Khám phá vương quốc khỉ
Theo tài liệu nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu khoa học Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng, ở đây có 10 loài và phân loài linh trưởng, là nơi có sự đa dạng về các loài linh trưởng cao nhất trong các vườn quốc gia trên toàn quốc (cả nước có 26 loài và phân loài). Phong Nha – Kẻ Bàng nhiều loài linh trưởng đến độ, đi vào bất kỳ vùng núi đá vôi nào nếu không gặp được các loài khỉ khác thì cũng dễ dàng chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy của loài chà vá chân nâu, hay được nghe tiếng hót thánh thót gọi bầy của đàn vượn siki.
Khỉ mặt đỏ, một loài khỉ quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng có ở Phong Nha – Kẻ Bàng
Tại các khu rừng của Phong Nha – Kẻ Bàng như Hung Dạng, Hung Lau, Trộ Mợng… là những điểm thường xuyên ghi nhận sự xuất hiện của các loài chà vá chân nâu và voọc gáy trắng (còn gọi là voọc Hà Tĩnh). Trong khi loài voọc gáy trắng thường xuyên xuất hiện ở khu vực Trộ Mợng - nơi có khu du lịch Suối nước Mọc và Hang Tối… thì loài chà vá chân nâu lại có rất nhiều ở Hung Dạng.
Tại đây, các chiến sỹ kiểm lâm ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng bắt gặp chúng hằng ngày với số lượng khoảng 3 đàn, mỗi đoàn khoảng 15 cá thể. Chà vá chân nâu với bộ lông có màu sắc rực rỡ, chúng được Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đánh giá là "hoa khôi" trong thế giới loài khỉ.
Trong một đàn chà vá chân nâu có một con đực làm chủ đàn. Khi di chuyển, con đực đi đầu, chà vá cái ở giữa và chà vá non đi sau cuối. Khi có biến, chúng thường rút lui lặng lẽ nhưng nếu bị bắt gặp bất chợt chúng có thể kêu hú inh ỏi, leo trèo nháo nhác làm náo động cả một khu rừng. Các chiến sỹ kiểm lâm ở đây kể rằng, đã nhiều lần nhờ sự báo động của các đàn chà vá chân nâu mà họ đã kịp thời ngăn chặn được những cuộc đánh bắt trái phép của các tay thợ săn xâm hại rừng…
Voọc chà vá chân nâu “hoa khôi loài khỉ” và voọc gáy trắng (voọc Hà Tĩnh) đang được nuôi bán hoang giã tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng
Trong khi đó, rừng U Bò, nằm trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây là nơi được ghi nhận là một quần thể vượn siki (người dân địa phương gọi là vượn hót) lớn nhất Việt Nam. Tại đây các nhà khoa học và các kiểm lâm viên ghi nhận có khoảng 41 đàn vượn siki với hàng trăm, hàng ngàn cá thể. Từng đàn vượn siki chiếm cứ lấy một khu vực làm lãnh thổ riêng biệt. Các chiến sỹ kiểm lâm chứng kiến chúng tồn tại hằng ngày qua những tiếng hú vang vọng cả khu rừng. Tiếng hú riêng lẻ là của những chú vượn đực trưởng thành tìm bạn, mời gọi bạn tình. Còn những tiếng hú nối tiếp nhau, đôi khi những chú vượn siki con cũng phụ họa thêm tạo thành một làn sóng âm thanh âm vang cả núi rừng thì đó là những tiếng hú phô trương, thông báo khu vực lãnh thổ chiếm hữu…
Bên trong một “thủy liêm động”
Khu Phong Nha-Kẻ Bàng có một quần thể hơn 300 hang động lớn nhỏ phong phú, kỳ vỹ. Ngoài những hang động nổi tiếng được đưa vào khai thác du lịch như hang Sơn Đoòng, Thiên Đường, hệ thống hang Phong Nha – Tiên Sơn… thì hàng trăm hang động khác nằm ẩn mình dưới những rặng núi đá vôi hùng vĩ trong rừng sâu đang là nơi trú ngụ lý tưởng của các loài khỉ, được nhiều người ví là những “thủy liêm động”.
Loài voọc gáy trắng được ghi nhận ngoài thiên nhiên ở Phong Nha – Kẻ Bàng ở khu vực Trộ Mợng
Một lần được theo chân già làng người A Rem Đinh Rầu vào các hang đá nơi người A Rem “tiền sử” từng sinh sống, chúng tôi đã được chứng kiếm một trong những “thủy liêm động” như thế. Ở khu vực Rục Cà Roòng, nơi trước đây người A Rem sinh sống và bây giờ là nơi họ làm rẫy trồng sắn, bắp và lúa, người A Rem gọi cái hang đá đó là hang khỉ, bởi bên trong hang có hàng trăm con khỉ mặt đỏ (một loài khỉ quý hiếm có tên trong Sách đỏ) chiếm cứ và sinh sống hàng trăm năm qua. Già làng Đinh Rầu dẫn chúng tôi đến cửa hang nhưng không dám dẫn vào sâu trong hang vì ông sợ đàn khỉ sẽ tấn công. Bản thân ông, trong một lần xua đuổi đàn khỉ khi chúng phá hoại rẫy bắp của mình đã bị chúng đánh xa xẩm mặt mày.
Đinh Rầu kể lại, một buổi sáng mùa bắp chín năm 2010, ông vào thăm rẫy bắp coi nó đã chín hết chưa để thu hoạch thì tá hỏa khi thấy một đàn khỉ mặt đỏ khoảng 30 con đang bứt dây bìm bịp quấn nhiều vòng quanh thân mình và bẻ những trái ngô nhét vào vòng dây bìm bịp. Thấy thế Đinh Rầu xua 2 con chó đi theo đến xua đàn khỉ. Phát hiện có người, một con khỉ to lớn nhất đang đứng ở mỏm đá đầu rẫy hú lớn báo động.
Cả đàn khỉ bèn kéo nhau chạy về cái hang đá gần đó. Tiếc rẫy ngô đã đến kỳ thu hoạch bị bẻ trộm, Đinh Rầu dẫn 2 con chó chạy theo vào hang, thấy một đóng bắp lớn đang chất ở hốc đá. “Miềng định bụng lại lấy bỏ vào gùi để mang về.
Mới đầu miềng chỉ thấy mấy con khỉ nhỏ bỏ chạy khỏi đống bắp, sau thì con đầu đàn ở đâu xuất hiện trên mái đá, nó hú vang báo động, cả đàn khỉ mặt đỏ hàng chục con hung tợn lao vào tấn công miềng chảy máu, 2 con chó săn của miềng cũng bị chúng đánh chạy đâu mất. May có cây đuốc mang theo miềng châm lửa hua hua, chúng mới tản ra nhưng vẫn đứng canh ở cửa hang. Đang lo thì miềng thấy có đống củi khô chắc do lũ năm trước đưa vào, miềng đến đốt, khói bốc lên, mấy anh em đi rừng cạnh đó thấy mới đến cứu mình, không thì khỉ mặt đỏ đánh chết mất” – Đinh Rầu kể lại.
Cuộc chiến bảo vệ hậu duệ lão Tôn
Với những đồn thổi về giá trị thần kỳ từ các bộ phận của các loài khỉ, vượn khiến loài này ngày càng bị săn bắt và tàn sát dã man. Ông Đinh Huy Trí – Phó Giám đốc VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cho biết, được mạnh danh là “vương quốc của các loài linh trưởng”, trong những năm qua VQG Phong Nha – Kẻ Bàng rất vất vả trong việc bảo vệ các loài linh trưởng khỏi những kẻ săn trộm. Theo ông Trí, một trong những đặc tính làm cho chúng dễ tìm kiếm và phát hiện nhất, đó là chúng thường đùa hót vang cả khu rừng.
Đặc biệt, chà vá còn rất… dại dột, khi gặp người chúng không bỏ chạy mà bẻ cành để che mình. Chúng cứ tưởng không nhìn thấy người thì người cũng không thấy chúng và cứ ngồi yên trên cây. Nếu gặp thợ săn, súng nổ đùng đoàng, đồng loại trúng đạn rơi xung quanh nhưng chúng vẫn thản nhiên, không chạy. Vì thế nhiều lúc các tay thợ săn hạ gục cả bầy chà vá…
Nhiều cá thể khỉ đang bị nuôi nhốt trong các nhà người dân trong thật tội nghiệp
Cũng theo ông Trí, thời gian qua VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã tăng cường nhiều biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn nạn săn bắt và buôn bán động vật rừng, trong đó có các loài linh trưởng. Các vụ Hạt kiểm lâm của vườn bắt được đều bị xử phạt rất nặng, nhiều vụ đã khởi tố vụ án chuyển cơ quan điều tra. Mới đây nhất Hạt kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã bắt phát hiện 2 đối tượng lạ mặt đi từ rừng ra mang theo hai bao tải, khi thấy lực lượng kiểm lâm chúng đã vứt lại và bỏ chạy. Kiểm tra 2 bao tải, kiểm lâm thu được 12 cá thể linh trưởng đã bị giết, lấy nội tạng, não và đã sấy khô. Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã khởi tố vụ án, chuyển cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ…
VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cũng thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động người dân không vào rừng săn bắt các loài động vật rừng, trong đó có các loài linh trưởng. Theo ông Lê Thúc Định – Giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, từ khi thành lập (2004) đến nay, Trung tâm đã cứu hộ 152 lượt cá thể linh trưởng, trong đó chủ yếu là các loài thuộc nhóm khỉ, một số khác thuộc các nhóm cu li, vượn, chà vá chân nâu. Nhiều người dân trong vùng cũng đã tự nguyện giao nộp lại cho vườn hàng trăm cá thể linh trưởng để thả lại rừng…
Theo ghi nhận của các nhà khoa học, ở Việt Nam 26 loài và phân loài linh trưởng thì ở Phong Nha – Kẻ Bàng đã có đến 10 loài và phân loài thuộc 3 họ: họ vượn có 1 loài, họ cu li có hai loài và họ khỉ có 7 loài. Rừng Phong Nha rộng lớn với các thung lũng núi đá nơi có rừng thường xanh với hàng nghìn loài thực vật là nguồn thức ăn dồi dào cho các loài linh trưởng vì thế nó tạo nên sự đa dạng của khu hệ thú linh trưởng ở đây.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn