Dự án nuôi bò 4.500 tỉ đồng tại Hà Tĩnh: Hàng trăm ha bỏ hoang, dân “khát” đất sản xuất

Thứ bảy - 23/06/2018 10:03
Mặc dù được sự hỗ trợ tích cực từ phía tỉnh Hà Tĩnh, sau gần 3 năm triển khai, dự án chăn nuôi bò của Cty Bình Hà đã đứng trước nguy cơ phá sản, để lại nhiều hệ lụy.

 

Hàng trăm ha đất dự án bỏ hoang tại Cẩm Mỹ - Cẩm Xuyên. Ảnh: PV
Hàng trăm ha đất dự án bỏ hoang tại Cẩm Mỹ - Cẩm Xuyên. Ảnh: PV

Nuôi bò không thành, chuyển sang trồng chuối

 

Sáng 22.4, chúng tôi được Mạnh (thanh niên quê xóm 4, xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên) chở bằng xe máy đưa đi thâm nhập thực tế siêu dự án chăn nuôi bò của Cty Bình Hà. Trên con đường nhỏ bị cày xới tan nát dẫn vào vùng dự án, bắt gặp hàng trăm ống caosu cỡ lớn nằm ngổn ngang. “Đây là hệ thống cung cấp nước của Cty Bình Hà, nhưng không thể triển khai được do dân không đồng thuận. Không biết bao nhiêu tiền đã đổ vào đây” - Mạnh giải thích.

Đi tiếp một quãng, hiện lên trước mắt cả dãy đồi mênh mông đã được trồng chuối xanh tốt. Cây chuối lên gần ngang đầu người nhưng chưa có quả. Tiếp tục đi vào phía trong, thấy nhiều bãi chuối trồng trên đồi, bãi cây còi cọc, lá cháy vàng, lẫn giữa cỏ dại nghi ngút. Bác Cử, người bảo vệ già nằm trên võng, trả lời ngắn gọn: “Chuối cũng có vẻ không khả thi lắm”. Vào sâu, lại gặp những đồi, bãi mênh mông đã bị cạo trọc, bỏ hoang, có vài con trâu, bò của dân đang gặm cỏ. Mạnh xót xa: “Đây trước là đất của Cty caosu, cây caosu đã 2 tuổi, được giao cho Cty Bình Hà, họ cạo trọc rồi bỏ hoang đó từ lâu lắm rồi. Họ bỏ hoang như vậy nhiều lắm”.

Đi một quãng nữa, gặp ông Dương Văn Trung - xóm trưởng xóm 4 - vừa đi cắt cỏ thuê cho Cty về, nói: “Chuối thì không rõ thế nào, chứ ở địa hình này thiếu nước nghiêm trọng, trồng cỏ cũng không ăn thua”. Nói về hệ lụy của dự án, ông Trung lắc đầu: “Nếu dự án khả thi, số lượng bò đông như thời điểm ban đầu, thì toàn dân chúng tôi không thể sống nổi”. Theo ông Trung, vào cuối năm 2015, khi chưa hoàn thiện các hạng mục xử lý chất thải, Cty đã nhập bò về ồ ạt, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, không khí. Hàng trăm người dân đã phải nhiều lần tổ chức kiểm tra, kiến nghị xử lý. Rừng bị cạo trọc nên phát sinh tình trạng lũ lụt, nước tràn vào nhà dân, trước đây chưa hề có.

Ông Trung thở phào vì dự án đổ bể, số lượng bò hiện tại không đáng kể nên khả năng gây ô nhiễm không còn. Nhưng trăn trở của ông là người dân không có đất sản xuất, trong khi hàng trăm ha đất đã giao cho Cty bỏ hoang hóa. “Mong rằng Nhà nước tổ chức kiểm tra, xem xét thu hồi những diện tích đất không sử dụng, để giao cho dân sản xuất” - ông Trung kiến nghị.

Thấy PV cầm máy ảnh, một số bảo vệ đi tới, yêu cầu không được quay phim, chụp ảnh. “Chúng tôi cấm quay phim chụp ảnh trong nông trại. Báo chí muốn đến làm việc phải được huyện giới thiệu” - ông Dũng, tổ trưởng bảo vệ tại Cẩm Mỹ, nói. Tuy nhiên, PV giải thích là chỉ đi trên đường dân sinh, và đã rất nhiều lần liên hệ với đại diện của Cty nhưng đều bị khước từ.

Chuối được trồng trên dự án nuôi bò. Ảnh: PV
Chuối được trồng trên dự án nuôi bò. Ảnh: PV

Mổ xẻ nguyên nhân thất bại

Ông Lê Quang Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ - nhận định, nguyên nhân dự án thất bại là do nhà đầu tư chưa nghiên cứu kỹ về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng. Theo ông Nghĩa, nơi đây khí hậu khắc nghiệt, nắng cháy, lạnh thì thấu xương, lại thêm gió bão, nhiều vị trí có độ dốc cao, thiếu nước, không phù hợp với việc trồng cỏ. Dự án cũng chưa có sự tham vấn cộng đồng, nên không nhận được sự đồng thuận, thậm chí bị nhiều người dân phản đối, nên gặp rất nhiều khó khăn. “Dân khổ, cán bộ địa phương cũng cực kỳ vất vả. Đến nay, hệ lụy về môi trường vẫn không thể khắc phục triệt để” - ông Nghĩa nói.

Một chuyên gia ngân hàng nhận định: “Họ nhập bò từ Úc về nuôi vỗ béo là sai lầm. Vì ở nước ngoài, bò thả rông, chi phí thấp, còn nuôi nhốt chi phí cao, lời lãi không được bao nhiêu”.

Về tính khả thi của dự án trồng chuối, ông Lê Quang Nghĩa cũng rất băn khoăn vì ngoài sự bất lợi của địa hình, thiếu nước, vùng đất này còn là “túi bão”. Nếu gặp bão, gió lớn, thì chuối sẽ bị quật đổ hết. Thực tế đã chứng minh vào năm 2017, gặp bão lớn, hệ thống chuồng trại nuôi bò của Cty bị thiệt hại nặng nề.

Một cán bộ của Cty Bình Hà cho hay thời điểm trước đây, Cty có khoảng 350 lao động, hiện tại có từ 250-270 lao động, ngoài bộ phận quản lý, kỹ thuật, chủ yếu là công nhân trồng chuối. Thu nhập của công nhân từ 4,5-6 triệu đồng, được đóng bảo hiểm. So với mục tiêu của dự án giải quyết việc làm cho 3.000 lao động, thì số công nhân hiện tại chưa được 10%, trong khi tính hiệu quả của dự án rất mờ mịt.

Theo báo cáo của Cty Bình Hà, số tiền bỏ ra cho dự án lên tới gần 2.000 tỉ, trong đó, BIDV cho vay 810 tỉ. Nguồn tin từ BIDV chi nhánh Hà Tĩnh cho hay việc thẩm định dự án, quyết định cho vay là từ hội sở chính của BIDV tại Hà Nội, thời ông Trần Bắc Hà làm Chủ tịch. Đến nay, sau gần 3 năm, Cty Bình Hà mới trả được 5 tỉ đồng, chưa biết lúc nào mới trả được gốc và lãi. Mặc dù còn trong thời gian ân hạn, song BIDV chưa quyết định cho vay tiếp. “Chúng tôi phải xem hiệu quả của việc trồng chuối như thế nào, mới quyết định cho vay tiếp hay không” - đại diện BIDV Hà Tĩnh nói.

Khi được hỏi vì sao không có sự phản biện trước một dự án lớn, tính khả thi không cao, một nguồn tin cho hay lúc đó lãnh đạo Hà Tĩnh quyết tâm rất cao. “Hà Tĩnh thành lập một Ban chỉ đạo thực hiện dự án, thúc tiến độ rất gắt. Lúc đó hầu như không có ai dám lên tiếng phản đối”, nguồn tin cho hay.

Thêm một bài học cho sự vội vã

Một cán bộ Hà Tĩnh đúc kết: Tỉnh đã có nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế triển khai vội vã, “đầu voi đuôi chuột”, thua lỗ, thất bại như: Dự án mía đường, trồng dâu nuôi tằm, trồng rau trên cát, mỏ sắt Thạch Khê và hiện nay là dự án nuôi bò của Cty Bình Hà.

Nguồn tin: Lao Động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây