Bộ GD&ĐT nêu bất cập trong tuyển dụng giáo viên

Thứ hai - 08/04/2024 06:31
Bộ GD&ĐT cho biết, việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập.
 
D20240040804 0
Ngày hội sáng tạo dành cho cô - trò các trường mầm non quận Tây Hồ (Hà Nội).
 
Đó là một trong những nội dung được Bộ GD&ĐT nêu tại Báo cáo “Đánh giá quy định pháp luật liên quan về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Còn nhiều bất cập

Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian qua, Bộ Chính trị đã bổ sung biên chế giáo viên cho các tỉnh còn thiếu. Tuy nhiên, công tác tuyển dụng còn gặp khó khăn như: Địa phương không có nguồn tuyển giáo viên. Có nơi còn giữ lại số biên chế được giao để tính vào số lượng tinh giản…

Cơ quan quản lý cấp địa phương còn hạn chế trong công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, không sát với sự phát triển quy mô trường, lớp học sinh, yêu cầu triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018;

Nhiều địa phương bị động về nguồn tuyển dụng giáo viên, không thực hiện việc tuyển dụng đối với số biên chế còn thiếu trong chỉ tiêu biên chế được giao, chưa có chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn nên công tác tuyển dụng chưa đảm bảo yêu cầu.

Theo Bộ GD&ĐT, việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì hầu hết ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu.
 
D20240040804 1
Một lớp học của trường tiểu học trên quận Ba Đình (Hà Nội).

Chưa phù hợp thực tiễn

Ngoài ra, quy định "số lượng người ký kết hợp đồng lao động chiếm không quá 70% số chênh lệch giữa số lượng người làm việc được giao với số lượng theo định mức..." tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP chưa phù hợp.


Dẫn giải về sự "chưa phù hợp" nêu trên, Bộ GD&ĐT phân tích, định mức và số lượng người làm việc theo quy định của Bộ là số người làm việc cần phải có để đảm bảo đủ người triển khai các hoạt động dạy học, giáo dục và các công việc khác theo yêu cầu của chương trình giáo dục tương ứng với cấp học.

Qua đó, nhằm đảm bảo chất lượng công tác giáo dục, đào tạo. Nếu không được cấp đủ 100% theo định mức thì có nghĩa là thiếu người để làm việc. Bên cạnh đó, việc quy định không quá 70% nếu tính theo đơn vị của tỉnh hoặc huyện (có thể tính được) nhưng quy định theo từng cơ sở giáo dục công lập thì không khả thi và có thể vi phạm quy định "không quá 70%".

“Ví dụ, số lượng chênh lệch nếu chỉ là 1 người theo định mức quy định thì cơ sở giáo dục công lập không được ký hợp đồng lao động để đảm bảo có người làm việc” - Bộ GD&ĐT viện dẫn.

Theo Bộ GD&ĐT, quy định về tuyển dụng viên chức nói chung còn chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo. Chẳng hạn, việc làm bài thi về kiến thức chung chưa gắn liền với yêu cầu hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo;

Điều kiện đăng ký dự tuyển còn chưa tính đến các trường hợp chưa đảm bảo đủ tư cách để trở thành nhà giáo, một số trường hợp gây nguy hiểm đến an toàn của trẻ em nhưng chưa có quy định không được đăng ký dự tuyển nhà giáo;

Việc quy định người đăng ký dự tuyển viên chức phải là người có quốc tịch Việt Nam, đang cư trú ở Việt Nam làm cản trở việc thực hiện chủ trương tăng cường hợp tác quốc tế về nhà giáo và hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo.
 
D20240040804 2
Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024, nhiều thí sinh quan tâm đến ngành Sư phạm.

Chưa có nhiều chính sách thu hút

Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng có nêu, lương của nhà giáo "được ưu tiên xếp cao nhất"; Tuy nhiên Bộ GD&ĐT nhận thấy, sau hơn 10 năm vẫn chỉ dừng ở mức độ là tuyên ngôn, không thể đi vào đời sống khi Chính phủ không quy định bảng lương riêng đối với nhà giáo.

Khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực, nhiều địa phương đã cắt phụ cấp thâm niên của nhà giáo. Để đảm bảo cho nhà giáo trong giai đoạn chờ chế độ tiền lương mới, được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 1/8/2021 quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Theo đó, trường hợp nhà giáo bị cắt phụ cấp thâm niên từ ngày 1/7/2020 sẽ được giải quyết truy lĩnh vừa thực hiện chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo cho các đối tượng được hưởng. Quy định kịp thời này giúp nhà giáo an tâm công tác.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cho rằng, chưa có nhiều chính sách thu hút, hỗ trợ đối với nhà giáo trẻ, đối tượng thuộc độ tuổi có thu nhập thấp và còn trong giai đoạn phải nuôi con nhỏ cần được hỗ trợ, đây cũng là độ tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất trong số những nhà giáo nghỉ việc trong thời gian qua.

Hiện, có nhiều địa phương ban hành chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút nhà giáo trẻ, nhà giáo công tác ở các vùng khó khăn hoặc nhà giáo giỏi có trình độ cao về công tác tại địa phương. Việc ban hành chính sách đặc thù với nhà giáo còn nhiều khó khăn do chưa có căn cứ pháp lý để thực hiện.

Vì vậy, rất cần bổ sung quy định về việc khuyến khích địa phương ban hành chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút nhà giáo. Việc chi trả tiền lương và các chế độ phụ cấp, ưu đãi cơ bản được thực hiện đầy đủ, kịp thời và phù hợp với hạng chức danh nghề nghiệp của nhà giáo.

Mức lương ở mức thấp

Bộ GD&ĐT chia sẻ, mức lương của nhà giáo (đặc biệt là giáo viên mầm non, phổ thông) đang thấp hơn so với mức lương của cán bộ, công chức ngành khác (lực lượng vũ trang, ngân hàng, khối đảng đoàn thể trong điều kiện làm việc tương đồng), mức phụ cấp ưu đãi của giáo viên cũng đang thấp hơn viên chức một số ngành nghề khác và đặc biệt là viên chức khối đoàn thể trên cùng địa bàn.

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, lương và phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội, chưa đủ để đảm bảo mức sống cho giáo viên, nhất là những giáo viên trẻ và sống ở khu vực đồng bằng, thành phố.

Áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng giáo viên không an tâm công tác, một bộ phận giáo viên bỏ việc, chuyển việc. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, địa phương thiếu nguồn tuyển dụng để bổ sung số giáo viên còn thiếu và chuẩn bị đội ngũ triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Hiện, giáo viên chỉ được trả lương theo thâm niên với hệ số lương thấp, đặc biệt là giáo viên mầm non.

Theo Bộ GD&ĐT, bảng lương áp dụng đối với giáo viên mầm non hạng III và hạng II chưa có sự chênh lệch về hệ số lương, nên khi giáo viên thăng hạng từ hạng III lên hạng II thì chế độ, chính sách về tiền lương hầu như không được lợi nhiều, làm giảm động lực thăng tiến trong nghề nghiệp đối với giáo viên.

Chế độ nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ khen thưởng đối với giáo viên có thành tích xuất sắc hiện còn nhiều hạn chế, không đủ để giúp giáo viên cải thiện về tiền lương, chưa đủ để tạo động lực và chưa tương xứng đối với người không ngừng nỗ lực, cống hiến và liên tiếp có những thành tích xuất sắc trong công tác.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, chế độ lương, phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi... chỉ được thực hiện đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập, không có quy định chung đối với nhà giáo ngoài công lập, hoặc chưa có quy định về mức lương tối thiểu để đảm bảo thu nhập cho nhà giáo ngoài công lập.

Do đó, nhiều nhà giáo ngoài công lập hiện đang hưởng mức lương thấp không đủ để đảm bảo an sinh xã hội, không tương đồng với nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ, thâm niên (ví dụ giáo viên mầm non ở các trường tư thục, dân lập...).


Minh Phong
Nguồn  GD&TĐ

Link gốc: Bộ GD&ĐT nêu bất cập trong tuyển dụng giáo viên | Báo Giáo dục và Thời đại Online (giaoducthoidai.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây