Đặc biệt, trong đó các trường ở xã Cẩm Minh còn “thu hộ cho UBND xã mức cao nhất 390.000 đồng”. Vì thế đa số phụ huynh nơi đây đang phải chạy đôn chạy đáo vay nợ để nộp tiền trường.
Đi vay, đi mượn để nộp tiền trường
Thời gian gần đây, Doanh Nghiệp Việt Nam nhận được nhiều phản ánh của người dân 2 xã vùng 135 là Cẩm Minh và Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh về việc các trường học trên địa bàn đã phối hợp với UBND xã huy động các khoản thu đầu năm một cách vô lý, có dấu hiệu lạm thu, áp đặt mức xã hội hóa cao đối với học sinh sinh xã 135.
Để tìm hiểu về vấn đề trên chúng tôi đã về địa bàn 2 xã trên. Những ngày cuối năm không đúng mùa vụ nên trong các thôn chỉ có người già, phụ nữ và trẻ em ở nhà. Phần lớn đàn ông là lao động chính nơi đây đang đi làm thuê hoặc đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền nuôi con ăn học.
Nhà có 4 đứa con đang tuổi ăn học, tổng số tiền phải đóng cho các con ở trường hơn 10 triệu đồng nên vợ chồng Chị Trần Thị Thiệu và anh Đồng Văn Đào (trú tại thôn 2, xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên) phải ráo riết vay nợ để nộp tiền học cho con.
Chị Thiệu cho biết, hiện tại trong 4 đứa con đi học gia đình chị chỉ mới nộp đủ tiền cho cháu học lớp 12. Ba đứa con còn lại của chị đang học lớp 9, lớp 6 và đứa lớp 2 chỉ mới nộp được một cháu 1 triệu đồng. Năm học trước cháu học lớp 1 phải đóng đến 3,6 triệu, năm học này lên lớp 2 chỉ đóng gần 2,5 triệu. Còn hai cháu học lớp 6 và lớp 9 cũng phải nộp hơn 2,5 triệu.
Nhờ chính sách xã 135 nên năm nay khoản bảo hiểm y tế đã được miễn giảm, học phí cũng được giảm. Trong khi đó theo quy định xã 135 thì được nhà nước hỗ trợ tiền trường nhưng các con chị Thiệu vẫn phải đóng các khoản xây dựng, tiền xã hội hóa với mức cao. Bảo hiểm tự nguyện Bảo việt thì năm nào cũng “phải đóng”. Năm học nào chị cũng phải vay mượn đóng tiền học cho con. Năm nay chị phải đau ốm, đi bệnh viện, thuốc thang nên các khoản đóng đầu năm vẫn đang đành nợ trường.
Cùng chung hoàn cảnh, chị Nguyễn Thị Thủy (trú tại thôn 6, xã Cẩm Thịnh) hiện đang phải nuôi đến 5 đứa con ăn học. Chồng làm thợ xây, vợ làm ruộng, gia đình chị quanh năm chịu cảnh túng thiếu vì phải lo cho con cái được học hành. Hiện gia đình đang nợ ngân hàng hơn 80 triệu đồng, riêng tiền lãi hàng tháng đã là một gánh nặng đối với gia đình chị.
“Đầu năm học này, chưa có tiền nên chị mới chỉ nộp được cho mỗi đứa 1 triệu đồng. Số còn lại chị đang rất lo lắng không biết lấy đâu ra tiền để đóng nộp cho con. Ngân hàng thì nhà tôi đang nợ nhiều nên họ cũng không cho vay nữa”. chị Thủy buồn bã nói thêm.
Trong câu chuyện với phóng viên nhiều người bày tỏ sự bức xúc khi nhà trường đưa ra nhiều khoản thu vô lý, thu cao. Phụ huynh thì không nhớ rõ các khoản thu vì họp phụ huynh giáo viên không ghi chi tiết lên bảng, ghi vào giấy mà chỉ đọc bằng miệng.
“Mập mờ các khoản thu ngoài luồng”
Để tìm hiểu rõ hơn những phản ánh của phụ huynh, phóng viên đã có cuộc làm việc với thầy Nguyễn Xuân Kỷ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên. Tại cuộc làm việc, vấn đề thu chi đầu năm của nhà trường đã bộc lộ nhiều điểm bất thường, có biểu hiện “chênh lệch” so với mức thu trên thực tế mà phụ huynh phải đóng nộp.
Khi hỏi về các khoản thu đầu năm của trường. Thầy Kỷ cho biết: Năm nay Trường Tiểu học Cẩm Minh chỉ thu 585.000 đồng/em học sinh. Trong đó bao gồm các khoản: Tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị 485.000 đồng; Quỹ khuyến học 50.000 đồng; Quỹ đội 50.000 đồng.
Khi phóng viên đặt câu hỏi, vậy khoản thu 390.000 đồng nộp cho UBND xã sao không có trong danh sách thu, thì thầy Kỷ nói: “À…quên, còn có thêm khoản này nữa, ngoài ra trường không thu thêm một khoản nào khác. Khoản này là trường thu hộ tiền xây dựng cho Ủy ban xã”.
Như vậy, cộng thêm số tiền phải nộp cho UBND xã thì tổng số tiền bình quân mỗi em học sinh Trường Tiểu học Cẩm Minh phải nộp cho cả trường và xã là 935.000 đồng.
Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi tiếp, vậy tại sao trên thực tế phụ huynh lại phản ánh nhà trường thu hơn 2,5 triệu đồng, thì thầy Kỷ trả lời: “Vấn đề này chúng tôi cũng không nắm rõ. Nhà trường chỉ thu 935.000 đồng/học sinh, ngoài ra không thu thêm bất cứ một khoản thu nào khác. Còn phụ huynh phải đóng nộp hơn 2,5 triệu đồng là do phụ huynh bàn bạc với giáo viên thu thêm những khoản “ngoài luồng” để phục vụ tốt cho việc học tập của con mình, mà cũng có thể là do giáo viên tự đặt ra để thu thêm”.
Vậy, thực tế số tiền thu ngoài luồng của các xã 135 tại huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh là bao nhiêu? Số tiền thu ngoài luồng đó đã được các cấp ngành chức năng cấp trên đồng ý chưa chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn