Việt kiều không chỉ có giàu và thành đạt

Thứ bảy - 03/06/2017 14:08
Người Việt ở nước ngoài, không phải chỉ là những người thành đạt, mà có không ít người phải đối diện với nạn thất nghiệp và những nguy cơ khác.


Số Việt kiều Mỹ đã tốt nghiệp đại học và sau đại học chỉ chiếm 23,5%, thấp nhất trong cộng đồng người Mỹ gốc Á.

Câu chuyện của một người Việt ở Canada
 
Henry N. là kỹ sư chuyên ngành thiết kế đường ống dùng trong công nghiệp dầu khí, xe hơi..., của một máy tại Canada (có tổng công ty ở Mỹ). Anh rời Việt Nam, rồi trở thành công dân của Canada gần 30 năm nay và có kinh nghiệm trong nghề đã hơn 20 năm. Đầu năm 2010, nhân có đoàn chuyên gia, kỹ sư của PetroVietnam sang tham quan, tập huấn và mua hàng của nhà máy, anh được cử hướng dẫn đoàn. Chia tay, nhiều đồng nghiệp rủ anh về Việt Nam làm việc trong lĩnh vực dầu khí.

Hai tuần sau, chúng tôi hay tin, tổng công ty của Henry ở Mỹ tuyên bố đóng cửa toàn bộ cơ sở sản xuất và lắp ráp ở Canada, dời nhà máy về Texas, Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc sa thải hơn 500 công nhân viên. “Tin động trời này khiến chúng tôi không muốn tin nhưng đó là sự thật. Tôi đã nghe bạn bè râm ran việc đóng cửa Công ty từ gần 1 năm nay, nhưng tôi không tin”, Henry chua chát nói.

Xu hướng sáp nhập các bộ phận ở nước ngoài của các doanh nghiệp Mỹ đã manh nha từ hồi giữa năm ngoái. Và người Mỹ đang tạm hài lòng với những thương vụ này. Họ cho rằng, nó đồng nghĩa với việc sẽ cắt giảm các chi phí quản lý, nhân sự... tại nước ngoài, nhưng cơ hội việc làm ở Mỹ lại cao hơn.

Henry cũng cho hay, không riêng gì công ty của anh, một số công ty lâu nay làm ăn thành công ở Canada đều cuốn gói về Mỹ. Điều đáng nói là, do sợ công nhân (đa số là dân nhập cư) đập phá hoặc có bạo động khi hay tin bị sa thải, nên thông báo rút nhà máy về Mỹ chỉ được báo cho toàn công ty trước 1 tuần. Trong hơn 500 công nhân viên bị sa thải của công ty đó, có khá nhiều người Việt.

Henry cho biết anh thừa sức kiếm việc ngay lập tức tại Canada nhờ kinh nghiệm và trình độ chuyên môn tốt. Và thực tế đã có một vài công ty muốn mời Henry về làm việc. Không riêng gì Henry, nhiều người Việt ở nước ngoài có trình độ đại học, công nhân kỹ thuật có tay nghề vững đều không khó kiếm việc khi công ty họ đang làm bị sáp nhập hoặc phá sản. Tuy nhiên, đối với số người Việt sống ở nước ngoài học lực dưới trung học, việc bị sa thải đồng nghĩa với hàng loạt nguy cơ: thất nghiệp kéo dài, nhà trả góp bị lấy lại và hàng loạt khó khăn khác.

40% người Việt trưởng thành tại Canada là công nhân

Thống kê của Chính phủ Canada vào đầu thế kỷ XXI cho thấy, có đến 45% người Canada gốc Việt trưởng thành chưa qua bậc trung học (tỉ lệ này đối với người Canada nói chung là 31%). Hầu hết người Canada gốc Việt làm việc trong các lĩnh vực về kinh tế. Trong đó, số đi làm công nhân chiếm tỉ lệ cao nhất là 40%, làm quản lý chỉ là 15%.

Như vậy, khi xảy ra việc mua bán sáp nhập doanh nghiệp như trường hợp trên, tỉ lệ chiếm số đông này sẽ là nhóm có nguy cơ thất nghiệp cao nhất. Nghiên cứu của Chính phủ Canada cũng cho thấy, tỉ lệ người gốc Việt thất nghiệp tại Canada là 17%.

Không chỉ đối với Canada, đất nước có ít người Việt sinh sống, mà cả ở Mỹ, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất thế giới, cũng vậy. Trong Nghiên cứu cộng đồng người Mỹ (American Community Survey - ACS) do Chính phủ Mỹ thực hiện vào năm ngoái, tỉ lệ Việt kiều Mỹ có trình độ dưới trung học là nhiều nhất 30%. Trong khi số Việt kiều Mỹ đã tốt nghiệp đại học và sau đại học chỉ chiếm 23,5%, thấp nhất trong cộng đồng người Mỹ gốc Á.

Số người Việt ở Mỹ làm các nghề có thu nhập trung bình như lao động trong các xí nghiệp, vận tải hàng hóa chiếm tỉ lệ cao nhất trong cộng đồng người Mỹ gốc Á, 21%. Và đây cũng là nhóm có nguy cơ thất nghiệp cao nhất. Nghiên cứu của ACS cũng đưa ra tỉ lệ không mấy vui về sự giàu nghèo của người Việt ở Mỹ. Tỉ lệ người Việt nghèo ở Mỹ hiện chiếm 14%, chỉ đứng trên cộng đồng người Hàn Quốc ở Mỹ là 14,9%.

Những con số về tỉ lệ người lao động phổ thông và người nghèo tại Canada và Mỹ đã cho thấy một bức tranh nhỏ thực tế và khách quan về cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Sau nhiều năm tháng nỗ lực làm ăn ở xứ người, họ, những người con xa xứ, không chỉ có hoa hồng mà còn có nước mắt với không ít lần đối diện với những khó khăn mà chỉ khi sống thật sự trong cộng đồng đó, ta mới thấu hiểu được.
 
Theo Thiện Vi
Nhịp cầu Đầu tư

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây