900 phòng nghỉ ở bãi biển Thiên Cầm (Hà Tĩnh) luôn kín khách suốt mấy ngày nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua. Mỗi ngày, có tới 7.000 du khách đến đây. Ở Quảng Bình, khoảng 4.000 du khách đến với những bãi tắm lớn của tỉnh này. Còn ở Quảng Trị, 3.000 người đến chật kín bãi biển Cửa Việt.
Trong khi đó, tại Thừa Thiên-Huế, mỗi ngày có tới gần 7.000 du khách đến bãi biển Thuận An….
Những bãi tắm miền Trung đông khách đã trở thành “hiện tượng”, được chia sẻ trên mạng xã hội. Một hình ảnh tràn đầy sức sống, khác hẳn vẻ đìu hiu của 1 năm về trước, sau thảm họa môi trường Formosa.
Đi giữa biển người rộn rã tiếng cười trên bãi biển rộng, tràn trề nắng gió, đi giữa những khuôn mặt hân hoan, tôi quên hẳn cảm giác lo âu, vốn đè nặng trong lòng suốt một năm qua.
Nhiều em bé được bố mẹ đưa ra biển tắm và nô đùa trên cát ở miền Trung dịp nghỉ lễ 30.4 vừa qua. Ảnh: Vy An/Vnexpress.
Còn nhớ những ngày tháng 4 năm trước, bao nhiêu xác cá chết tấp vô bờ suốt dải biển miền Trung. Lần đầu tiên, một thảm họa môi trường trên diện rộng xảy đến ở Việt Nam. Lần đầu tiên, người dân đối mặt với nguy cơ trắng tay trước biển. Và cũng lần đầu tiên, các cấp chính quyền cảm nhận rõ hơn bao giờ hết về cái giá của sự phát triển không bền vững.
Sự cố môi trường đã khiến các ngành kinh tế biển như đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, các ngành phụ trợ hậu cần nghề cá, du lịch biển của các tỉnh miền Trung lâm vào tình cảnh điêu đứng, cuộc sống của hàng vạn người dân gặp nhiều khó khăn.
Chỉ tính riêng tại tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh có 6.983 tàu cá; 2.259 ha ao, hồ, bãi triều; 31.692 m2 nuôi lồng bè; 127 ha sản xuất muối; 47.960 lao động, trong đó lao động trực tiếp 44.280 người, lao động gián tiếp 3.680 người bị ảnh hưởng, thiệt hại do sự cố.
Và giờ, sau bao nỗ lực không mệt mỏi của người dân và chính quyền, biển miền Trung đang hồi sinh trở lại.
Trong văn bản gửi các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bộ TN&MT khẳng định môi trường biển tại 4 tỉnh này đã an toàn. Văn bản số 380/BTNMT-TCMT của Bộ TN&MT nêu rõ, kết quả kiểm tra cho thấy hàm lượng các chất ô nhiễm trong môi trường biển từ sự cố môi trường đã giảm dần theo thời gian.
Niềm vui lại đến, dù vẫn còn đôi điều dè dặt.
Vui, nhưng vẫn dè dặt, bởi người dân miền Trung nói riêng và cả nước nói chung vẫn đang chờ đợi những giải pháp triệt để của các cấp chính quyền về quy trình sản xuất xanh, sạch của Formosa. Vui, nhưng dè dặt bởi bà con ngư dân vẫn chưa thể ra khơi bám biển thường xuyên như trước. Bởi mọi người sẽ còn phải chờ đợi “hiệu ứng du lịch Hè 2017” mới có thể khẳng định biển miền Trung đã hồi sinh.
Theo báo cáo, Formosa đã khắc phục 51/53 lỗi trước khi vận hành chính thức. 2 lỗi còn lại là những thứ căn bản nhất: Chuyển đổi công nghệ dập cốc từ ướt sang khô và kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cho toàn nhà máy.
Dập cốc được coi là khâu quan trọng nhất trong sản xuất thép, và cũng là bước sản xuất gây ô nhiễm môi trường nhất, nếu sử dụng công nghệ không than thiện môi trường.
Dập cốc ướt là hạ nhiệt cục cốc từ 1.200-1.300 độ C xuống còn 200-300 độ C bằng nước. Công nghệ này phát thải rất nhiều hóa chất độc hại cả trong nước thải và nước bốc hơi ra môi trường.
Dập cốc khô là công nghệ hạ nhiệt bằng khí trơ trong hệ nén. Công nghệ này không phát thải các chất độc hại ra môi trường; tận dụng được nhiệt để chạy máy phát điện… nhưng sẽ đắt hơn công nghệ dập cốc ướt.
Formosa thay đổi công nghệ sản xuất thép, đồng nghĩa với thay đổi nhiều thiết bị chủ chốt trong dây chuyền. Nhà đầu tư thì tính đến lợi nhuận, còn chúng ta cần phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Bài toán hài hòa lợi ích của các bên cần có lời giải xác đáng.
Biển miền Trung có thực sự hồi sinh hay không; ngư dân miền Trung có thể lại tiếp tục sống với biển, bám biển, làm giàu từ biển hay không… phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm lớn lao của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng trong việc chỉ lựa chọn công nghệ mới, thân thiện môi trường và giám sát chặt chẽ để doanh nghiệp thực hiện đúng những gì họ đã cam kết.
Tôi và chúng ta cùng mong đến ngày những bãi biển miền Trung luôn đông nghịt du khách như xưa. Biển miền Trung thực sự trong xanh trở lại và đời sống người dân ngày càng yên ổn và sung túc. Mong lắm niềm vui như những ngày qua.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn