Từ cậu bé mồ côi nghèo, Nguyễn Đình Quốc đã vươn lên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi, doanh thu đạt trên 400 triệu đồng/năm
Khó khăn chồng chất khó khăn
Là con cả trong gia đình có 3 anh em, Nguyễn Đình Quốc (SN 1983, xã Sơn Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh) sớm chịu nhiều thiệt thòi bởi bố mất sớm, lúc này mẹ đang mang bầu em út, Quốc mới lên 4 tuổi và em trai hơn 2 tuổi.
Không lâu sau đó, do còn thơ dại, Quốc ở nhà trông em và nghịch lửa nên đã làm cháy mất ngôi nhà gỗ 3 gian vừa mới gây dựng. Lúa gạo và các vật dụng trong nhà bị bà hoả thiêu sạch, cuộc sống lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn.
Thương mẹ vất vả nên Quốc sớm có ý thức tự lập, ngoài thời gian đi học, trông em, chăn bò, cắt cỏ, Quốc còn quán xuyến mọi việc trong nhà để mẹ có thời gian làm thuê kiếm sống nhưng cũng bữa đói, bữa no.
Vốn quen với gian khổ, lại chịu thương, chịu khó nên sau khi tốt nghiệp THCS năm 1997, Quốc phải từ bỏ đèn sách, gác lại ước mơ đến trường, theo người quen đi hái cà phê ở miền Nam, kiếm tiền phụ mẹ nuôi em và trang trải cuộc sống.
Nghề nuôi hươu đem lại thu nhập cho gia đình Quốc khoảng 225 triệu đồng/năm
Do công việc quá nặng nhọc so với sức khoẻ, sau đó Quốc về làm phục vụ tại một khách sạn ở TP Vinh (Nghệ An), rồi làm lơ xe tuyến Vinh – Hà Nội. Mặc dù công việc vất vả, nhưng sau một thời gian tích cóp, Quốc cũng dành dụm được một khoản tiền.
Năm 2002, một trận lụt to khiến đê Đập Choi (nay là đê Tân Long) bị vỡ, cuốn trôi sạch mọi thứ, đẩy gia đình Quốc trở về điểm xuất phát. May nhờ anh em nội ngoại chặt tre, dựng lều để ở, giúp cho túi gạo, mớ khoai tạm sống qua ngày.
Vươn lên từ nghèo khó
Năm 2004, nhận thấy nghề nuôi hươu đang thịnh vượng nên Quốc mạnh dạn mua 1 cặp hươu giống gần 10 triệu đồng từ số tiền em dành dụm được. Nhờ biết cách chăm sóc nên hươu phát triển nhanh, hiện tại đã có 14 con, mỗi năm bình quân thu được 175 triệu đồng từ lộc nhung.
Thời kỳ đầu còn nhàn rỗi, hàng ngày cứ 4h sáng, Quốc cùng mẹ đội đèn đi hái rau đem ra chợ bán, sau đó về cho hươu ăn rồi tranh thủ đi làm thợ xây, nấu ăn phục vụ đình đám hoặc đi cắt nhung thuê để kiếm thêm thu nhập.
Nhờ siêng năng cần cù, mỗi năm, ngoài cây ngô, cỏ cho hươu ăn, gia đình Quốc còn thu hoạch khoảng 1,5 tấn ngô hạt, 4 tấn lúa và trên 80 triệu đồng tiền lãi từ nuôi cá
Không chấp nhận nghèo đói, năm 2007, Quốc thuê 1ha tại vùng bàu Cây Da trước nhà để nuôi cá. Do vốn liếng ít, hồ ao không được cải tạo, các phương án chăn nuôi, thu khoạch chưa hợp lý nên hiệu quả không cao.
Sẵn có kiến thức về nấu ăn, sau khi lấy vợ vào năm 2012, Quốc quyết định mở quán ăn tại nhà. Mặc dù ở vùng nông thôn, nhưng nhờ biết cách chế biến nên quán của Quốc khá đông khách và cho thu nhập ổn định.
Có được ít vốn, Quốc đầu tư cải tạo 0,5ha để nuôi cá, 3 sào trồng lúa, phần còn lại thì trồng ngô, cỏ để phục vụ chăn nuôi. Ngoài diện tích đất thuê và 5 sào đất của nhà, hễ thấy chỗ nào bỏ hoang là Quốc xin làm. Nhờ siêng năng cần cù, mỗi năm, ngoài cây ngô, cỏ cho hươu ăn, gia đình anh còn thu hoạch khoảng 1,5 tấn ngô hạt, 4 tấn lúa và trên 110 triệu đồng tiền cá.
Sắp tới, Quốc sẽ cải tạo 1,5 sào ruộng trồng lúa để nuôi ốc bươu. Phương án này, ngoài việc giúp tăng thêm thu nhập thì còn dùng để làm thêm món ăn phục vụ khách hàng tại quán của mình.
Nguyễn Đình Quốc được Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh vinh danh là hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2017 – 2022
Theo lãnh đạo xã Sơn Châu, Nguyễn Đình Quốc thuộc diện khó khăn nhiều năm liền. Tuy nhiên, với nỗ lực vượt lên nghèo khó, đến nay anh đã vươn lên thành khá giả, doanh thu đạt trên 400 triệu đồng/năm.
“Nguyễn Đình Quốc không chỉ là điển hình ở xã Sơn Châu mà là gương sáng về phát triển kinh tế ở huyện Hương Sơn. Vừa qua, anh được Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh vinh danh là hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2017 - 2022”, lãnh đạo xã Sơn Châu chia sẻ.