Phòng học với máy móc hiện đại nhưng đắp chiếu nằm không
Trường tiền tỷ, chỉ để nuôi bò
Một ngôi trường dạy nghề kiểu mẫu được đầu tư 39 tỷ đồng khang trang, hiện đại nhưng chỉ có 49 học sinh với ký túc 3 tầng và 24 phòng học. Giáo viên nơi đây ngoài dạy học, tận dụng khuôn viên để nuôi bò.
Công trình được khởi công vào năm 2011, trên tổng diện tích 35.700 m2. Dự án do UBND huyện Hương Khê làm chủ đầu tư, kí hợp đồng với 4 đơn vị thi công: Tổng Công ty Hợp tác Kinh tế Quân khu 4 (trụ sở tại TP Vinh); Xí nghiệp XD tư nhân Kim Thành (Hà Tĩnh); Công ty CP Phương Lan (Hà Tĩnh); Tập đoàn lắp đặt, đo đạc Vinh Quang (Hà Nội).
Sau gần 3 năm thi công, các hạng mục hoàn thành gồm: Nhà hiệu bộ, Nhà học lý thuyết, Nhà xưởng thực hành, Nhà thực nghiệm gia cầm, Nhà thực nghiệm gia súc, Nhà thư viện, Nhà ăn và lắp đặt hệ thống thiết bị giảng dạy, Kí túc xá 3 tầng. Tháng 9/2014, trường được đưa vào sử dụng.
Mục tiêu khi xây trường để bảo đảm nhu cầu học cho 600 em học sinh. Tuy nhiên, 3 năm học trôi qua, số lượng học sinh có xu hướng giảm mạnh. (Năm 2014: 130 em; Năm 2015: 110 em; Năm 2016 có 86 em; và hiện còn 49 học sinh).
Ông Đoàn Văn Dương, Giám đốc trung tâm cho biết: “Hiện, toàn trường có 49 em đăng kí học, bao gồm cả hai hệ: Hệ bổ túc văn hóa và hệ học nghề. Còn xây kiểu này có lãng phí hay không thì hãy hỏi nhà quy hoạch”.
Các phòng học, máy móc được bố trí đầy đủ, nhưng luôn trong tình trạng “cửa đóng, then cài”. “Có một giáo viên còn tận dụng, tranh thủ để nuôi bò” - ông Dương thật thà cho biết.
Cũng nằm tại vị trí đắc đạo, trên khuôn viên đất rộng tại xã Kỳ Trinh (huyện Kỳ Anh), trường đào tạo nghề được xây lên với kỳ vọng sẽ đào tạo 5.000 học viên/khóa. Thế nhưng đã gần 5 năm, trường không hoạt động tốt do thiếu học viên.
Trường Cao đẳng nghề Vũng Áng, do Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt trên diện tích hơn 16 ha, mức đầu tư 519 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, địa phương và xã hội hóa.
Dự kiến, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng mỗi năm trường sẽ đào tạo khoảng 5.000 học viên các ngành điện, cơ khí, lái xe, nấu ăn… cung cấp lao động cho dự án Formosa tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Đến 2011, trường đi vào hoạt động với dãy nhà học 4 tầng, hàng trăm phòng, ba dãy nhà xưởng và mua sắm nhiều thiết bị dạy học, với tổng mức đầu tư hơn 120 tỷ đồng. Tưởng đã ổn định nhưng công tác tuyển sinh của trường không khả thi, nên vắng bóng học viên đến học. Sau nhiều năm đi vào hoạt động, trường giờ bị bỏ hoang.
Năm 2011 dự án Trường THCS Hương Quang (huyện Vũ Quang) đầu tư hơn 16 tỷ đồng xây dựng trên diện tích hơn 1ha, với 3 dãy nhà cao tầng, tường rào, đường nội bộ… phục vụ học tập cho con em của hàng trăm hộ dân trong vùng dự án lòng hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang lên khu tái định cư Hói Trung sinh sống. Đến năm 2013, khi người dân Hương Quang thực hiện di dời tái định cư cũng là lúc công trình này hoàn thành và bàn giao để phục vụ dạy và học cho con em của xã. Đã 5 năm trôi qua, ngôi trường này chưa một lần đón học sinh nên đành nằm phơi mưa nắng, thậm chí bỏ hoang, ngày càng xuống cấp.
Nhìn những tòa nhà cao tầng sừng sững vắng bóng người, bên trong các phòng học để trống hoác, bụi phủ đầy các bàn học và thiết bị.
Thiếu tính toán
Trung tâm dạy nghề, các phòng học chỉ để giáo viên tranh thủ nuôi bò |
Việc bỏ hoang để xây dựng Trung tâm Dạy nghề Hương Khê với tổng vốn hơn 39 tỷ đồng nhưng ít học sinh học, khiến dư luận phản ứng.
Tìm hiểu nguyên nhân, lãnh đạo trường cho rằng, khi quy hoạch trường không tính toán, đặt xa trung tâm nên không đưa Internet về được khiến cho việc học tập, giảng dạy của học sinh và giáo viên gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, dự án nằm trong Đề án 1956 đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện đã tranh thủ để hưởng lợi nên mới xây dựng trường mới này. Vị trí xây dựng trung tâm lại nằm ở hạ huyện, đây cũng là một nguyên nhân khiến ít học sinh đăng ký học.
Còn với Trường Cao đẳng nghề Vũng Áng, nhiều giáo viên cho biết, trường nghề lâm vào tình trạng khó khăn như trên là vì dự án này được đầu tư nửa vời (tổng mức đầu tư của dự án là 519 tỷ đồng nhưng nay mới giải ngân được hơn 120 tỷ), dẫn đến hệ lụy là khó thu hút được học viên vì còn thiếu chỗ ăn, ở. Ngoài ra, hệ đào tạo nghề gặp khó khăn vì cơ chế chung, đặc biệt vấn đề giải quyết việc làm cho học viên sau khi ra trường chưa rõ ràng, cụ thể, thậm chí rất bấp bênh.
Bản thân lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh, chủ đầu tư dự án cũng thừa nhận rằng: Để lãng phí hàng trăm tỷ đồng xây dựng trường nghề không có học viên đến học, nguyên nhân chính là ngay từ ban đầu khi xây dựng dự án chưa đồng bộ, thiếu tính toán chặt chẽ. Không nghiên cứu đúng thị trường sẽ đào tạo được bao nhiêu con người, ra trường số học viên này sẽ đi về đâu, có làm đúng nghề nghiệp đào tạo hay không. Do đó, người học nghề không dám học, tiền dự án bị cắt, công trình bị bỏ dở giữa chừng…
Những trường học bỏ hoang, hoặc hoạt động kém hiệu quả, đó là hệ quả của những dự án “đẻ non”, thiếu cơ sở khoa học làm lãng phí tiền bạc.
Chuyển đổi mục đích sử dụng vẫn lãng phí
Trung tâm dạy nghề Hương Khê với kinh phí xây dựng hơn 39 tỷ đồng cũng chỉ để cho bò ở |
Một câu hỏi lớn đặt ra: Vậy những ngôi trường tiền tỷ hoạt động kém không hiệu quả, hoặc bị bỏ hoang về lâu dài phía cơ quan cấp quản lý Nhà nước sẽ đưa ra phương án nào để khắc phục?
Hiện nay đang có dư luận cho rằng cơ sở vật chất của những ngôi trường bị bỏ hoang hoặc hoạt động không tốt sẽ được giao cho địa phương sử dụng hoặc chuyển cho các tổ chức, đoàn thể, cơ quan khác cần để đi vào hoạt động, sản xuất kinh doanh. Nhất thiết trường sẽ không thể để bỏ hoang lâu dài, còn nhiều đoàn thể cần cơ sở vật chất để làm việc.
Có thể, những ngôi trường trên sẽ được chuyển giao sang một mục đích phù hợp. Thế nhưng, một lần nữa Nhà nước sẽ phải bỏ ra một nguồn kinh phí lớn nữa để tu sửa, cải tạo cơ sở cũ.