Một dự án giáo dục gần 2.000 tỷ do Bộ GD&ĐT làm chủ quản, khi có ý kiến phản hồi từ các địa phương sao lại dễ dàng “phủi” tay như thế.
Sau khi Dự án GPE-VNEN giải ngân xong, các địa phương rơi vào tình trạng “bỏ cũng dở mà tiếp tục không xong”. Với dự án này, ngày 18/8/2016, trước năm học mới, Bộ GD&ĐT lại có công văn số 4068/BGD&ĐT-GDTrH gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Công văn 4068 của Bộ GD&ĐT
Công văn nêu rõ: “Một số nơi chưa nhận thức đầy đủ về mô hình và điều kiện áp dụng, cán bộ giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình một cách máy móc, việc triển khai nóng vội, áp dụng ngay cả ở những trường còn khó khăn về đội ngũ cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất, sĩ số lớp học đông…dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt được hiệu quả mong muốn, gây ra những băn khoăn trong dư luận”.
Trong công văn, Bộ GD&ĐT cũng giao trách nhiệm cho các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương “chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục chủ động nghiên cứu đổi mới sáng tạo trong tổ chức dạy và học, áp dụng các mô hình giáo dục tiên tiến khác phù hợp với điều kiện thực tiễn…”.
Bộ GD&ĐT là cơ quan chủ quản về chuyên môn. Dưới Bộ còn có các vụ, viện nghiên cứu khoa học về giáo dục, sao lại trao "quả bóng" cho các địa phương vốn thiếu tất cả điều kiện để đảm đương việc này?
Học sinh THCS Nam Hồng (thị xã Hồng LĨnh) vui mừng bỏ VNEN. Ảnh Lê Văn Vỵ.
Ngày 08/8/2017, khi VNEN “vỡ trận”, các địa phương bế tắc và lúng túng, Bộ lại có Công văn 3459/ BGD&ĐT-GDTrH gửi các Sở GD&ĐT với nội dung “Chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các trường tiểu học và THCS rà soát, đánh giá tình hình triển khai mô hình THM tại địa phương” và "Chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai mô hình THM tại địa phương từ năm học 2017-2018”.
Chỉ còn một tháng nữa là bước vào năm học mới, thì còn đâu thời gian để “rà soát” với “đánh giá”. Đáng lẽ công việc này phải làm từ lâu và kế hoạch cũng đã có, chứ không phải kiểu “nóng tai bắt lỗ tai“ như Công văn 3459 cách đây 2 ngày.
Nhận được "quả bóng" THM VNEN chuyền từ Bộ, các tỉnh lại chuyền quả bóng này xuống huyện.
Tại Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Công văn 4885/UBND gửi Sở GD&ĐT, các huyện, thành phố trực thuộc dừng mô hình THM VNEN ở bậc THCS.
Còn ở bậc Tiểu học với lớp 1, 2 không triển khai mô hình THM VNEN. UBND tỉnh giao cho chủ tịch huyện chủ trì tổ chức rà soát, thăm dò ý kiến theo quy chế dân chủ cơ sở bằng hình thức bỏ phiếu kín cho 2 đối tượng giáo viên và phụ huynh học sinh ở khối lớp 3, 4, 5.
Nếu có đủ tỷ lệ 2/3 trở lên (cả 2 đối tượng được thăm dò lấy ý kiến) tán thành thì sẽ tiếp tục triển khai chương trình VNEN với lớp 3, 4, 5 bậc tiểu học trong năm học mới 2017 - 2018. Thành thử lựa chọn chương trình học nào cho con em lại được trao cho phụ huynh học sinh.
Một vị trưởng phòng GD&ĐT tại Hà Tĩnh điện thoại trao đổi với chúng tôi: “Thật ra, người phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và nhân dân về tất cả vấn đề liên quan đến giáo dục, trong đó có chương trình VNEN, phải là ngành chủ quản.
Chúng ta trao quyền lựa chọn chương trình dạy - học cho phụ huynh cứ ngỡ là dân chủ, nhưng thử hỏi có bao nhiêu phụ huynh có đủ điều kiện để hiểu biết về chương trình?
Ngay cả mô hình THM VNEN, đáng lẽ ra Bộ phận quản lý, triển khai Dự án GPE-VEN của Bộ GD&ĐT phải biết rõ nhất để tư vấn, hướng dẫn, quyết định chứ không phải giao nhiệm vụ này cho cấp dưới”.
Công văn 3459 của Bộ GD&ĐT
Anh Hồ Văn Lợi (phụ huynh học sinh) than vãn: “Trăm dâu đổ đầu tằm. Nông dân chúng tôi nuôi con lợn cũng phải lo từ giống đến thức ăn rồi lo bán. Bán không được lại lo giải cứu lợn. Giờ lại giải cứu VNEN, giải cứu giáo dục.
Nuôi con ăn học ại học, lo từ đầu vào đến đầu ra. Bây giờ con vào học lại còn phải lo chọn chương trình. Chúng tôi quen cày, bừa, cấy, gặt. Hỏi chúng tôi về cuốc cỏ, bón phân còn có thể, còn hỏi về chương trình giáo dục chúng tôi biết chi.
Trăm sự gửi gắm vào thầy cô, nhà trường. Giờ nhà trường, thầy cô lại nói chúng tôi quan trọng lắm, quyết định ở chúng tôi, có nực cười không!”.
Khi "quả bóng" mô hình THM VNEN được chuyền đi chuyền lại, những chỉ đạo từ trên Bộ với các đại phương thường cong vênh không đồng nhất nên gây khó khăn cho cơ sở.
Ví dụ, tại Công văn 3499, Bộ muốn tiếp tục chương trình VNEN với bậc tiểu học quy định sĩ số lớp không quá 35 em, trong khi đó UBND tỉnh Hà Tĩnh tại Công văn 4885 lại quy định điều kiện tiếp tục chương trình VNEN với bậc tiểu học sĩ số dưới 30 em.
“Chúng tôi thật khó xử lý, theo 35 thì trái với tỉnh, theo 30 trái với bộ. Thật chẳng biết đầu nào mà lần”.
Đã gần năm học mới, các địa phương đang rất lúng túng với VNEN nên cần một sự chỉ đạo kịp thời, nhất quán từ Bộ GD&ĐT.
Lê Văn Vỵ