Hà Tĩnh: Đính chính bằng hướng dẫn “ngầm” sau khi bị tố "ép" giáo viên mua bảo hiểm trái luật?

Thứ hai - 18/03/2019 09:50
Trước sự việc bị dư luận “tố” vì ra văn bản gửi xuống các trường Mầm non “ép” giáo viên phải đóng tiền bảo hiểm tự nguyện, đơn vị này đã ra văn bản hướng dẫn để chữa “cháy” cho văn bản trước đó.

Tuy nhiên, dư luận vẫn bức xúc cho rằng đây thực chất không phải là văn bản đính chính, nhận sai sót mà chỉ là hướng dẫn “ngầm” để thực hiện mục đích “môi giới” bảo hiểm…

Theo đó, sau khi bị phản ánh về việc Phòng Giáo dục và Đào tạo Can Lộc (GD&ĐT) ban hành công văn số 71/PGD&ĐT ngày 01/03/2019  bắt buộc cán bộ, giáo viên các trường mầm non trên địa bàn huyện mua bảo hiểm tự nguyện tại Phòng Bảo Việt Can Lộc, Phòng GD&ĐT huyện Can Lộc đã nhận ra một số điểm chưa phù hợp và ban hành công văn số 82 thay thế công văn số 71 để hướng dẫn lại việc tham gia bảo hiểm tự nguyện của cán bộ, giáo viên trường mầm non.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hường, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Can Lộc cho biết, sau khi nhận phản ánh Phòng đã nhận ra một số điểm chưa phù hợp trong công văn trước đó. Hiện đơn vị đã ban hành công văn hướng dẫn thay thế công văn số 71. Đồng thời, phòng cũng đã tổ chức cuộc họp với các hiệu trưởng trường mầm non vào chiều ngày 12/3 để quán triệt lại việc triển khai nội dung của công văn.

Tuy nhiên, việc Phòng GD&ĐT huyện Can Lộc đưa ra văn bản hướng dẫn đính chính văn bản “ép” cán bộ, giáo viên mua bảo hiểm trước đó đã khiến dư luận một lần nữa “dậy sóng” vì cho rằng một cơ quan quản lý giáo dục mà ban hành văn bản có quá nhiều lỗi chính tả, câu cú thiếu chặt chẽ, sai ngữ pháp căn bản và các nội dung trong hướng dẫn không phải là sự thừa nhận sai sót mà thực chất chỉ là sự chỉ đạo “ngầm” nhằm tiếp tục yêu cầu các trường thực hiện công tác bảo hiểm.

Trên trang cá nhân Văn Lê đã bức xúc chỉ ra nhiều lỗi dùng từ, dùng câu trong văn bản như sau: 1. Ở câu thứ nhất “Thực hiện Công văn số 1105/SGD ĐT-KHTC ngày 21/7/2018 về việc bảo hiểm đối với cán bộ, giáo viên và bảo hiểm học sinh.” (Câu này chưa hoàn thành, vì vế trên là vị ngữ phụ nên chưa thể chấm câu). 2. Câu 2 “Tuy nhiên, do sự phối hợp giữa Phòng Giáo dục và Đào tạo và Phòng Bảo Việt Hà Tĩnh tại Can Lộc có một số nội dung chưa phù hợp.” (Câu thứ 2 cũng chưa hoàn thành thiếu vế nhưng…Trong ngữ pháp Tiếng Việt, câu phức có cấu trúc TUY A, đòi hỏi vế sau NHƯNG B, người viết câu chỉ mới hoàn thành vế phụ TUY A mà thiếu vế chính NHƯNG B). 3. Câu 3 “Tuyên truyền vận động, cán bộ, giáo viên của trường tham gia bảo hiểm kết hợp con người của Công ty Bảo hiểm có nhiều năm kinh nghiệm, có văn phòng đại diện ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh và có uy tín trên địa bàn” (Câu này quá lủng củng, có thể diễn đạt lại chuẩn mực và trong sáng hơn?).

Văn bản đính chính của phòng Giáo dục và đào tạo huyện Can Lộc

Văn bản đính chính của phòng Giáo dục và đào tạo huyện Can Lộc

Một độc giả khác cũng chỉ ra: Các từ “Công ty Bảo hiểm” trong văn bản là danh từ chung, không chỉ một công ty bảo hiểm nào cả nên không được viết hoa, phải viết là “công ty bảo hiểm”, còn khi có tên công ty nào thì mới viết hoa. VD: Công ty Bảo hiểm AIA…

Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV thì không có từ ngữ nào là “Tái túc” hợp đồng Bảo hiểm mà chỉ có “Tái tục” bảo hiểm có nghĩa là khi hợp đồng bảo hiểm cũ đến hạn, nếu bên mua bảo hiểm muốn tiếp tục (mua, gia hạn) ký kết hợp đồng bảo hiểm mới với bên bán bảo hiểm.

Một độc giả khác chỉ ra những khuất tất, “ngầm” chỉ đạo trong văn bản này:  “Hướng dẫn tuyên truyền, vận động cán bộ giáo viên của trường tham gia bảo hiểm kết hợp con người của Công ty Bảo hiểm có nhiều năm kinh nghiệm, có văn phòng Đại diện ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh và có uy tín trên địa bàn.” Theo độc giả này cho hay, việc ra nội dung hướng dẫn trên thì chỉ có Công ty Bảo hiểm Bảo Việt mới đủ điều kiện có văn phòng đại diện ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh. Việc đưa nội dung này vào liệu rằng có phải là chỉ đạo “ngầm” để mua bảo hiểm của Bảo Việt nhằm loại các đơn vị bảo hiểm khác.

Thứ nữa phòng hướng dẫn nhưng vẫn mang tính chất “yêu cầu” ngầm chỉ đạo các trường “Quan tâm hơn nữa trong việc tái túc hợp đồng Bảo hiểm, giải quyết quyền lợi cho người được bảo hiểm.”. Theo tìm hiểu thì hiện tại tất cả các trường mầm non trên địa bàn huyện Can Lộc đang mua bảo hiểm của Bảo Việt cho cán bộ, giáo viên theo chỉ đạo của Phòng từ năm trước. Như vậy văn bản nhấn mạnh từ “tái túc” là ngầm chỉ đạo tiếp tục hợp đồng với Bảo Việt, có tạo công bằng cho các đơn vị bảo hiểm khác?

Được biết, việc thông báo cho cán bộ, giáo viên đóng bảo hiểm là mục đích nhân văn được thực hiện nhiều năm nay và hoàn toàn tự nguyện. Tuy nhiên, vì lý do gì mà Phòng GD&ĐT huyện Can Lộc lại ráo riết chỉ đạo mua bảo hiểm Bảo Việt như vậy ngay cả khi sửa sai văn bản trước?

Liệu rằng có hay không việc phòng có liên kết với một số đơn vị bảo hiểm trên địa bàn để ra công văn sai chức năng, thẩm quyền để chỉ định nộp tiền, can thiệp vào quyền tự do của cán bộ, giáo viên?

 

Tác giả bài viết: Tâm Đan

Nguồn tin: Diễn đoàn doanh nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây