Biết tiếng Anh, nhiều nữ sinh tìm công việc giúp việc nhà cho người nước ngoài ngoài tiền lương cao còn cả cơ hội được thực hành ngoại ngữ. Ảnh minh họa. |
Nhà có điều kiện nhưng Nguyễn Thị Thanh (ĐH Công nghiệp Hà Nội) vẫn muốn đi làm ôsin cho gia đình người nước ngoài để có cơ hội học tiếng Anh, biết thêm về văn hóa và muốn tự lập. Đi làm đã một năm nay, cô sinh viên quê Thái Bình giúp việc ở cả gia đình người Việt lẫn nước ngoài. Hiện tại, nữ sinh 21 tuổi nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa cho đôi vợ chồng người Anh ở Mỹ Đình. Không biết nhiều tiếng Anh, Thanh chỉ bập bõm học trên lớp và được chị gái chỉ dạy thêm.
Một tuần năm buổi, Thanh sẽ tới việc giúp cho vợ chồng người Anh trong thời gian bốn tiếng. Ngoài tiền công thỏa thuận ban đầu (8 USD/giờ), nếu làm tốt, cô còn được chủ nhà thưởng thêm một USD vào cuối mỗi buổi làm. Công việc của Thanh là dọn dẹp, giặt đồ và nấu ăn. Cô cho hay, gia đình chủ thích ăn những món bình dân của Việt Nam như thịt kho tàu, canh cua, cà pháo.
"Lúc gặp, em nói trước với họ mình xuất thân từ nông thôn nên không biết các món Tây. Anh chị ấy nói yes và đồng ý cho em làm”, Thanh kể.
Kinh nghiệm hơn Thanh, Quý (26 tuổi ở Nam Định) đã có bốn năm giúp việc cho nhiều gia đình quốc tịch Mỹ, Australia, Thailand và Pháp. Có thể giao tiếp được bằng tiếng Anh và Pháp, cô hiện ở TPHCM để chờ tới làm cho một nhà người Canada đang đi du lịch.
Sau thời gian lăn lộn ở Hà Nội, tháng 8/2011, cô Nam tiến tìm cơ hội nghề nghiệp mới. Không có người thân, Quý đến ở nhờ nhà trọ cùng một người bạn gái đang học đại học trong đó. Trong thời gian tìm việc, cô đến những khu có nhiều người nước ngoài sống và dán tờ quảng cáo nhận giúp việc nhà. Sau lần dán tại siêu thị ở quận 7, cô được gia đình này liên lạc.
Mới đây nhất Quý làm cho gia đình người Australia nhưng do không hợp nên nghỉ việc sau hai tháng. Không khó khăn trong việc giao tiếp, vấn đề của Quý nằm ở thời gian khắt khe. "Chủ nhà muốn em đi sớm, về muộn. Thời gian làm việc khép kín khiến em không có lúc nào đi đâu hay học tập. Em muốn học sâu tiếng Anh để có thể làm việc chuyên nghiệp hơn", Quý nói.
Hầu hết giúp việc như Thanh, Quý đều gặp trục trặc với đồ dùng hiện đại trong nhà. Ban đầu khi mới nhận việc, Thanh lúng túng khi sử dụng máy rửa bát. Nhờ sự thân thiện, nhiệt tình chỉ bảo của vợ chồng chủ, Thanh dần quen với rửa bát bằng máy và sử dụng các thiết bị khác. Nhiều lần chủ nhà tỏ ra không hài lòng với đồ ăn Thanh nấu. Có hôm cô nàng thu đồ chưa khô vào, chị chủ tỏ vẻ cáu giận ra mặt. Hết giờ làm, chị góp ý với Thanh lần sau chú ý nếu không sẽ bị trừ tiền công.
Còn trường hợp Quý, bản thân chủ nhà cũng không biết dùng một số thiết bị như chống trộm nên không thể giúp cô được. Cô gái người Nam Định ấy thường phải gọi điện cho 1080 hoặc hỏi hàng xóm xung quanh.
So với giúp việc cho người Việt, tiền công giúp việc cho gia đình nước ngoài thường cao hơn nhiều. Thanh tâm sự, cô thích làm cho người nước ngoài hơn một phần vì tiền công cao, phần còn lại là sự thoải mái và được tôn trọng. Một số bạn cùng quê với Thanh cũng thử đi giúp việc như cô nhưng đều bỏ cuộc sau một thời gian ngắn vì thấy ngại.
Phần lớn các cô gái làm việc nhà cho người nước ngoài thường gặp khó khăn khi dùng các tiện nghi. Ảnh minh họa. |
Thanh chỉ dám nói chuyện mình làm thêm với chị gái còn giấu nhẹm với anh rể. Cô cho hay không cảm thấy xấu hổ nếu bạn bè biết mình đi làm ôsin bởi công việc này mang lại cho cô thu nhập, sự trải nghiệm và cơ hội nâng cao tiếng Anh. Nữ sinh năm cuối ĐH Công Nghiệp tự hào khoe, giờ trình giao tiếp ngoại ngữ của cô đã hơn hẳn các bạn trong lớp.
Ngoài tiền lương cao (300-350 USD/tháng), Quý gắn bó lâu dài với gia đình nước ngoài còn ở nghĩa tình. Trong số những nhà Quý từng làm, cô ở lại lâu nhất với gia đình một nhân viên đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Trong suốt gần hai năm làm việc tại đó, cô được coi như người thân trong nhà.
Bố mẹ đều mất, Quý sống ở Hà Nội với anh trai đã lập gia đình. Tốt nghiệp trường dạy nghề Hoa Sữa, Quý xin đi giúp việc nhà cho người nước ngoài. Sau nhiều lần chuyển nhà, cô gặp vợ chồng họ. Biết được hoàn cảnh của cô, chủ nhà thương và hay chia sẻ.
"Họ đã làm hộ chiếu định đưa em sang Mỹ cùng nhưng vì ông chủ được cử sang Pakistan nên em không theo nữa. Hiện giờ em vẫn thường xuyên giữ liên lạc bằng email với họ", Quý kể.
Theo cô gái quê Nam Định, hầu hết người nước ngoài yêu cầu ôsin tính trung thực, có trách nhiệm với công việc và sạch sẽ, ngăn nắp. Từng học ở trường dạy nấu ăn nên cô có thể chế biến được các món Âu, Á theo yêu cầu.
Quý tâm sự nhiều lúc hoàn thành công việc nằm nghĩ một mình lại thấy tủi thân. Năm nay không về quê, Quý sẽ đón Tết ở TPHCM. Còn Thanh dự định sẽ làm đến chiều ngày 29 mới về Thái Bình và mùng 3 Tết lên tiếp tục công việc.
"Tiền công làm Tết gấp 3-4 ngày thường, ở nhà lại không có việc gì nên em tranh thủ lên làm thêm", Thanh vui vẻ nói. Ngoài làm ôsin, cô còn đi dạy thêm. Tính ra mỗi tháng thu nhập từ hai công việc đó mang lại cho cô một khoản không nhỏ, hơn 4,5 triệu đồng.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn