Khoảng cách 0,25 điểm, Bộ GDĐT đang nợ một lời xin lỗi

Thứ hai - 22/04/2019 13:47
Trong khi có những thủ khoa gian lận chỉ 1 điểm/3 môn thì có những thí sinh 2 lần rớt đại học chỉ vì thiếu 0,75 điểm, thậm chí chỉ thiếu 0,25 điểm. Sự bất công ấy, rõ ràng, không thể bù đắp chỉ bằng một lời xin lỗi, lại càng không thể mãi im lặng.
22
22

Bức vẽ "Quyết tâm" của thí sinh 2 lần trượt ĐH vì thiếu 0,75, thậm chí chỉ 0,25 điểm.

Trước bàn học của Ngọc ở một vùng quê nghèo Hà Tĩnh có một bức tranh cậu tự vẽ. Và giờ đây, khi những gian lận thi cử khủng khiếp bị lộ sáng, bức tranh ấy giống như biểu tượng của sự bất công, một biểu tượng cay đắng.

Năm 2017, Ngọc bước vào kỳ thi THPT với ước mơ là Trường sĩ quan chính trị. Cuộc đời thật nghiệt ngã. Cho dù đạt tới 26,75 điểm khối C với 7,75 điểm môn văn, 9 điểm môn sử và 10 điểm môn địa lý nhưng Ngọc vẫn trượt ĐH vì thiếu đúng 0,25 điểm.

Chỉ biết tự trách mình vì đã tiêu tốn biết bao nhiêu tiền bạc, mồ hôi nước mắt của cha mẹ, nhưng không hề nản chí, cậu tiếp tục học tập và ôn thi.

Kỳ thi THPT quốc gia 2018, Ngọc tiếp tục thi vào trường Sĩ quan chính trị. Và thật oan nghiệt, cậu tiếp tục trượt vì thiếu 0,75 điểm. Và 2019, trong kỳ thi tới, cậu sẽ lại một lần nữa “lều chõng” đi thi. Lần thứ 3, cho một ước mơ.

0,75 điểm; thậm chí chỉ 0,25 điểm, khoảng cách quá gần để đạt điểm chuẩn, nhưng lại quá xa để vươn tới ước mơ.

0,25 điểm tới cánh cửa trường ĐH, và những thí sinh gian dối bước vào trường quân đội với chỉ 1 điểm/3 bài thi, và ít nhất 53 sinh viên đã bị “trả về địa phương” do gian lận thi cử. Và ít nhất đã có tới 108 thí sinh ở Sơn La, ở Hòa Bình được xác định “nâng” điểm. Quá nghiệt ngã. Và dư luận đã đúng. Những gian lận khủng khiếp trong kỳ thi THPT 2018 đã thực sự tước đoạt cơ hội của biết bao thí sinh học thật, thi thật như Ngọc.

Nhưng rồi thì sao? Rồi chẳng biết sao cả khi đến giờ, sự “lên tiếng” duy nhất của Bộ Giáo dục chỉ là vấn đề “nhân đạo” khi từ chối cung cấp danh sách các thí sinh gian lận.

Xét ra, những người đáng được “nhân đạo” phải là những thí sinh bị tước đoạt cơ hội như Ngọc, như hàng trăm thí sinh khác bị loại oan nghiệt khi bị chiếm chỗ bởi sự gian dối.

Trên báo chí, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, cho rằng Bộ nên “có lời” với những thí sinh đã trượt oan uổng.

Một lời xin lỗi có thể là chưa đủ với những thí sinh như Ngọc, nhưng điều đó là cần thiết, để ít nhất những thí sinh như Ngọc còn có thể tin tưởng vào những kỳ thi tới sẽ không còn có những gian lận tương tự.

Và một lời xin lỗi, thuyết phục nhất, bằng cách công khai, minh bạch với những gian lận chứ không thể chỉ im lặng như thể đó không phải là việc của mình.

 

Tác giả bài viết: ANH ĐÀO

Nguồn tin: Lao Động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây