Mới đây, Văn phòng UBND TP.HCM đã ra văn bản thông báo Kết luận của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong về việc quản lý, chỉnh trang, quy hoạch công viên 23/9 (quận 1, TP.HCM). Trong đó có nội dung yêu cầu Sở TN&MT chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất chấm dứt, không gia hạn hợp đồng cho thuê đối với các đơn vị đang sử dụng mặt bằng của công viên 23/9, yêu cầu di dời trước ngày 30/4/2019.
Lối vào khu chợ dưới lòng đất |
Trước thông tin này, nhiều tiểu thương đang kinh doanh buôn bán tại chợ Sense Market, chợ dưới lòng đất của công viên 23/9, rất hoang mang, lo lắng. Bởi điều này đồng nghĩa với việc họ phải ngừng kinh doanh buôn bán ở đây chỉ sau 2 năm hoạt động.
Theo tìm hiểu, Sense Market chính thức ra mắt người dân và khách du lịch quốc tế từ tháng 3/2017. Chợ rộng hơn 1ha, với gần 100 gian hàng ẩm thực Việt Nam, Lào, Campuchia, Ấn Độ, Nhật Bản… và hơn 400 gian hàng chuyên kinh doanh giày dép, quần áo thời trang.
Các gian hàng đều được đầu tư rất nhiều tiền |
Theo thống kê của ban quản lý chợ, mỗi ngày nơi đây đón khoảng 5.000 người tới tham quan, mua sắm và ăn uống. Tuy nhiên những ngày gần đây, mọi hoạt động dường như chững lại. Nhiều người đã đầu tư rất nhiều tiền để mở gian hàng tại đây hiện đang hoang mang không biết “số phận” mình sẽ đi về đâu. Một số gian hàng hết hạn hợp đồng thuê đã chuyển đi hoặc dán thông báo sang nhượng, chứ không thuê tiếp vì không biết thời gian được gia hạn hợp đồng là bao lâu.
Khu vực kinh doanh ẩm thực khá đông khách và nhiều khách nước ngoài |
Chị Phạm Tuyết Nga, bán quần áo tại Sense Market cho biết, chị đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để mở gian hàng tại đây, vừa mới bán quen khách thì nghe thông tin phải chuyển đi. Nếu không được tiếp tục kinh doanh ở đây nữa chị sẽ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Do đó chị mong Thành phố cho các tiểu thương thêm thời gian buôn bán tại đây để thu hồi vốn.
Khu vực buôn bán quần áo có khoảng 400 gian hàng |
Ngoài việc tiểu thương lo lắng, khách hàng tiếc nuối, những người đứng ra xây dựng quản lý khu chợ này cũng đang đứng ngồi không yên trước một bên là quyết định “xóa sổ” chợ của UBND TP.HCM và một bên là quyền lợi của các tiểu thương
Trả lại mảng xanh cho công viên
Ông Nguyễn Bình Phương, Giám đốc công ty Cửu Long, đơn vị đầu tư Sense Market cho biết: “Trước đây các tầng hầm rất nhếch nhác, một khu vực được sử dụng làm nơi giữ xe vi phạm, một số khu vực bỏ hoang, nhiều đối tượng nghiện ma túy vào đây hút chích. Do đó, khi được thành phố giao cải tạo, sử dụng tạm lại khu vực này, Công ty Cửu Long đã đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, thiết kế thành một điểm đến độc đáo cho cho người dân thành phố và đặc biệt là du khách nước ngoài vì địa điểm này rất gần khu phố Tây. Ngoài ra, khu chợ cũng giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 500 tiểu thương, trong đó nhiều tiểu thương trước đây là những người buôn gánh bán bưng trên vỉa hè”.
Một số gian hàng đã chuyển đi hoặc treo biển sang nhượng |
Bà Nguyễn Thị Tranh, Tổng giám đốc công ty Đầu tư Phát triển Sài Gòn Co.op, đơn vị trực tiếp quản lý khu chợ cho biết, đây là dự án tâm huyết của công ty cùng với Công ty Cửu Long. Bởi lẽ ở Việt Nam ngoài các trung tâm thương mại ở tầng hầm một số chung cư cao cấp thì Sense Market là chợ dưới lòng đất đầu tiên trên nước, việc phải chấm dứt hoạt động là một điều đáng tiếc.
Mặc dù vậy, cả ông Phương và bà Tranh đều cho rằng, việc UBND TP.HCM xem xét thu hồi để tái quy hoạch hàng loạt mặt bằng chưa sử dụng đúng mục đích hoặc hoạt động chưa hiệu quả tại khu vực công viên 23/9 là hoàn toàn hợp lý và cần được ủng hộ.
Nhiều bạn trẻ thường tới khu chợ để vui chơi và chụp ảnh |
Đơn vị trực tiếp quản lý khu chợ cũng kiến nghị chính quyền thành phố nên xem xét duy trì và mở rộng các dịch vụ tại tầng hầm theo hướng ngầm hóa các dịch vụ hiện hữu tại khu vực công viên 23/9. Như vậy vừa đảm bảo khu vực mặt bằng phía trên công viên vẫn đúng chức năng mảng xanh công cộng của công viên theo quy hoạch của thành phố, vừa đảm bảo khai thác tầng hầm một cách hiệu quả.