"Việt Nam chỉ có thế thôi nên không phù hợp có thể chuyển"
Những ngay qua, có thông tin về 12/13 nhà vô địch cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia đi du học rồi ở lại nước ngoài làm việc.
Hay mới đây, một loạt Á quân Đường lên đỉnh Olympia đã lên tiếng về câu chuyện sử dụng nhân tài đã cho thấy, vấn đề này đang nóng hơn bao giờ hết.
Để có cái nhìn nhiều chiều hơn, chúng tôi có cuộc trao đổi với TS Trần Vinh Dự - Chủ tịch Trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ (VATC) và Chủ tịch Trung tâm Quốc tế của Đại học Broward College (Mỹ) tại Việt Nam.
Sinh năm 1977, ông Trần Vinh Dự là tác giả của bài diễn văn gây chấn động trong lễ tốt nghiệp trường CĐ nghề Việt Mỹ. Ông đã từ bỏ mức lương 2 tỷ đồng/năm tại nước ngoài để về Việt Nam làm việc.
PV: Là người từng có thời gian đi du học và sinh sống ở nước ngoài nhiều năm, anh nghĩ sao về câu chuyện 12/13 nhà vô địch Olympia không về nước và nhìn rộng ra rất ít nhân tài sau khi tốt nghiệp lại chọn cách về nước làm việc?
TS Trần Vinh Dự: Theo tôi, chuyện chảy máu chất xám này hay nhiều nhân tài sau khi đi du học không trở về là có nhưng cũng không nên nhấn mạnh quá, bởi ở Việt Nam còn mấy trăm ngàn người nước ngoài đang sinh sống, làm việc ở đây.
Và mặc dù có rất nhiều người Việt Nam ra nước ngoài sinh sống và làm việc luôn nhưng cũng có rất nhiều người, thậm chí người giỏi ở nước ngoài sang Việt Nam.
Ở đây là câu chuyện hai chiều nên mình chỉ nhìn chiều đi mà không nhìn chiều về thì cũng là một sự khôi hài.
Còn ở đây mọi quyết định là của cá nhân, theo tôi không ai có thể quyết định thay được cả nên đó là lựa chọn riêng. Nếu trở về hay ở lại mà tốt nhất cho người ta, người ta được sống thật với con người của mình, vui, có ích nhất thì nên chọn.
Còn Việt Nam là một đất nước đang phát triển, ngổn ngang, cơ hội rất nhiều và những người nào nhìn thấy cơ hội, nghĩ có khả năng tận dụng cơ hội đấy thì họ đến Việt Nam.
Tôi dùng từ đến mà không dùng từ về vì họ có thể là những người nước ngoài và thực tế, ở Việt Nam đang có rất nhiều người nước ngoài làm việc, kiếm tiền, giàu rất nhanh, bởi họ tận dụng được cơ hội.
Còn các bạn du học sinh có thể thế này, thế kia và không nhìn được thấy cơ hội, tận dụng nó thì có thể làm việc ở nước ngoài, hưởng lương cao, cuộc sống ổn định. Điều đó, tôi cho là không có vấn đề gì cả và nó cũng tốt thôi.
PV: Anh đã từng tâm sự : "Khi tôi tốt nghiệp đầu năm 2007, tôi là một trong 3 nghiên cứu sinh được đánh giá cao nhất trong số khoảng gần 20 tiến sĩ Kinh tế tốt nghiệp năm đó của trường.
Ngay từ trước khi ra trường, tôi đã có việc làm tại Mỹ với mức lương khởi đầu 6 con số, tức là hơn 100 nghìn USD/năm (tương đương hơn 2 tỷ VNĐ)".
Vậy lý do gì đã khiến anh trở về Việt Nam và ông có cảm thấy hối hận khi nhiều người bạn gọi anh là “ngu ngốc”?
TS Trần Vinh Dự: Tôi chưa bao giờ cảm thấy hối hận khi trở về Việt Nam cả bởi tôi là người Việt Nam.
Tôi rời Việt Nam đi du học ở Mỹ khi đã ở tuổi 24 tuổi và khi đó, tuổi đó mọi người đều đã ổn định về mặt gốc văn hóa nên tôi luôn xác định sẽ trở về Việt Nam để sống, làm việc.
Và thực tế, ở nước ngoài đi chơi đi du lịch thì có vui nhưng phải sống thì dù có cố gắng nhiều để hòa nhập vào xã hội Mỹ nhưng tôi vẫn luôn tự thấy tôi là người mang trong mình cái gốc văn hóa Việt..
Khi sống ở Việt Nam, tôi có thể sống đúng với con người mình nhất. Hơn nữa, ở Việt Nam tôi cảm giác thấy mình có ích hơn, còn ở Mỹ có tôi hay không thì cũng chẳng tạo ra sự khác biệt gì dù nhỏ nhặt.
Về khó khăn thì đúng là khi về cũng có rất nhiều thứ tôi phải thay đổi, làm quen ví dụ như ở nước ngoài tôi có thể lái xe nhưng về Việt Nam thì không, rồi vấn đề xếp hàng ở nơi công cộng cũng tạo khó chịu.
Hay như trong công việc ở Mỹ rõ ràng, minh bạch hơn ở Việt Nam nên tôi cũng phải điều chỉnh, thích nghi dần và những cái không tiện nghi lắm thì phải chấp nhận.
Còn đã từ lâu tôi không còn đi làm thuê nữa, vì thế tôi không còn khái niệm về lương. Về thu nhập có những năm tốt, nhưng đi đầu tư kinh doanh thì cũng có nhiều rủi ro, và tôi cũng đã mất nhiều tiền.
Cho đến bây giờ thì cái thu được nhiều nhất đối với tôi là những trải nghiệm rất thú vị và một cuộc sống đúng với ý mình muốn. Về tài chính thì tôi chưa bao giờ giàu cả.
PV: Một số người sau khi đi du học trở về công tác đã bày tỏ rằng, những vấn đề về lương, cơ chế, chính sách của Nhà nước chính là điều tạo ra "rào cản", khó khăn cho họ và các điều đó, đã tạo ra câu chuyện "Việt Nam không trọng dụng người tài".
Với cá nhân anh, sau khi trở về, anh có gặp phải những điều này không?
TS Trần Vinh Dự: Cá nhân tôi luôn luôn làm cho khu vực tư nhân nên ở đây không có khái niệm không trọng dụng nhân tài. Bởi vì, các doanh nghiệp đều làm những gì tốt nhất cho họ cả, chỉ trừ trường hợp, họ không hiểu cái mình làm có ích cho họ hay không.
Mình có cái bằng to tướng nhưng mình không nói được cho người ta biết cái mình làm rồi trách thiên hạ không ai hiểu mình, trọng dụng tài năng của mình thì tôi cho rằng, cái đó là rất vớ vẩn.
PV: Nhưng anh từng nhắc đến câu chuyện làm giảng viên 400 nghìn đồng/tháng, 6 tháng rải hồ sơ xin việc. Vậy nguyên nhân ở đây do đãi ngộ không tốt hay do anh chưa đủ năng lực?
TS Trần Vinh Dự: Làm giảng viên đại học công lập ở Việt Nam thì bậc lương là do nhà nước quy định và một người mới ra trường khi đó thì chỉ có vậy.
Dĩ nhiên là khi đó tôi cũng đi làm thêm nhiều và không phụ thuộc vào lương cứng của trường trả. Còn chuyện xin việc mà không được thì đương nhiên là khi đó tôi chưa đủ kinh nghiệm và năng lực làm việc thực tế.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, nếu về Việt Nam thì chưa chắc GS Ngô Bảo Châu đã có thể đạt được giải thưởng Fields danh giá? Điều này có phải do cơ chế của chúng ta?
TS Trần Vinh Dự: Đúng như vậy, nhưng theo tôi ở đây không ai có lỗi trong chuyện này cả. Và dường như ở đây, chúng ta đang cố đổ lỗi cho cơ chế, chính sách đãi ngộ của Nhà nước, đồng thời muốn đạt điều gì đó.
Cá nhân tôi, nghiên cứu, học kinh tế nên tôi tư duy theo thị trường, ở đây, Việt Nam chỉ có đến thế thôi, mức thu nhập bình quân đầu người, nguồn lực dành cho giáo dục theo cơ chế thị trường chỉ có thế thôi.
Vì thế, nếu ai không phù hợp chỗ nào thì có thể chuyển sang chỗ khác và có thể ra nước ngoài làm, không có vấn đề gì.
Hãy chọn nơi mình có thể sống thật với con người mình
PV: Nhiều người cho rằng, ở hay về nước cũng là sự cống hiến cho nhân loại và đây cũng là sự gián tiếp cống hiến cho đất nước này. Cá nhân anh nghĩ sao về điều này?
TS Trần Vinh Dự: Ở Việt Nam mình hay dùng từ cống hiến nhưng tôi không muốn dùng từ cống hiến và tôi nghĩ, không ai cống hiến ở đây cả. Đừng đặt vấn đề cống hiến ra mà theo lý thuyết kinh tế có một lý thuyết cổ xưa được đặt ra là bàn tay vô hình.
Tức là ai cũng làm việc với lợi ích riêng của người ta thôi nhưng khi lợi ích riêng này hợp, khớp với lợi ích chung của xã hội thì những việc người ta làm vừa có ích cho người ta, vừa có ích cho xã hội.
Mọi người đều chạy theo lợi ích cá nhân của mình cả thôi chứ đừng nói ai mà hoàn toàn quên lợi ích cá nhân là không có.
Nói hy sinh tất cả lợi ích cá nhân cho đất nước, cho dân tộc thì cái đấy không nên kỳ vọng còn khi lợi ích cá nhân hợp với lợi ích chung là điều rất tốt.
Ở đây, tôi cho rằng, cần có vai trò của Nhà nước trong việc khuyến khích, tạo cơ chế để đảm bảo hài hòa lợi ích của cá nhân và tổ chức, đơn vị.
PV: Có một ý kiến cho rằng, không ít du học sinh cho rằng, với vài năm du học của mình là "Biết Tuốt" còn mọi người ở quê là "Mít Đặc" hết và khi vào làm việc họ phải được đối xử ở đẳng cấp khác. Anh thấy sao về điều này?
TS Trần Vinh Dự: Tôi không muốn khái quát hóa như vậy và cá nhân tôi cũng là một người du học về nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình giỏi cả.
Tại vì mình làm nhiều ở nước ngoài mình biết là mình cũng dốt thôi chứ chẳng giỏi gì. Núi cao cũng có núi cao hơn nên không thể so hết được.
Cho nên tôi nghĩ, không phải tất cả du học sinh đều có suy nghĩ như vậy còn có thể có một số người nghĩ nhưng những người tôi quen đều không thế.
Ở đây, đương nhiên là đi học nhưng nó cũng chỉ là đi học còn ra làm việc nó rất khác. Một người học xong bằng tiến sỹ không có nghĩa là một nhà nghiên cứu giỏi hay có bằng MBA không phải là đi lãnh đạo doanh nghiệp giỏi.
Chuyện đó là hoàn toàn không có cho nên học mình phải hiểu chuyện đó và đi làm rồi cũng phải hiểu, dù mình thành công ở công ty, đơn vị, đất nước này nhưng không nghĩa mình thành công ở đơn vị, công ty, đất nước khác.
Mọi sự không thành công cần phải coi là thiếu sót của mình chứ không nên coi đó là thiếu sót của xã hội, vì khi đó mình sẽ không bao giờ phát triển được.
PV: Từng là một người du học, làm việc ở nước ngoài, để dành một lời khuyên cho các bạn du học sinh đang băn khoăn giữa gánh nặng cơm áo gạo tiền và việc về khởi nghiệp, nghiên cứu, làm việc ở ngay trên mảnh đất quê hương, anh sẽ khuyên điều gì?
TS Trần Vinh Dự: Theo tôi, các bạn du học sinh hãy làm những gì mà cảm thấy mình sống thật với con người mình nhất, vui nhất, có ích nhất.
Còn không dám đối mặt với khó khăn là bình thường vì không ai bắt ai thành anh hùng hết cả, trừ một số trường hợp.
Như tôi đã nói ở trên, Việt Nam là nước đang phát triển, có rất nhiều cơ hội, nếu ai nhìn thấy cơ hội đó và nghĩ rằng, mình có thể nắm bắt, thành công thì nên đến Việt Nam.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn