Năm 2010, công trình Văn Miếu Hà Tĩnh được UBND tỉnh phê duyệt triển khai dự án phục hồi và phát huy các giá trị di tích văn miếu.
Nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh, năm 2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt triển khai dự án phục hồi và phát huy các giá trị di tích Văn Miếu Hà Tĩnh. Công trình được xây dựng trên khu đất cánh đồng Đông Lỗ, phường Thạch Linh với diện tích 1,67ha. Tổng mức đầu tư thời điểm phê duyệt là 72 tỷ đồng, tuy nhiên đến khi hoàn thành, tổng kinh phí lên đến gần 80 tỷ đồng. Công trình được xây dựng từ ngân sách tỉnh và kêu gọi đóng góp xã hội hóa.
Theo quy hoạch tổng thể thì Văn Miếu Hà Tĩnh bao gồm 19 hạng mục, trong đó có các hạng mục quan trọng như: Nhà đại bái, nhà tả hữu vu, nhà bia, nhà trưng bày, khải thánh, văn miếu môn... Công trình được chia làm 2 khu vực rõ rệt đó là khu phục cổ tâm linh và khu sinh hoạt.
Khu phục cổ tâm linh rộng 5.400m2 là khu vực thờ cúng chính, thực hiện các lễ hội, nghi thức, hoạt động truyền thống. Khu sinh hoạt rộng 4.300m2 là nơi diễn ra các hoạt động dài ngày như trại sáng tác văn học nghệ thuật, các cuộc thi, nơi phục hồi các cuộc thi truyền thống và các hoạt động liên quan. Tháng 12/2014, công trình được triển khai xây dựng.
Vì chưa có đường chính dẫn vào nên phía khuôn viên cổng chính cỏ mọc um tùm.
Ông Nguyễn Văn Đạt - phường Thạch Linh cho biết: “Lâu nay do chưa có đường vào nên mỗi khi cúng tôi muốn vào Văn Miếu phải đi từ cửa hậu ở phía sau. Dạo gần đây, chúng tôi muốn vào thì được hướng dẫn gọi vào số điện thoại ghi trên cửa phụ để được mở cổng cho vào”.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Văn Hoài Ninh - Trưởng Ban quản lý Đầu tư xây dựng thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Hiện đơn vị đã có tờ trình gửi UBND thành phố Hà Tĩnh về việc phê duyệt thiết kế dự án đầu tư xây dựng đường vào Văn Miếu”.
Theo đề xuất, đường vào Khu di tích Văn Miếu Hà Tĩnh được xây dựng với tổng mức đầu tư 46 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Tuyến đường được thiết kế có chiều dài 952m, rộng 18m, mặt đường nhựa 9m, bao gồm hệ thống cấp thoát nước, hệ thống chiếu sáng…
“Dự án đường vào Văn Miếu là dự án độc lập, không nằm trong dự án phục hồi Văn Miếu nên đường làm chậm hơn do thiếu nguồn vốn”, ông Ninh cho biết thêm.
Nhiều hạng mục phụ trong Văn Miếu vẫn còn ngổn ngang.
Ngoài ra, tại Văn Miếu cũng có một số dự án phụ còn ngổn ngang, theo lý giải của cán bộ kỹ thuật Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng thành phố Hà Tĩnh là do nguồn vốn phục hồi công trình Văn Miếu là nguồn xã hội hóa, nên có nguồn đến đâu làm đến đó.
Được biết, năm 2015, dư luận ngỡ ngàng sau khi báo chí dẫn lời ông Phạm Tiến Sinh - Trưởng Ban Quản lý công trình xây dựng cơ bản thành phố Hà Tĩnh rằng: “Công trình Văn Miếu xây dựng nhằm phục vụ tín ngưỡng văn hóa cho nhân dân trong tỉnh. Thế nhưng thờ ai thì chưa biết”.
Phương Dung
Theo Báo Xây dựng
Link gốc: https://baoxaydung.com.vn/ha-tinh-cong-trinh-van-mieu-gan-80-ty-dong-van-chua-co-duong-dan-chinh-302711.html