Thời gian gần đây, trứng nhum (còn gọi trứng nhím, trứng cầu gai hay nhân sâm biển) Nhật được nhiều người Việt khá giả lùng mua. Tuy nhiên, sau khi ăn, gia đình chị Thu Thủy ở quận Phú Nhuận cũng như gia đình anh Anh Đức, ngụ tại quận 2, TP HCM nhận thấy trứng nhum Nhật Bản dù đắt gấp từ 4 đến 10 lần, mua cũng khó khăn hơn (thường phải đặt trước), nhưng độ ngon chỉ nhỉnh hơn hàng Việt Nam một chút.
Trứng nhum loại ngon của Việt Nam - trứng nhum vàng có giá chỉ khoảng 200.000 đồng một hộp 200g - Ảnh: Mr True . |
"Cả hàng Nhật và hàng Việt đều có thể ăn sống (làm sashimi), nướng muối ớt, nướng mỡ hành, nấu cháo, cuộn làm sushi, hấp, xào. Trứng nhum có mùi thơm ngọt, vị béo ngậy. Tôi nghe nói món ăn này chứa nhiều canxi, bồi bổ sinh lực nam giới nên thỉnh thoảng mua cho gia đình ăn", chị Thủy kể.
"Nếu ăn sống, nên mua hàng Nhật vì không tanh, và hàng Nhật vẫn đảm bảo độ an toàn thực phẩm cao. Còn chế biến qua lửa, tôi nghĩ nên mua hàng Việt vì độ ngon của trứng nhum Việt cũng đạt điểm 8-9 nếu trứng nhum Nhật đạt điểm 10", anh Đức bổ sung thêm.
Chị Phượng Các, một người bán hàng Nhật tại TP HCM cũng chung quan điểm với anh Đức. Chị vẫn khuyên khách hàng nếu ăn chín nên mua hàng Việt cho rẻ, nếu ăn sống hãy mua hàng Nhật vì không tanh và đảm bảo an toàn thực phẩm hơn.
Chị Phượng Các hiện bán 800.000/khay 100g trứng nhum Nhật theo dạng đặt hàng trước. Người bán hàng cho biết, do giờ sắp sang mùa lạnh, nhum đẻ ít nên giá về Việt Nam đắt hơn trước đây. Tuy nhiên trứng nhum Nhật khó bảo quản (phải để đông lạnh, chỉ cần gặp nước hay gió, trứng sẽ bị tan) mà lại kén khách vì giá cao hơn hàng Việt nhiều lần.
Một gói 225g trứng nhum vàng của Việt Nam được một cửa hàng hải sản tại TP HCM bán với giá 180.000 đồng, còn trứng nhum nâu chỉ 90.000 đồng.
Trên trang bán hàng trực tuyến Amazon, 1 khay trứng nhum Nhật Bản 120g đang được rao bán 41,98 đô Mỹ (khoảng gần 1 triệu đồng) - Ảnh: Amazon |
Tại Việt Nam, nhum biển thường sống thành đàn ở một số vùng biển như Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Quốc. Do nhum biển tròn như quả cầu nhỏ, nhiều gai như lông nhím nên còn có tên cầu gai hay nhím biển. Sau khi bắt được nhum biển, ngư dân sẽ dùng kéo cắt bỏ tất cả gai, rồi tách đôi nhum như tách một trái cây.
Tác giả bài viết: Hoàng Anh
Nguồn tin: Vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn