Trường tiền tỷ để… thả bò, chứa thóc

Thứ tư - 02/05/2018 00:50
Trường học đầu tư tiền tỷ hoành tráng, nhưng xây xong để cho… trâu bò đến gặm cỏ. Dân lên vùng đất mới chưa ấm chỗ đã… “chạy làng” bởi không có đất sản xuất. Người ở lại mười mấy năm trời vẫn không được cấp sổ đỏ. Đó là những gì đang diễn ra tại Dự án di dân vùng lũ tái định cư Tây Triệu Phong (Khu TĐC Tây Triệu Phong) ở Quảng Trị.
Hai điểm trường tiểu học và mầm non ở Khu TĐC Tây Triệu Phong được xây dựng năm 2010 với số tiền hơn 3,1 tỷ đồng, trên diện tích hơn 1.000m2, phục vụ nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Trường được đầu tư hiện đại, riêng tại trường mầm non còn có nhà vệ sinh bên trong; phòng nghỉ cho giáo viên và nhà bếp.

Trường học tiền tỷ tại Khu TĐC Tây Triệu Phong bị bỏ hoang 5 năm nay.

Điểm trường tiểu học được làm trên khu đất bằng phẳng, cao ráo, nằm ngay cạnh đường rải nhựa phẳng lỳ. Công trình hoàn thành, bàn giao cho xã Triệu Thượng quản lý vào cuối năm 2010. Song từ đó đến nay ngót 5 năm trời 2 công trình này vẫn chưa được sử dụng. Do bị bỏ hoang nên nhiều trang thiết bị trường học bị phá hỏng hoặc xuống cấp nghiêm trọng. Trong lúc các em học sinh ở đây ngày ngày phải đi học hơn 5 cây số.

Anh Nguyễn Văn Dũng, ở Khu TĐC Tây Triệu Phong, có hai con học 4 và lớp 2, hàng ngày phải đến học trường thị trấn Ái Tử, cách nơi ở 5 cây số. “Điều lạ là ở trung tâm Khu TĐC có trường tiểu học 5 phòng học và 4 phòng học của trường mầm non xây dựng kiên cố mà chưa bao giờ mở cửa dạy học. Khu vực trường học thành bãi gặm cỏ của lũ trâu bò. Phòng học thành kho chứa thóc cho bà con”, anh Dũng nói.

Cách Khu TĐC Tây Triệu Phong khoảng 3km là Trường Mầm non Triệu Thượng và Trường Tiểu học số 1 Triệu Thượng, hai trường được giao quản lý các công trình trên. Hai trường này cũng ở cạnh nhau, hạ tầng cơ sở đơn sơ khiêm tốn. Thầy Võ Nguyên Hồng, Hiệu trưởng tiểu học nói, điểm trường xây rất đẹp, song không có cổng, tường rào, bàn ghế…

Quan trọng nhất  là thiếu học sinh nên không dạy học được. Còn cô giáo Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng mầm non nói, hiện trường có hai cụm, lượng học sinh vừa đủ, giờ mở thêm lớp ở Khu TĐC thì học sinh không có và cô giáo đứng lớp cũng không đủ. Giáo viên biên chế ít, chia ra cũng không đủ.

Lý giải việc này, ông Nguyễn Đức Vọng, Chủ tịch UBND xã Triệu Thượng, nói rằng trường học xây xong, đơn vị chủ quản đã bàn giao cho địa phương quản lý, nhưng các hạng mục như tường rào, điện, nước, sân chơi không có do cắt giảm đầu tư công…

Sau 15 năm vẫn chưa được cấp sổ đỏ

Từ năm 2010 đến nay đã có 260 hộ dân (trong tổng số 400 hộ theo kế hoạch) lên Khu TĐC Tây Triệu Phong. Tại nơi ở mới, mỗi hộ sẽ được cấp từ 1.000-1.500m2 đất, được hỗ trợ từ 2,7-12 triệu đồng. Phó Chủ tịch xã Triệu Thượng Phan Văn Khoa nói, nhiều hộ sau khi nhận tiền hỗ trợ, được cấp đất song chỉ xây nhà tạm rồi để hoang, bỏ về quê cũ hoặc đi làm ăn xa. Đây cũng là nguyên do dẫn tới việc thiếu học sinh, nên điểm trường mầm non và tiểu học không mở được.

Trong số 260 hộ di dân lên đây thì chiếm hơn nửa sống không ổn định tại Khu TĐC, mặc dù hệ thống điện, đường, nước đã cơ bản hoàn thành. Căn nguyên chủ yếu do không có đất sản xuất, người dân phải trở về quê cũ để làm ăn. Theo ông Khoa, hiện có rất nhiều gia đình muốn được lên sống ổn định tại Khu TĐC, quỹ đất quy hoạch ở khu này còn rất nhiều. Nhưng chính quyền không đáp ứng được vì mỗi năm tỉnh chỉ phân bổ cho một ít chỉ tiêu.

Khu TĐC Tây Triệu Phong, học sinh không đủ để mở lớp học. Cơ sở vật chất, hệ thống tường rào, cổng ở điểm trường tiểu học và mầm non chưa được xây dựng. Người dân vùng lũ lên tái định cư lần lượt trở về quê cũ bởi không có đất sản xuất. Nhiều hạng mục khác được đầu tư tiền tỷ xuống cấp.

Ở Khu TĐC Tây Triệu Phong (bao gồm cả Khu kinh tế mới Tây Triệu Phong được thiết lập trước đây) còn có hàng chục ngôi nhà bị bỏ hoang từ nhiều năm nay. Thực hiện dự án di dân vùng lũ, mỗi hộ dân được cấp từ 1.000-1.500 m2 đất, nhưng diện tích đất này không thể canh tác được. Một số hộ dân đã tự ý chuyển nhượng đất cho người khác rồi trở về quê cũ làm ăn.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí hỗ trợ làm nhà quá thấp, mỗi hộ chỉ được nhận từ 2,7-12 triệu đồng nên đã xảy ra tình trạng nhiều nhà chỉ xây được một phần rồi bỏ hoang. Rất nhiều hộ dân sau 15 năm chuyển đến nơi ở mới vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

“Đất được cấp từ năm 2000, chính quyền hứa làm sổ đỏ cho dân nhưng đến giờ đã 15 năm rồi mà chúng tôi vẫn chưa có sổ đỏ. Người dân ở đây mong muốn có sổ đỏ để vay vốn kinh doanh, làm ăn... nhưng không có sổ đỏ nên đành chịu. Chính quyền và ban ngành các cấp huyện Triệu Phong và tỉnh Quảng Trị hãy quan tâm đến chúng tôi-những nông dân ở Khu TĐC Tây Triệu Phong”, bà Lan Anh, cư dân ở đây nói.

Theo Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Triệu Phong Bùi Văn Trúc, dự án Khu TĐC Tây Triệu Phong có diện tích 140 ha với tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng, nhưng chỉ được giải ngân 20 tỷ đồng vì thiếu vốn. “Chúng tôi chỉ có trách nhiệm triển khai dự án, xây dựng hoàn thành thì bàn giao cho đơn vị quản lý. Việc bỏ hoang công trình, không sử dụng, trách nhiệm không phải của chúng tôi” - ông Trúc nói.

Theo Hữu Thành (Tiền Phong)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây