Nỗ lực “tháo gỡ” nguồn rác thải
Sự việc người dân gửi rác theo tàu vào Nam, ra Bắc xẩy ra ở huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) đã trở thành tâm điểm của dư luận cả nước. Nguyên nhân bắt nguồn từ bãi rác chôn lấp tự phát xứ đồng Trại Lợn, sử dụng từ năm 2001 đã quá tải nên bị người dân ngăn cản, không cho sử dụng khiến tình trạng ứ đọng rác thải xẩy ra, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, đường làng, ngõ xóm…thành bãi rác bất đắc dĩ.
Ông Phan Quốc Lập - Trưởng Phòng TN&MT huyện Hương Khê cho biết: “Là huyện miền núi với dân số trên 10, 7 vạn người được phân bổ ở 22 xã và thị trấn, kinh tế - xã hội phát triển những năm gần đây đã kéo theo lượng rác thải khá lớn, đặt ra nhiều thách thức về môi trường. Minh chứng qua sự việc bãi chôn lấp rác thải Trại Lợn dừng hoạt động, chỉ cần một đến hai ngày ngày không được thu gom, xử lý thì từ cơ quan, trường học đến khu dân cư…đều bị rác bủa vây”.
Với mục tiêu, cuộc sống, sức khỏe người dân phải được đảm bảo, các cấp chính quyền từ xã đến tỉnh đã vào cuộc, giành nhiều thời gian họp bàn phương án tháo gỡ suốt thời gian qua. Theo đó, dự án khu xử lý chất thải rắn bằng công nghệ lò đốt được phê duyệt là lời giải cấp thiết, bước đầu giảm nỗi lo chung của người dân về rác thải lâu nay trên địa bàn.
Qua khảo sát, kiểm tra và thẩm định của cơ quan chuyên môn, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thống nhất phê duyệt quy hoạch tại vùng Khe Nác, xã Gia Phố làm nơi đặt vị trí khu xử lý rác thải. Tuy vậy, quá trình triển khai thì nhận được ý kiến của người dân, của Linh mục Đoàn giáo hạt Ngàn Sâu, Hội đồng mục vụ giáo xứ Ninh Cường đề nghị xem xét chuyển vị trí sang Khoảnh 6, tiểu khu 208 thuộc xã Hương Thủy.
Ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê chia sẻ: “Địa điểm ở xã Gia Phố được khảo sát, đánh giá đủ điều kiện đảm bảo xây dựng khu xử lý rác thải. Nhưng tại khoảnh 6, tiểu khu 208 thuộc xã Hương Thủy là địa điểm được chọn để triển khai dự án, một phần giải quyết nhằm tạo sự đồng thuận. Sau khi lãnh đạo tỉnh có ý kiến chỉ đạo xem xét vị trí theo đề bạt từ nguyện vọng của người dân, qua khảo sát, đánh giá khách quan, khoa học xét thấy điều kiện tốt hơn để thực hiện dự án nên mới đồng ý điều chỉnh vị trí”.
Vì sao người dân còn lo lắng…?
Vị trí chọn để triển khai xây dựng dự án Khu xử lý chất thải rắn bằng công nghệ lò đốt tại xã Hương Thủy, huyện Hương Khê được phê duyệt sau khi xem xét ý kiến đề bạt nguyện vọng của người dân địa phương, được các sở, ngành chuyên môn trực tiếp khảo sát, đánh giá trên cơ sở khoa học xét thấy đáp ứng được yêu cầu về quy chuẩn. Thế nhưng, ngoài sự đồng thuận từ đông đảo người dân cùng các cấp chính quyền thì vẫn còn một vài bộ phận chưa nhất trí.
Tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của người dân, ông Nguyễn Văn Phú - Bí thư xã Hương Thủy, huyện Hương Khê chia sẽ: “Một số người dân chưa đồng thuận vì tâm lý chung không ai thích ở gần nhà máy rác. Bên cạnh đó cũng có những người khi nghe tin xây dựng điểm xử lý rác thải nên có phần lo lắng, khi nhà máy đi vào hoạt động liệu có đảm bảo được môi trường, không tác động xấu đến nguồn nước, không khí vì chưa hiểu rõ về dự án …”
Theo ông Phú, để dự án được triển khai, thời gian qua cấp Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể xã Hương Thủy đã tích cực tuyên truyền vận động. Ý kiến người dân cũng có lý, cần các cơ quan chuyên môn đưa ra lời giải thích rõ ràng, tránh tình trạng để nỗi lo dẫn đến việc cản trở thực hiện dự án, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện vẫn còn một số hộ dân ở thôn 1 xã Hương Thủy và thôn 6, thôn 7 thuộc xã Gia Phố chưa đồng thuận với vị trí triển khai dự án. Mặc dù đã được tuyên truyền vận động nhưng lý do các hộ dân không muốn xây dựng khu xử lý rác thải gần nhà ở, khu trang trại của mình, sợ ô nhiễm nguồn nước, môi trường không khí.
Cần cái “bắt tay” đồng thuận
Ông Đặng Bá Lục - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh, cho biết: “Có ba loại công nghệ được sử dụng để xử lý rác thải hiện nay, đó là nhà máy, công nghệ lò đốt và chôn lấp. Ở Hương Khê sử dụng công nghệ lò đốt SANKIO GF 1500 với công suất 1 tấn/giờ như đã phê duyệt là phù hợp với mức độ, lượng rác thải của địa phương. Hiện tại, thiết bị này đã được lắp đặt và sử dụng tại nhiều điểm trên toàn tỉnh như Nghi Xuân, Đức Thọ, Kỳ Anh…, quá trình sử dụng được đánh giá đảm bảo và hiệu quả”.
Theo báo cáo, dự án Khu xử lý rác thải rắn ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê được đầu tư với tổng kinh phí 23,3 tỷ đồng chủ yếu từ nguồn ngân sách, trên diện tích 14.143m2. Bao gồm các hạng mục: nhà trực, trạm cân, nhà điều hành, nhà phân loại và đặt lò đốt, khu xử lý nước thải, bể nước, bơm nước, trạm biến áp.
Nói về vị trí quy hoạch triển khai dự án Khu xử lý rác thải tập trung Hương Khê, ông Hồ Huy Thành - Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biêt: “Lắng nghe những kiến nghị, giải thích thấu đáo để người dân hiểu, đồng thuận với chủ trương. Địa điểm được chọn đặt lò đốt tại xã Hương Thủy thu hồi từ đất của Công ty Cao Su nằm trong quy hoạch của tỉnh, không liên quan đến đất của hộ dân. Quyết định cho phép đặt lò đốt cũng dựa trên cơ sở sau khi phân tích, đánh giá tác động môi trường của cơ quan chuyên môn là đảm bảo yêu cầu về môi trường mới triển khai thực hiện”.
Kết quả đánh giá tác động môi trường của dự án cho thấy việc điều chỉnh vị trí xây dựng Khu xử lý chất thải rắn từ vùng Khe Nác, xã Gia Phố sang vị trí mới tại Khoảnh 6, tiểu khu 208, xã Hương Thủy là khách quan, đảm bảo các quy định về môi trường. Cụ thể: Khoảng cách với khu dân cư gần nhất ở xã Hương Long 880m, xã Hương Thủy 1240m, xã Gia Phố 1140m. Trong khi yêu cầu quy chuẩn xây dựng Việt Nam về quy hoạch xây dựng điểm xử lý rác thải, tối thiểu cách khu dân cư phải 500m trở lên.
“Phải phân biệt để người dân được hiểu việc quy hoạch xây dựng ở đây bằng công nghệ lò đốt chứ không phải nhà máy nên khi sử dụng chỉ xử lý cho loại rác thải rắn sinh hoạt thông thường. Quá trình đốt sẽ phát sinh ra hai thứ là khí và tro xỉ. Do đó, các công trình của khu xử lý rác thải đã lắp đặt hệ thống xử lý khí thải, nước thải, hố chôn tro xỉ đảm bảo cho hoạt động, đảm bảo an toàn về môi trường liên tục trong vòng 15 năm theo tính toán với lượng rác thải trên địa bàn”, ông Hồ Huy Thành - Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh phân tích.
Xây dựng khu xử lý rác thải là vấn đề cấp bách, thiết yếu ở địa phương này. Nắm bắt tâm lý cũng như thực trạng thiếu thông tin về dự án, tuyên truyền chi tiết, cụ thể về chủ trương để người dân hiểu, đồng thuận đang được các cấp ủy, chính quyền huyện Hương Khê xem là việc làm tiên quyết. Sự chia sẽ của người dân lúc này sẽ đảm bảo được tiến độ cho dự án, kịp thời tháo gỡ những “tắc nghẽn” rác thải lâu nay trên địa bàn.