Đẩy mạnh đào tạo giáo viên giáo dục đặc biệt

Thứ hai - 20/03/2023 04:43
Cần đẩy mạnh thực hiện việc đào tạo giáo viên GDĐB, hỗ trợ phát triển và bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên GDĐB.
D2023032016
Thứ Trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ (thứ 2 từ trái sang) khởi động Dự án Thí điểm Hợp tác về giáo dục đặc biệt giữa tổ chức giáo dục Nisai Group (Anh Quốc) và tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh Ngô Chuyên.
 
Đó là vấn đề được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT lưu ý tại Hội thảo về Giáo dục đặc biệt (GDĐB) cho học sinh/học viên Việt Nam tại các Trung tâm GDTX, Trung tâm GDNN – GDTX và các cơ sở giáo dục đặc biệt ngày 20/3.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nói: “Hiện nay, thế giới đang dành mối quan tâm sâu sắc đến các nội dung liên quan đến giáo dục đặc biệt (GDĐB) và bảo đảm quyền giáo dục cho người có thu nhập thấp, đối tượng yếu thế trong xã hội. Điều này được coi là thước đo quan trọng ở nhiều quốc gia trong khu vực châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…

Trong số các mục tiêu phát triển bền vững (SDG4) của Liên hợp quốc, mục tiêu của giáo dục là “đảm bảo chất lượng giáo dục hòa nhập, bình đẳng cho tất cả mọi người và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời”.
 
D2023032016a
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc. Ảnh Ngô Chuyên.

Để thực hiện các mục tiêu và xu hướng này trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang phối hợp với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới để nỗ lực đẩy mạnh thực hiện hỗ trợ GDĐB ở từng giai đoạn, trong đó có trọng tâm là hỗ trợ thúc đẩy GDĐB cho học sinh/học viên tại các Trung tâm GDTX, Trung tâm GDNN – GDTX và các cơ sở giáo dục đặc biệt, cơ sở giáo dục chuyên biệt tại Việt Nam.

Từ năm 2006, Việt Nam đã tham gia và ký Công ước Quốc tế về Quyền của Người khuyết tật; Luật trẻ em số 102/2016/QH13 của Quốc Hội, Luật Giáo dục 2019, Luật về người Khuyết tật năm 2010 được ban hành… Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành các quy định về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật, một lần nữa khẳng định những cam kết của Việt Nam trong việc cung cấp cơ hội giáo dục cho toàn xã hội và cung cấp giáo dục hòa nhập cho tất cả trẻ em, học sinh/học viên khuyết tật để đảm bảo các cơ hội học tập, giáo dục bình đẳng và công bằng cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhu cầu giáo dục hòa nhập cho các đối tượng nhận GDĐB.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: “Việt Nam cần phải mở rộng, đa dạng hóa các cơ sở GDĐB để giải quyết các lớp học quá đông, vấn đề đi lại quá xa… đồng thời, đẩy mạnh thực hiện việc đào tạo giáo viên GDĐB, hỗ trợ phát triển, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên GDĐB; tăng cường cho các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông và nỗ lực đẩy mạnh thực hiện hỗ trợ GDĐB cho học sinh, học viên mà trước mắt là đối tượng yếu thế, khuyết tật tại các Trung tâm GDTX, Trung tâm GDNN – GDTX và các cơ sở giáo dục đặc biệt, chuyên biệt của Việt Nam”.

Thứ Trưởng Nguyễn Hữu Độ hi vọng, Hội thảo hôm nay là một trong những hoạt động quan trọng, góp phần thúc đẩy trao đổi hợp tác về giáo dục đặc biệt cho học sinh/học viên tại Việt Nam; tạo cơ hội trao đổi, học hỏi về phương pháp, cách thức GDĐB cho các cán bộ quản lý, giáo viên Việt Nam về một số phương pháp giáo dục đặc biệt tiên tiến của Anh với các trung tâm GDTX, trung tâm GDNN – GDTX, các cơ sở giáo dục đặc biệt, chuyên biệt của Việt Nam.

Hiện thực hóa sứ mệnh của UNESCO, mang giáo dục chất lượng cao đến gần hơn với mọi người, đồng thời mở ra cơ hội tiếp cận giáo dục cho các nhóm yếu thế đối với giáo dục thường xuyên; từ đó có một số giải pháp và thúc đẩy trao đổi hợp tác về giáo dục đặc biệt cho học sinh/học viên tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chia sẻ tại Hội thảo: "Nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Vương Quốc Anh – Việt Nam, tôi xin trân trọng gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến ngài Đại sứ và toàn thể các cán bộ, nhân viên của Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam. Chúc cho mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây