Dự án điện gió tại miền Trung. Ảnh: HUỆ MINH
Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) thông tin, tính đến ngày 23-5, mới chỉ có 18/85 nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực, có đến 12 dự án chuyển tiếp đã nộp hồ sơ đàm phán giá nhưng lại chưa nộp hồ sơ cấp phép (gồm 11 dự án điện gió, 1 dự án điện mặt trời).
Tính đến 26-5, có 52/85 nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất 3.155MW đã nộp hồ sơ đến EVN. Trong đó, 42 nhà máy với tổng công suất 2.258,9MW đã và đang tiến hành thỏa thuận giá điện với EVN; 36 nhà máy với tổng công suất 2.063,7MW đề xuất giá điện tạm bằng 50% khung giá để làm cơ sở huy động. Hiện vẫn còn 33 nhà máy điện với tổng công suất 1.581MW chưa gửi hồ sơ đàm phán (chiếm tỷ lệ khoảng 33%).
Có nhiều chủ đầu tư vi phạm các quy định pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng… nên còn chưa đáp ứng các thủ tục pháp lý, chưa thể đàm phán giá với EVN. Một số chủ đầu tư đã được yêu cầu bổ sung hồ sơ từ cuối tháng 3-2023 nhưng sau 2 tháng vẫn không bổ sung được.
“Đây là lúc các chủ đầu tư cần gấp rút hoàn chỉnh thủ tục và nộp hồ sơ để việc thỏa thuận giá điện không bị kéo dài, rút ngắn thời gian đưa các dự án này vào vận hành, từng bước giải quyết bài toán kinh doanh của doanh nghiệp”, Bộ Công thương đề nghị.
Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai dự án, các chủ đầu tư phải chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, điện lực, quy hoạch, môi trường, phòng cháy chữa cháy… Theo quy định tại Luật Điện lực, các dự án điện trước khi được đưa vào khai thác cần được cấp giấy phép hoạt động điện lực.
VĂN PHÚC
Theo SGGP.ORG.VN