Văn bản “lạ” của chính quyền cấp xã "chống lại" quy định của Thủ tướng!
Theo như đơn kiến nghị của ông Hoàng Văn Lĩnh (trú tại xóm 8, xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh) gửi tới các cơ quan chức năng có nội dung: “Năm 2013 Nhà nước có chủ trương giao đất giao rừng sản xuất cho các hộ gia đình, cá nhân để người dân yên tâm đầu tư, sản xuất, tăng thu nhập và nâng cao mức sống cho những hộ dân làm nghề rừng."
Thông báo về việc tạm dừng khai thác, cắt, bón gõ thông của UBND xã Kỳ Giang
Theo đó, hộ gia đình ông Lĩnh được hưởng chính sách đó và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CC470856 vào ngày 29/5/2017 với diện tích 38669,1 m2. Đất rừng sản xuất gia đình ông Lĩnh được nhận là rừng thông cho lấy nhựa.
Kể từ khi được giao, gia đình ông Lĩnh vừa tham gia tốt công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng vừa khai thác nhựa thông nên cuộc sống gia đình đỡ vất vã hơn.
Sau một thời gian khai thác rừng thông nhựa, số cây thông phần nhiều đã già cỗi, cho nhựa ít và một số diện tích bị bão quật đổ nên gia đình ông Lĩnh có ý định khai thác số cây thông nhựa bán đi để lấy kinh phí mua cây giống chuyển sang trồng keo, tràm cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Để được khai thác số diện tích cây thông nhựa, ông Lĩnh đã đến UBND xã Kỳ Giang để làm thủ tục. Tại đây, ông Lĩnh được yêu cầu đóng số tiền 12 triệu đồng mới được khai thác.
Trao đổi với PV, ông Lĩnh cho biết: Nếu chiếu theo theo thông tư số 21/2016 TT – BNN& PTNT ngày 28/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quyết định số 38/2016/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ thì số tiền phải đóng tương đương 80kg thóc trên một héc ta. Như vậy, UBND xã Kỳ Giang đã bắt tôi đóng cao hơn số tiền mà Chính phủ quy định.
“Dù biết xã thu sai quy định nhưng do chúng tôi cần phải khai thác để kịp thời trồng vụ cây sau. Tôi đã đóng số tiền 12 triệu đồng để được khai thác số thông đã già cỗi”, ông Lĩnh bức xúc cho biết.
Giấy nộp tiền của ông Hoàng Văn Lĩnh
Thế nhưng, khi gia đình anh Lĩnh đang tiến hành khai thác gỗ thông 2,5 héc ta trong tổng số 3,8 héc thì thì UBND xã Kỳ Giang lại ra thông báo số 06/TB - UBND vào ngày 20/2/2017 theo về việc tạm dừng việc khai thác, cắt, bán gỗ thông trên địa bàn xã Kỳ Giang.
Theo ông Lĩnh, việc tạm dừng khai thác này kéo dài gần 2 năm khiến gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Sau đó, UBND xã này lại họp với các hộ dân và đi đến thông nhất cho khai thác tiếp và yêu cầu nộp thêm tiền. Cụ thể, để khai thác số diện tích thông còn lại, gia đình ông Lĩnh phải nộp thêm 1 cây thông là 40 nghìn/cây.
Việc làm này khiến gia đình chúng tôi vô cùng khó khăn, vừa phải nộp thêm số tiền mà chúng tôi đã nộp trước đó. Và nếu không có lệnh cấm khó hiểu đó thì giờ gia đình chúng tôi đã có rừng keo gần 2 năm tuổi.
Thu sai nên phải tạm dừng
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Tiến Nghị – Chủ tịch UBND xã Kỳ Giang cho rằng: Việc đó chúng tôi đã giải quyết rồi, không còn vấn đề gì cả. Hiện nay, chúng tôi đã họp với các hộ dân và các cơ quan liên quan là cho các hộ dân khai thác tiếp rồi. Khi nào khai thác xong thì các hộ dân chỉ việc đóng một khoản phí nhỏ (tự nguyện) cho việc mua bàn, ghế cho nhà trường tại địa bàn xã.
Về vấn đề thu thêm tiền 40 nghìn của các hộ dân, ông Nghị cho rằng: “Năm trước chúng tôi thu 15 nghìn/cây, năm nay họ chưa cắt hết thì họ phải nộp thêm 25 nghìn/ cây nữa. Ngoài ra, theo quy định thì việc các hộ dân phải đóng thêm 80kg thóc/ha/chu kỳ rừng trồng là theo quy định của Nhà nước”.
Liên quan đến việc vào ngày 19/2/2017 Đảng ủy xã Kỳ Giang thông báo kết luận số 35 giao UBND xã đình chỉ việc khai thác gỗ thông, ông Đinh Ngọc Viết – Bí thư Đảng ủy xã cho rằng, xã đã họp với các hộ dân là cho họ khai thác tiếp rồi. Thời điểm ra thông báo tạm dừng là do các hộ dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Lý giải thêm về việc tạm dừng việc khai thác gỗ thông, ông Viết cho rằng, việc thu tiền của các hộ dân (chỉ có giấy thu tiền nhưng không có hóa đơn theo quy định) vào thời điểm đó là chưa có căn cứ nào cả nên tạm dừng.
Từ một chủ trương đúng đắn của Chính phủ về việc giao đất, giao rừng sản xuất cho các hộ dân tự bảo vệ, chăm sóc và khai thác. Thế nhưng, vì cách quản lý thiếu đồng bộ, nhất quán của UBND xã Kỳ Giang khiến cho người dân thêm phần khó khăn.
Thiết nghĩ, việc làm trên của UBND xã Kỳ Giang vừa tiêu tốn ngân sách của Nhà nước vừa gây thiệt hại kinh tế cho người dân. Đề nghị UBND huyện Kỳ Anh cần chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Hoàng Hiệp
Nguồn tin: Đại lộ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn