Thực khủng khiếp, nghĩ tới đã… rùng mình!

Thứ sáu - 19/04/2019 07:21
“Khủng khiếp điểm thi “gian lận” thí sinh Sơn La, từ 0 biến thành 9” là tiêu đề một bài viết trên Dân trí đăng ngày 18/4. Bài viết dẫn thông tin được Bộ GD&ĐT công bố về xử lý vi phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Sơn La cho biết, điểm thi của 44 thí sinh đã bị thay đổi, có thí sinh được nâng tới 26,55 điểm.
 Thực khủng khiếp, nghĩ tới đã… rùng mình!


Cụ thể, điểm chấm lần đầu của thí sinh này tại các môn Toán, Lý, Ngoại ngữ đều là 8,5 - 9 điểm mỗi môn, nhưng sau khi thẩm định lại thì tổng 3 môn thi chưa đầy… nửa điểm: Toán 0 điểm, Lý 0,25 điểm và Ngoại ngữ 0,2 điểm. Quả thực là “khủng khiếp”!

Một số thí sinh khác cũng được “phù phép” với mức nâng khống “khủng khiếp” không kém: Điểm thực chỉ loanh quanh 1 – 2 điểm mà sau khi nâng đều hơn 9 điểm.

Đành rằng, tôi đồng tình với quan điểm không công khai danh tính những thí sinh này, bởi ở một góc độ nào đó, các em là nạn nhân của thói háo danh, của chứng sĩ diện và của những toan tính xấu xa ở người lớn. Song, tôi vẫn rất đau lòng và thực sự cảm thấy thất vọng với sự im lặng của các em trong suốt thời gian qua.

Dù các em vẫn còn ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng sự dửng dưng, chấp nhận điểm số “ảo” mà hơn ai hết, chính các em là người hiểu rõ nhất, cho thấy các em chưa hề nhận thức được những mối nguy hiểm mà sự gian lận và dối trá có thể mang lại, cho xã hội và cho chính các em.

Chỉ một vài điểm “ăn gian” thôi, là cơ hội trúng tuyển của bao thí sinh trung thực khác đã bị lấy mất, huống hồ sự gian lận ở đây lên tới hàng chục điểm. Hàng chục trường hợp gian lận điểm “khủng khiếp” ấy có liên quan tới các em bỗng chốc biến một kỳ thi THPT quốc gia trở thành trò cười trong mắt thiên hạ. Bao nỗ lực, cố gắng của một hệ thống ngành giáo dục để giữ gìn sự nghiêm túc, minh bạch cho kỳ thi mang tính bước ngoặt này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Với những điểm số, mà đúng ra chỉ có thể xếp vào “điểm chết”, “điểm liệt” ấy, các em đường hoàng bước vào cánh cửa đại học, được tung hô là “thủ khoa”, “á khoa”. Khoác trên mình tấm áo quá rộng ấy, tôi không hiểu các em chuẩn bị hành trang là gì để đi qua thời gian tu dưỡng 4-5 năm trên giảng đường đại học (giả như vụ việc không bị phanh phui, bại lộ)? Và hơn cả, các em có đủ dũng cảm để đối diện với tự trọng trong suốt cuộc đời về sau?

Cho nên, hơn bao giờ hết, tôi hi vọng, ngành công an và các cơ quan chức năng sẽ điều tra, xử lý rốt ráo, nghiêm khắc những kẻ đứng sau các trường hợp nâng điểm “khủng khiếp” này – bất kể đó là ai. Không chỉ bởi phải lấy lại tính công bằng cho một kỳ thi quan trọng, mà còn để tất cả những ai đang và có ý định gian lận điểm đều phải thấy: mọi sự gian lận, không trung thực phải bị trả giá.

Tôi thực sự không muốn ngày hôm nay chúng ta đau xót nói về chuyện “mua điểm”, “chạy điểm”, “nâng điểm để lấy quan hệ”, “gắp điểm bỏ tay người”… rồi sau này lại tiếp tục những “tệ nạn” biến tướng là “chạy biên chế”, “mua chức”, bổ nhiệm bằng “quy trình o bế”, “túm tóc lôi lên”, “bê đặt vào ghế”… Nói thực, cũng chẳng khác gì nhau! Thực khủng khiếp. Nghĩ đến đã thấy rùng mình!

Những đứa trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời, nhận thức và tâm hồn tựa như tờ giấy trắng mà môi trường giáo dục của gia đình, xã hội sẽ in vết mực đậm nét về sau.

Dù có thể những hình thức kỷ luật như đuổi học, đình chỉ thi một vài năm… là điều các em không mong muốn, nhưng là cần thiết để các em học bài học lớn nhất cuộc đời: Lòng trung thực!

Tác giả bài viết: Bích Diệp

Nguồn tin: Dân trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây