Dưới cái nắng gần 40 độ, phòng ở chật hẹp, em Trần Thị Anh Thư đang tranh thủ ôn bài cho kỳ thi cuối năm
Những “phận đời” đặc biệt…
Tháng 5, thời tiết ở vùng quê Hà Tĩnh trở nên khắc nghiệt, nắng nóng. Trong căn phòng chật chội có 8 giường dành cho 10 đứa trẻ, các em đang miệt mài ôn thi cuối kỳ, mồ hôi chảy từng giọt trên trán. Em Trần Thị Anh Thư (15 tuổi, đang là học sinh tại Trường THCS Thạch Trung) chia sẻ: “Ở đây thầy và mẹ thương chúng em lắm. Một số em khuyết tật, nhiều lúc không ý thức được hành vi của mình hay gây gỗ, khiến thầy và mẹ phiền lòng… Em chỉ muốn học thật giỏi, sau này trở thành bác sĩ giúp được phần nào cho các em, cho thầy và mẹ.”
Các mẹ ở làng SOS Hà Tĩnh, hầu hết không có con cái riêng của mình, nhưng đã trở thành mẹ của nhiều đứa trẻ, chăm lo sức khỏe, thấu hiểu những cảm xúc hết sức nhạy cảm các con: “Ở một khía cạnh nào đó, trẻ bị bỏ rơi phải gánh thêm những sự phân biệt, kỳ thị của cộng đồng.
Ở đây không ai muốn nhắc đến hoàn cảnh của các con, sợ các con nhận biết được sẽ cảm thấy đau khổ, có những suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng đến cuộc sống và học tập. Nhưng hình như các con cũng cảm nhận được. Có những lúc ngồi tư lự, nhìn về một khoảng xa xăm nào đó. Chúng tôi - những người mẹ luôn tâm sự, động viên các con, để phần nào lấp đi cái khoảng trống vô tận đó”, các mẹ tâm sự
Chị Phạm Thị Hiền đang chăm sóc cho bé Nguyễn Thái An (4 tuổi) |
Chị Phạm Thị Hiền, 30 tuổi, mặc dù còn khá trẻ nhưng là một trong các mẹ phụ trách chăm sóc các cháu tàn tật: “Đối với các cháu tàn tật, thì không thể tự ăn uống, vệ sinh cá nhân được nên chúng tôi thường túc trực 24/24. Có những cháu không ý thức được hành vi của mình, nhiều đêm chửi bới, đập phá, bảo mẫu cũng thức trắng đêm. Khổ nhất là vào mưa rét, có cháu lên cơn, đi lang thang khắp khuôn viên của Làng, chúng tôi phải chạy đi tìm, dỗ dành quay về...”, chị Hiền chia sẻ.
Ở Làng, mỗi đứa trẻ là một phận đời, đầy tổn thương, mất mát, không có một gia đình trọn vẹn yêu thương bình thường. Có em, ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời không biết cha mẹ mình là ai, có em thì phải chứng kiến cảnh từng người thân yêu nhất của mình ra đi, cũng có những trường hợp không đủ điều kiện nuôi nấng… Nhưng sự quan tâm của cả cộng đồng, vòng tay yêu thương của những người cha, người mẹ trong Làng đã giúp những đứa con “đặc biệt” hàn gắn vết thương trong tâm hồn, vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống.
Nhiều cháu đã thành đạt, tự mình xây dựng tổ ấm riêng, nhưng vẫn luôn nhớ về mái nhà chung nơi đã từng che chở, cưu mang mình thủa ấu thơ thiệt thòi, thiếu thốn.
Chồng chất khó khăn…
Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh (xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh) được thành lập đến nay đã hơn 25 năm, tiếp nhận, chăm sóc nuôi dưỡng 450 cháu. Hiện có khoảng hơn 60 cháu đang ở tại trung tâm, trong đó, gần 40 cháu được đi học.
Số lượng trẻ ngày càng đông nhưng khả năng đáp ứng của trung tâm thì có hạn. Mặc dù trung tâm đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của những nhà hảo tâm, nhưng nguồn này không ổn định nên rất khó cân đối thu chi. Việc thiếu thốn trang thiết bị, phòng ở cũng như các thiết bị, đồ chơi cũng làm ảnh hưởng đến việc chăm sóc trẻ.
Trung tâm được xây dựng được gần 15 năm, một số hạng mục đang xuống cấp trầm trọng. Một phòng có 8 giường, tương đương 1em/giường, tuy nhiên, có những phòng 10 đến 12 em, mùa hè một số em phải nằm chung một giường rất nóng nực, nhất là về mùa ôn thi. Bởi, một số phòng dành cho trẻ em khuyết tật chỉ bố trí được 4 em. Hoặc có những phòng đặc biệt cho các em thiểu năng, phải có một phòng riêng. Nhưng hệ thống xây đã cũ, không có vệ sinh khép kín, nên các bảo mẫu rất khó khăn trong quá trình chăm sóc.
Mỗi đứa trẻ vào Làng là một phận đời |
Anh Trần Hải Nam (nhân viên xã hội Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh) cho biết, theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội thì trẻ em dưới 16 tuổi được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội phải là trẻ mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích theo quy định của pháp luật.
Hiện, Hà Tĩnh đã có khoảng trên 600 trẻ em có hoàn cảnh đặt biệt khó khăn cần phải nuôi dưỡng tập trung. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện Nghị định 136/NĐ-CP đang còn những bất cập, thủ tục để được tiếp nhận rất rườm rà, chồng chéo. Một số địa phương thiếu năng lực hoặc chưa thực sự quan tâm thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, càng bó hẹp cơ hội được nuôi dưỡng tập trung ở các cơ sở bảo trợ xã hội của các em mồ côi.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh – cũng bày tỏ: “Tôi mong muốn những cháu nhỏ có hoàn cảnh mồ côi, khó khăn được tạo điều kiện vào làng để các cháu có một mái ấm được chăm sóc, nuôi dưỡng. Đối với tôi cũng như các mẹ, và nhân viên khác của làng, đều coi các cháu là con cái, dù tôi không phải là người sinh ra. Khi được các cháu gọi tiếng “thầy”, “cha” thân thương, tôi rất hạnh phúc. Khi các con lớn, lại kèm theo một nỗi lo của một người cha khi các con bước vào Đại học, phải sống cuộc sống tự lập. Cảm thấy mình đã góp phần chăm lo, chăm sóc các con trưởng thành”.