Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị vừa qua. (Ảnh: Công Luân). |
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nhạ khẳng định: “Khởi đầu cải cách, động vào cái gì cũng tạo nhiều nhận thức khác nhau. Ban đầu có "sóng sánh" một chút nhưng sau đó, mọi vấn đề sẽ đi vào ổn định, tốt đẹp với sự quyết tâm của toàn ngành”.
Thưa Bộ trưởng, từ tháng 4/2016 tới nay, khi ông lên nắm cương vị đứng đầu ngành Giáo dục, dư luận xã hội không chỉ “sóng sánh” mà phải nói là cuộn sóng. Còn nhớ ngay trước phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 16/11/2017, khi trả lời phỏng vấn một số báo chí về việc giáo viên tại thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) bị ép đi tiếp khách, Bộ trưởng đã có những phát ngôn khiến xã hội không đồng tình.
Vào phiên chất vấn, ông Nhạ lại nói: “Nhiều nơi cán bộ địa phương cũng là vì vui vẻ thôi, nhưng đôi khi làm ảnh hưởng uy tín của nhà giáo” làm dư luận, các đại biểu Quốc hội và cả xã hội bất bình.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) đã thẳng thắn tranh luận lại: “Mặc dù nhận trách nhiệm, Bộ trưởng nói rằng cũng chỉ là vui vẻ thôi, dưới góc độ giới và đặc biệt là nữ đại biểu, tôi không biết Bộ trưởng có đau lòng không; sau những sự việc như vậy, tôi thực sự đau lòng”.
Trong phiên họp buổi chiều, Bộ trưởng Nhạ phải thanh minh lại là “diễn đạt chưa được rõ ý. Mong các đại biểu thông cảm”. Thật khó thấu cảm khi người đứng đầu ngành Giáo dục lại không hề bảo vệ những nữ giáo viên – lực lượng đông đảo nhất trong đội ngũ giáo viên trước sự ép buộc sai trái của một số lãnh đạo và đơn giản coi đây là chuyện vui vẻ mà không chút xót đau.
Rồi trước kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng lại nêu ra một ý tưởng khi chưa xin phép Quốc hội, chưa báo cáo Chính phủ, chưa bàn bạc trong lãnh đạo Bộ là việc “bỏ biên chế giáo viên”. Dư luận lại một lần nữa cuộn sóng khi người đứng đầu ngành dường như vô cảm trước toàn thể đội quân của mình, những người đang giữ trọng trách thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Đảng, Chương trình hành động của Chính phủ.
Sự bất bình của ý tưởng mà nhiều chuyên gia pháp lý cho là “vi hiến, lạm quyền” và xã hội cảnh báo là “coi chừng hại cả một thế hệ về sau” khiến ngay tại cuối kỳ họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phải sớm khẳng định: “Việc bỏ biên chế mới chỉ là đề xuất của bộ Giáo dục và Đào tạo”. Còn sau đó, cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đều phải “đính chính” giùm cho các thầy cô và xã hội yên lòng.
Tại kỳ tuyển sinh đại học 2017, ngành Sư phạm “xuống giá” kỷ lục: 12,5 điểm vào được đại học Sư phạm, 9 điểm là đủ đỗ cao đẳng Sư phạm. Xã hội đã chỉ ra nguyên nhân rớt hạng “thảm họa của ngành Giáo dục” là những căn bệnh “thâm căn cố đế” mà đến đời Bộ trưởng đương nhiệm không biết có rõ không nhưng chưa hề thay đổi được là: Học xong không có việc làm, có việc làm thì đồng lương ít ỏi, muốn thành viên chức của ngành phải chạy chọt, bệnh thành tích trong nhà trường.v.v…
Và, xã hội cũng chỉ ra một nguyên nhân nóng hổi là đòn giáng chí tử của chính ông “Tư lệnh” ngành với đề xuất bỏ biên chế. Thế mà ông, chính ông tại hội nghị Tổng kết năm học vừa qua lại nêu lên một bài học khiến xã hội một lần nữa nổi sóng: “Ngành Sư phạm muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội là giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường. Có như vậy, đầu vào mới cao được”.
Ôi, đúng là miệng quan! Hôm nay, ông lại phản lại đề xuất mới đây của chính mình khi nói sinh viên Sư phạm ra trường được phân công công việc. Rồi chỉ tiêu hàng năm, chính sách ưu tiên về học phí v.v… đâu phải học ai, thẩm quyền của ai. Chính là quyền năng quản lý Nhà nước của Bộ do ông đứng đầu quyết định hoặc đề xuất đấy chứ.
Thưa Bộ trưởng, những “sóng sánh” mà ông nói tới thật khó “thấu cảm” lắm!
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn