Tháng 7 năm 2018, sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành chủ trương cho phép các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tuyển dụng 410 giáo viên mầm non, tiểu học, các địa phương ở trên địa bàn Hà Tĩnh đã thành lập hội đồng tuyển dụng, đồng thời công khai chỉ tiêu, tiêu chí tuyển dụng. Nắm bắt thời cơ, em Nguyễn Thị Hiền, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Mầm non năm 2017 tại Trường Đại học Hà Tĩnh đã đến hội đồng tuyển dụng giáo viên huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) nộp hồ sơ và đăng ký tuyển dụng vào vị trí tương ứng với chuyên ngành đào tạo.
Thế nhưng, sau khi kiểm tra hồ sơ, hội đồng tuyển dụng giáo viên huyện Nghi Xuân cho rằng, chứng chỉ ngoại ngữ mà Trường Đại học Hà Tĩnh cấp cho Nguyễn Thị Hiền không hợp lệ, vì vậy hồ sơ dự tuyển dụng bị gác lại. Theo đại diện hội đồng tuyển dụng giáo viên huyện Nghi Xuân, không riêng gì thí sinh Nguyễn Thị Hiền, tất cả chứng chỉ tiếng Anh TOEIC do trường Đại học Hà Tĩnh cấp cho các thí sinh trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay đều không hợp lệ. Căn cứ vào quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Hà Tĩnh không đủ điều kiện và thẩm quyền cấp chứng chỉ tiếng Anh TOEIC. Do đó, hồ sơ dự tuyển của những thí sinh này chưa đảm bảo yêu cầu.
Qua tìm hiểu thực tế công tác tuyển dụng giáo viên tại huyện Nghi Xuân, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên... được biết, chứng chỉ ngoại ngữ của hầu hết các thí sinh được trường Đại học Hà Tĩnh cấp trong thời gian qua đều không hợp lệ và không có giá trị sử dụng.
Theo tiến sỹ Nguyễn Hoài Sanh, Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Hà Tĩnh), thực hiện quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc áp dụng chuẩn đầu ra đối với sinh viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo tại nhà trường. Ngoài việc phải hoàn thành các nội dung kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành theo từng ngành học, các sinh viên tốt nghiệp phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Trong quá trình triển khai chuẩn đầu ra, nhà trường nhận thấy một số vướng mắc trong việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ nên đến khóa đào tạo thứ 7 (năm 2018), nhà trường đã lồng ghép chuẩn đầu ra ngoại ngữ vào nội dung học phần ngoại ngữ theo kế hoạch đào tạo và dừng việc sát hạch, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo nội dung của chương trình TOEIC.
Lý giải về những bất cập xẩy ra trong quá trình đào tạo, cấp chứng chỉ ngoại ngữ tại đơn vị thời gian qua, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo thường xuyên (Trường Đại học Hà Tĩnh), Nguyễn Thị Hải Yến cho biết: Theo thẩm quyền quản lý và chương trình giáo dục thường xuyên, trước đây nhà trường chỉ đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ ngoai ngữ theo chương trình ngoại ngữ thực hành trình độ A, B, C. Thế nhưng, sau khi có quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc áp dụng chương trình đào tạo tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam thì nhà trường đã ngừng toàn bộ việc đào tạo, cấp chứng chỉ ngoại ngữ thực hành trình độ A, B, C như trước đây. Tuy vậy, thực hiện quy định chuẩn đầu đối với sinh viên tốt nghiệp, Ban giám hiệu nhà trường đã cho phép Trung tâm ngoại ngữ, Công nghệ thông tin (nay là Viện Đào tạo thường xuyên) bồi dưỡng, sát hạch và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo tiêu chuẩn TOEIC.
Trả lời câu hỏi vì sao Trường Đại học Hà Tĩnh lại dùng phôi vốn chỉ dùng cho các chứng chỉ đào tạo theo chương trình giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành để làm phôi cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo nội dung chuẩn quốc tế và thực hiện việc sát hạch tại Trường Đại học Hà Tĩnh, Phó Viện Phó Viện trưởng Viện Đào tạo thường xuyên cho rằng, do nhà trường linh hoạt, tận dụng số lượng phôi còn thừa trước đây để cấp cho loại chứng chỉ mới này?
Theo số liệu thống kê từ phòng Đào tạo Trường Đại học Hà Tĩnh, từ năm 2013 đến năm 2017, Trường Đại học Hà Tĩnh đã cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo nội dung của chứng chỉ tiếng Anh TOEIC cho 1.888 sinh viên. Qua tìm hiểu được biết thêm, để có trải qua đợt sạt hạch và được cấp chứng chỉ ngoại ngữ này, mỗi sinh viên phải đóng thêm khoản học phí (bao gồm cả học phí ôn thi) từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng để nhận chứng chỉ ngoại ngữ.
Qua trao đổi với chúng tôi, đa phần người trong cuộc đều cho rằng, mặc dù không có chức năng, thẩm quyền, đặc biệt là chưa đủ điều kiện để đào tạo, sát hạch và cấp chứng chỉ tiếng Anh TOEIC, song, cả một quá trình dài, Trường Đại học Hà Tĩnh vẫn tiến hành cấp hàng ngàn chứng chỉ ngoại ngữ cho sinh viên. Những bất cập này được phát sinh từ đâu và ai sẽ là người chịu trách nhiệm về những thiệt thòi mà sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh phải gánh chịu trong quá trình tìm kiếm cơ hội, việc làm thời gian qua? Câu hỏi này đang cần được Trường ĐH Hà Tĩnh trả lời cho những người trong cuộc.
Trần Phong – Ngô Tuấn
Theo Congluan.vn