Mới đây, trong "cơn bão" gian lận thi cử kỳ thi THPT Quốc gia 2018, nhiều người đã chia sẻ thông tin về các thủ khoa những kỳ thi THPT diễn ra trước năm 2018. Đặc biệt nhiều thủ khoa của một số trường an ninh cũng tới từ các tỉnh thành như Sơn La, Lạng Sơn... đã gây ra những ý kiến trái chiều. Liệu có nên điều tra lại toàn bộ các thủ khoa thi THPT Quốc gia trước năm 2018 là câu hỏi của dư luận. Thông tin được nhiều người chia sẻ nhất đó là năm 2016, có tới 21/100 thủ khoa khối C đến từ Lạng Sơn, đặc biệt hầu hết các thí sinh này đều nằm ở cụm thi Đại học Xây Dựng. Đây có thể coi là điều khá bất thường với số lượng thí sinh điểm cao đột biến đến từ Lạng Sơn.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT chia sẻ về vấn đề này: "Theo quan điểm của tôi, việc hồi tố lại các kỳ thi cũ là việc nên làm. Thế nhưng làm khi nào và làm như thế nào mới là câu hỏi khó? Bởi nếu đặt nghi vấn vào các năm trước, chúng ta có thể nhìn lại các kỳ thi cách đây 2 năm, 5 năm hay 10 năm? Rất khó để có thể xác định cụ thể, từ đó điều tra lại".
Nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Xuân Nhĩ.
Nguyên Thứ trưởng cho rằng việc trọng tâm cơ quan điều tra, Bộ GDĐT cần làm hiện nay chính là phải làm rõ tận gốc của vụ việc gian lân thi THPT Quốc gia 2018: "Cần điều tra từng người, từng việc cụ thể để từ đó đưa ra trước pháp luật. Vì suy xét cho cùng chúng ta cần xử lý vụ việc này để làm gương, có tính răn đe, từ đó hy vọng vào những kỳ thi sau này sẽ trong sạch hơn. Việc lật lại quá khứ cần có một cuộc điều tra trên diện rộng với sự góp sức của nhiều cơ quan khác nhau, nên tôi nghĩ thời điểm bây giờ là không phù hợp".
TS Vũ Thu Hương (Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng việc lật lại kết quả thi cử của những năm trước không phải là việc đơn giản để có thể làm trong ngày một ngày hai, bởi điều tra các thí sinh có điểm cao thì dễ, nhưng các thí sinh chỉ điều chỉnh điểm để vừa đủ điểm xét tuyển thì sao?
"Theo tôi điều chúng ta cần quan tâm nhất chính là căn nguyên từ đâu khiến cho việc gian lận thi cử diễn ra trên diện rộng đến như vậy. Một kỳ thi THPT quan trọng như vậy, khi đã tổ chức ở các địa phương thì chắc chắn sẽ xảy ra những tiêu cực.
Tiêu cực không phụ thuộc vào kẽ hở ở riêng khâu nào, từ bảo mật đề thi, công tác coi thi, bảo mật bài thi và chấm thi. Bất kể một kỹ thuật nào cũng do con người sinh ra, kẽ hở do con người tạo ra được", bà Hương phân tích.
TS Vũ Thu Hương, Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội.
Đối với một kỳ thi quan trọng lại đặt ở địa phương là nguy hiểm nhất, những con người có quyền lực tại địa phương, có thể tác động trực tiếp và tác động không nhỏ đến những người chấm thi. Khi tổ chức thi tại địa phương, có mối quan hệ người nhà, quan hệ “dây mơ dễ má” quá nhiều để người ta có thể nghĩ đến những hành động tiêu cực.
Bà Hương nếu quan điểm: "Những yếu tố để phát hiện sai phạm ở khâu niêm phong, bảo quản và chấm thi rất mơ hồ, chủ yếu phân tích và đánh giá trên sự mâu thuẫn về điểm thi giữa các địa phương, giữa các trường. Đề thi khó, thí sinh tại Hà Nội lại không có được điểm cao mà các địa phương khác lại có điểm cao ồ ạt là một mâu thuẫn có thể nhận ra được.
Nếu năm nay tiếp tục có sai phạm, nhưng chỉ làm ở mức lưng chừng, thay vì nâng hơn 20 điểm, người ta ranh ma hơn chỉ nâng 5, 6 điểm thì rất khó phát hiện”.
Theo Dân Việt