Điểm chuẩn khối sư phạm thấp kỷ lục: Thầy yếu, trò giỏi được không?

Thứ tư - 02/05/2018 02:52
Chỉ khoảng 3 điểm mỗi môn là có suất vào trường sư phạm, câu chuyện dù được dự báo trước nhưng lại khiến xã hội không khỏi bất an. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đều cho rằng, nhận thí sinh điểm thấp sau này sẽ làm hỏng cả một thế hệ học sinh của tương lai.
Điểm đầu vào ngành Sư phạm thấp khiến nhiều chuyên gia lo ngại ảnh hưởng tới chất lượng giáo viên. Ảnh minh họa: Q.Anh

3 điểm/môn cũng vào sư phạm

Những ngày gần đây, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến hiện tượng điểm chuẩn của các trường ĐH, CĐ ngành sư phạm thấp kỷ lục trong những năm qua.

Ngoại trừ ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP HCM, năm nay nhiều trường sư phạm phổ biến có mức điểm chuẩn chỉ ngang sàn, tiêu biểu như: ĐH Hà Tĩnh trừ ngành Sư phạm mầm non ra, tất cả các ngành học khác chỉ lấy 15,5 điểm.

Tương tự, nhiều ngành sư phạm của ĐH Sư phạm Huế, ĐH Sư phạm Thái Nguyên, ĐH Tân Trào (Tuyên Quang) cũng lấy điểm chuẩn bằng với mức điểm sàn. Riêng ĐH Sư phạm Huế lấy 12,75 điểm/3 môn.

Tại một số trường CĐ sư phạm cũng phổ biến ở mức điểm trúng tuyển 9-10,5 điểm. Có thể kể đến một số trường hợp cụ thể như:

CĐ Sư phạm Bắc Ninh đưa ra mức điểm chuẩn 9 điểm, tức là chỉ cần trung bình 3 điểm/môn theo kết quả thi THPT Quốc gia với các ngành sư phạm Toán, sư phạm Sinh, sư phạm Ngữ văn. CĐ Sư phạm Lào Cai lấy điểm trúng tuyển hệ chính quy là 9,5 điểm. Các CĐ Sư phạm Hà Nam, Hải Dương có điểm trúng tuyển của tất cả ngành học là 10.

Dù cho các trường ĐH, CĐ sư phạm đều viện dẫn nhiều lý do cho việc điểm chuẩn thấp là do “tạo điều kiện” cho các thí sinh điểm cao ở đợt xét tuyển bổ sung, điểm thấp không đồng nghĩa với năng lực thấp…

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng rất trăn trở với vấn đề này, bởi không chỉ năm nay mà những năm gần đây ngành Sư phạm liên tục “rớt giá”, để tuyển đủ chỉ tiêu, các trường buộc phải hạ điểm chuẩn để “vét” thí sinh đăng ký dự tuyển. Đây là thực tế đáng báo động khi mà lượng giáo viên dư thừa hiện nay còn lớn, trong khi các trường lại tiếp tục tuyển các thí sinh có điểm đầu vào thấp.

Cảm thấy bất ngờ về câu chuyện thí sinh đạt 3 điểm mỗi môn đỗ ngành sư phạm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho biết, để có một nền giáo dục chất lượng, chúng ta cần phải có đội ngũ giáo viên tốt. Để có những giáo viên tốt trước hết đầu vào phải đạt chuẩn và chất lượng.

Thực tế đã chứng minh, nếu đầu vào kém thì chất lượng người thầy cũng kém. Một thế hệ giáo viên kém chất lượng sẽ làm cả một nền giáo dục tụt lùi.

Cần nhiều chính sách đãi ngộ ngành sư phạm

Cũng theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: “Trong điều kiện hiện tại, lượng sinh viên tốt nghiệp sư phạm thừa tới mấy chục nghìn người mà vẫn ồ ạt tuyển thì quả là nghịch lý. Chúng ta cần quy định một mức điểm tối thiểu cho các trường sư phạm, nhất là hệ cao đẳng chứ không thể để tình trạng các trường thích lấy bao nhiêu điểm cũng được, cốt sao cho đủ chỉ tiêu.

Theo tôi, ngành sư phạm phải có chuẩn đầu vào cao hơn ngành khác. Nếu không tuyển đủ thì phải chờ năm sau, chứ không thể tuyển sinh cốt đủ sinh viên như thế”.

Cùng chung nỗi lo chất lượng giáo viên, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho hay, nhiều trường ĐH, CĐ khối sư phạm phải hạ thấp điểm chuẩn tới ngang sàn cho thấy ngành sư phạm hiện nay đã không còn sức hút, đó là cả một tổng thể những nguyên nhân như: Dư thừa giáo viên, lương thấp…

Nhưng hệ quả của việc lấy điểm thấp đặt ra một mối lo ngại lớn về chất lượng giáo dục nước nhà, nhất là trong bối cảnh chuẩn bị cho áp dụng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới.

Cũng theo GS.TS Phạm Tất Dong, chúng ta cứ hô hào cải cách, đổi mới giáo dục nhưng chất lượng giáo viên không cao làm sao theo kịp chương trình mới? Giáo viên phải là người có năng lực, ví dụ phải biết về công nghệ mới dạy tốt được môn công nghệ…

Khi điểm đầu vào thấp, không thể nào đào tạo ra được giáo viên giỏi, nếu có nhưng sẽ rất ít. Các trường chỉ lấy cốt cho đủ chỉ tiêu, rồi sinh viên thiếu năng lực cũng lại xuề xòa dạy, rồi cho ra trường, chắc chắn khó có thể đảm bảo chất lượng dạy học.

“Để tạo sức hút, nâng cao chất lượng đào tạo, chuyện không chỉ riêng của ngành giáo dục, mà của nhiều ngành khác nữa trong việc đầu tư hiện đại hóa các trường sư phạm, có chính sách tăng lương, đãi ngộ với các giáo viên.

Bên cạnh đó, thực hiện một loạt chính sách miễn giảm học phí, cho vay ưu đãi cho các sinh viên sư phạm. Đặc biệt, khi đã chuẩn hóa đào tạo sư phạm, các sinh viên ra trường có năng lực phải được bố trí công việc, đảm bảo về thu nhập để các nhà giáo yên tâm với nghề, không phải làm thêm, dạy thêm”, GS.TS Phạm Tất Dong đưa ra giải pháp.

Ngày 11/8, tại “Hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm” diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Sắp tới, Bộ quyết tâm xây dựng chuẩn trường Sư phạm. Tới đây sẽ quy hoạch theo hướng tập trung vào các trường đại học sư phạm lớn, dần dần có chính sách để đầu ra - đầu vào phù hợp. Tuy nhiên, việc quy hoạch hệ thống trường sư phạm cần thời gian, quá trình chứ không thể chỉ trong vòng 1 - 2 năm”.

Quang Anh


Theo Giadinh.net.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây