Thời gian gần đây, nhiều người dân tại tỉnh Quảng Bình bất chấp nguy hiểm, xâm nhập khu vực vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng để khai thác gỗ hương giáng. Mỗi khúc gỗ được thương lái Trung Quốc thu mua với giá từ vài triệu đến cả chục triệu đồng.
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng từng 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Việc người dân đổ xô vào rừng khai thác gốc, rễ cây hương giáng có thể gây thiệt hại tài nguyên rừng, nguy cơ đe dọa đa dạng sinh học của vườn.
Ông Đoàn Thanh Bình – Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cho hay, cây hương giáng là một loại dây leo, có nhiều ở những vách núi đá vôi VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Nói là dây leo nhưng thân cây rất lớn, có khi đến vài người ôm, uốn lượn ôm vào vách núi đá. Mùi hương của loài gỗ này rất thơm
Gỗ hương giáng phân bổ nhiều tại các vùng núi đá thuộc vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
“Ngày trước, người dân trong vùng coi đây là gỗ tạp vì không có giá trị kinh tế. Họ vẫn thường lấy về, đốt lên, xông trong nhà vào dịp cuối năm để trừ tà, ma, hy vọng một năm mới làm ăn phát đạt, sức khỏe dồi dào”, ông Bình nói.
Ông Bình cho biết thêm, từ khi có thương lái Trung Quốc thu mua, người dân đổ xô đi săn tìm loài gỗ này. Người dân thường khai thác vào sáng sớm hoặc chập choạng tối nên lực lượng kiểm lâm khó phát hiện.
Từ tháng 10/2016 đến nay, lực lượng hạt kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng phát hiện và lập hồ sơ xử lý 15 vụ vi phạm, thu giữ gần 1 tấn gỗ hương giáng. Tuy nhiên, do loại gỗ này chưa được phân loại nên chưa xác định nhóm, gây khó khăn trong công tác xử lý các đối tượng vi phạm.
“Báu vật” chỉ là gỗ thấp cấp trong phong thủy
Theo lời người dân đồn thổi, gỗ hương giáng được mua về để phục vụ làm đồ phong thủy. Gỗ hương giáng có mùi thơm dễ chịu, có thể trừ tà ma, giúp gia chủ công việc hanh thông, sức khỏe tốt… Vì thế, nó được coi như “báu vật”.
Người dân đang đổ xô đi khác thác loại gỗ này để bán cho thương lái Trung Quốc.
Ngày 1/3, trao đổi với PV, chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà – Công ty phong thủy VNN cho hay, từ trước đến nay, gỗ hương giáng vẫn được dùng trong giới phong thủy bởi nó có thể phát ra mùi hương.
“Về bản chất, gỗ nào toát ra mùi hương thì trong phong thủy quan niệm tạo ra sinh khí. Tuy nhiên, trong các dòng gỗ phong thủy thì gỗ hương giáng chỉ là dòng thấp cấp, không thể so sánh với gỗ trầm hay gỗ sưa”, chuyên gia Song Hà nói.
Theo chuyên gia Song Hà, công dụng chính của gỗ hương giáng là chống gió. Về mặt này, nó chỉ tương tự như bạc. Vì thế, để không tiếp tay cho những hành động phá rừng, người dân nên sử dụng bạc thay vì dùng gỗ hương giáng.
Cùng quan điểm, thầy Tam Nguyên – Tổng thư kí hiệp hội phong thủy dịch học thế giới - Phân hội Việt Nam cũng cho rằng, gỗ hương giáng chỉ có mùi thơm còn tính chất gỗ không có gì đặc biệt nên ít được sử dụng trong phong thủy.
“Thậm chí trong phong thủy, chưa có nghiên cứu hay kiểm chứng nào cho thấy lợi ích của gỗ hương giáng mang lại. Nếu không cẩn thận, những linh vật làm từ gỗ này sau khi lạp khí vào còn có thể mang lại tai họa”, thầy Tam Nguyên cho hay.
Thầy Tam Nguyên khuyến cáo người dân nên cẩn thận với chiêu trò của các thương lái Trung Quốc bởi đây có thể là hành động phá hoại rừng nguyên sinh. Các thương lái có thể thu mua ồ ạt trong thời gian ngắn rồi ngưng mua nên các đầu nậu gỗ cũng dễ “vỡ mộng”.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn