo tâm".
Khi tôi bước chân qua cầu nhỏ, trong cơn mưa cuối xuân, đầu hạ đảo "cụ Duẩn" ngạt ngào mùi hương quyến rũ của các loài hoa. Tôi nghe ông Danh, người trông coi đền thờ kể: Cách đây hơn 40 năm, trên đảo này đã có một ngôi nhà gỗ, do huyện Cẩm Xuyên dựng lên (để đón đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm ngày 2-5-1979). Sau đó, ngôi nhà này trở thành nhà tưởng niệm.
Theo thường lệ, cứ đến ngày ấy đoàn cán bộ tỉnh, cán bộ địa phương huyện Cẩm Xuyên và nhân dân hai xã phụ cận Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ lại đưa hương hoa và lễ vật đặt lên bàn thờ, kính cẩn nghiêng mình tri ân Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Ðầu năm 2011, ngôi đền thờ Tổng Bí thư được khởi công xây dựng và khánh thành vào ngày 18-1-2014. Một anh bạn đồng nghiệp kể với tôi rằng: Ngày cắt băng khánh thành đền thờ, bà Lê Thị Hương và những người thân trong gia đình Tổng Bí thư Lê Duẩn đã xúc động đến không cầm nổi nước mắt, bởi giá trị tâm linh của địa chỉ này. Bất cứ du khách nào khi đặt chân tới đây cũng sẽ có dịp hiểu được thêm sức mạnh ý chí tự lực, tự cường phi thường của nhân dân Nghệ Tĩnh trong cuộc cách mạng "xóa đói, giảm nghèo", với công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ. Nguồn sức mạnh ấy đã được Ðảng và đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn khơi dậy, thắp sáng.
Trên bàn thờ chính diện đặt bức tượng Tổng Bí thư Lê Duẩn, đang ngồi với tư thế khoan thai, điềm tĩnh... Ðôi mắt sáng nhìn ra mênh mông nước hồ Kẻ Gỗ, với niềm vui khôn xiết. Ánh nhìn ấy khỏe khoắn, trẻ trung, như bức ảnh tư liệu mà phóng viên TTXVN "chớp" được, vào buổi sáng đẹp trời cách đây gần bốn thập kỷ. Khoảnh khắc đó, đồng chí Lê Duẩn đang ngồi thuyền máy cùng đoàn cán bộ cao cấp kiểm tra hồ Kẻ Gỗ. Theo lời kể của đồng chí Trương Kiện, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ - Tĩnh thuật lại, khi rời hồ Kẻ Gỗ, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn nắm chặt tay ông, bảo: "Cứ nhìn vào hồ Kẻ Gỗ nước mênh mông như biển vậy, tôi mừng lắm. Dân sản xuất sẽ yên tâm rồi. Mình mong Nghệ - Tĩnh và cả nước có thêm nhiều công trình như thế, dân mới giàu lên được".
Dòng nước hồi sinh một vùng đất
Từ đảo "cụ Duẩn", men theo con đường kênh gần 5 km, đến xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên). Mảnh đất này với tên cũ làng Phương Cai, là quê gốc ông nội của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn. Cẩm Duệ, ngày chưa có nước hồ Kẻ Gỗ, dân làng ăn khoai, sắn trừ bữa, bởi đồng khô, cỏ cháy quanh năm.
Ông Trần Xuân Long, Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ, nhắc lại với tôi chuyện cũ: Vào dịp tháng 5-1979, bác Lê Duẩn về thăm bà con quê nội và họ hàng. Nghe tin bác Duẩn về, cả làng già, trẻ, gái, trai ra đứng chật bờ đường để đón. Nói chuyện với mọi người, bác Duẩn nhắc nhiều đến tình làng nghĩa xóm, gìn giữ những nét đẹp truyền thống xứ Nghệ. Bác Duẩn dặn dò cán bộ đảng viên nêu cao tinh thần "làm chủ tập thể" biết "xả thân vì lợi ích của dân". Trước lúc lên xe, bác Duẩn còn vẫy tay và nói: "Bà con cố gắng sản xuất nhiều gạo, nhiều nếp để năm sau tôi về được ăn cơm nếp Cẩm Duệ". Mới đó đã gần bốn thập kỷ, tình cảm sâu nặng của bác Lê Duẩn với bà con Cẩm Duệ vẫn không bao giờ phai nhạt.
Thực tế sau ba mươi năm đổi mới, Cẩm Duệ đã trở thành một bức tranh đa sắc. Nhờ lợi thế dồi dào quỹ đất và chủ động nguồn nước, nhà nào cũng hăng hái sản xuất, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Người dân Cẩm Duệ vốn đã có đức tính cần cù, chịu khó tự bao đời, nay trong cơ chế mới, được Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ nhiều chính sách thông thoáng, nên nhiều gia đình tận dụng tối đa tiềm năng, bắt đất quay vòng liên tục để tạo ra sản phẩm hàng hóa.
"Ðất ni nhà mô cũng biết chăn nuôi cả. Cả xã có tới 1.300 con trâu, bò, vịt hơn năm vạn con. Bây giờ họ trồng ngô, trồng sắn chủ yếu phục vụ chăn nuôi"- Bí thư Ðảng ủy Hà Huy Kim cho biết. Ðồng đất Cẩm Duệ, năng suất lúa hiện lên tới 58 tạ/ ha - 60 tạ/ha. Với tổng sản lượng lương thực từ 4.800 tấn đến 5.000 tấn mỗi năm, xứ này đã trở thành "vựa thóc lớn" của Hà Tĩnh. Trong cuộc cách mạng nông thôn mới, Cẩm Duệ đã đạt được 10 tiêu chí, xây dựng được năm mô hình hợp tác xã kiểu mới.
Biết đổi mới cách nhìn, cách nghĩ, biết năng động linh hoạt trong cơ chế thị trường, Cẩm Duệ hiện đã xuất hiện 31 mô hình làm ăn vừa và nhỏ. Hai ông chủ Nguyễn Văn Khuyến và ông Võ Tá Phương thành "kiện tướng chăn nuôi giỏi", doanh thu mỗi năm về chăn nuôi và trồng trọt tới hơn 500 triệu đồng.
Trong một bức thư gửi cho cán bộ Công ty thủy lợi Nam Hà Tĩnh, nhân kỷ niệm 40 năm công trình lịch sử Kẻ Gỗ, đồng chí Lê Ðình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh viết: "Hệ thống công trình thủy nông Kẻ Gỗ đã không ngừng phát huy tác dụng, đưa nguồn nước ngọt của hồ Kẻ Gỗ tưới cho hàng vạn héc-ta lúa, nuôi trồng thủy sản, giảm lũ vùng hạ du, góp phần bảo đảm môi trường, đáp ứng cho bà con nông dân, các tổ chức kinh tế của các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh nâng cao đời sống, góp phần quan trọng thành công chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới".
Tôi nghĩ, đó thật sự là minh chứng hùng hồn cho kỳ tích Ðại thủy nông Kẻ Gỗ trong bốn thập kỷ đã đi qua.
Ðường càng đi càng thơm mát, rộng dài. Ðồng càng ngắm, càng bát ngát mầu xanh. Từ dòng kênh Kẻ Gỗ men theo con nước về với những cánh đồng làng, đi tới đâu, tôi cũng nghe những câu chuyện người dân Hà Tĩnh hôm nay, râm ran cách làm ăn mới.