Đứa con thức dậy hỏi: “Mẹ ơi! Cha con đâu?", em chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc. Một ngày ở đây, gặp 6 người phụ nữ thì có đến 5 người tâm sự với chúng tôi như thế!. Đó là câu chuyện chúng tôi ghi lại được, sau lần tác nghiệp ở xã Sơn Lộc (Can Lộc) - nơi người ta gắn cho cái tên đầy xót xa “xóm không chồng”.
Người xưa có câu: “Con không cha như nhà không nóc”. Ấy vậy mà ở cái xã Sơn Lộc của huyện Can Lộc này, hiện có nhiều “nhà không nóc”, đến nỗi người ta đặt hẳn cho nơi đây một cái tên đầy bi hài: “xóm không chồng”. “Xóm không chồng” hình thành bởi nhiều lý do: chồng chết sớm vì bệnh tật, chồng bỏ đi vì vợ bị bệnh, chồng hờ “quất ngựa truy phong” sau một cuộc tình vụng trộm…
Những ngôi nhà…không nóc.
Trong những ngày đầu xuân Nhâm Thìn chúng tôi tìm về xã Sơn Lộc (Can Lộc), đây là xã được nhiều người gắn cho cái tên là “xóm không chồng”. Đến đây chúng tôi mới thực sự hiểu hết được nổi vất vả, khó khăn của những người phụ nữ góa bụa, bao gánh nặng của gia đình đều được đặt lên đôi vai gầy guộc của họ.
Con đường dẫn vào xóm heo hút và đầy bùn lầy mỗi khi mưa xuống |
Chồng mất sớm họ phải lăn lộn tằn tảo, kiếm kế sinh nhai để nuôi con ăn học. Ngày chồng mất cũng là ngày bao nhiêu hi vọng, dự tính về tương lai đều sụp đổ hết. “Ngày anh ấy còn sống chúng tôi đã dự định rất nhiều điều phải làm, nhưng khi những dự định ấy đang dang dỡ thì anh ấy đã bỏ tôi mà đi”, chị Nguyễn Thị Hoa, xóm 11 tâm sự.
Anh ra đi để lại cho chị bốn đứa con đang trong độ tuổi cặp sách tới trường, chị phải một mình lam lũ nuôi bốn con ăn học, cùng với đó là người em gái chồng bị mù đang sống với chị. Hiểu được những vất vả nhọc nhằn của mẹ, đứa con trai đầu của chị đã tự nguyện bỏ học đi làm thuê để kiếm tiền phụ mẹ nuôi các em.
Chia tay gia đình chị Hoa chúng tôi tìm đến gia đình bà Nguyễn Thị Hồng, ở xóm 7. Theo như người dân nơi đây kể, thì bà Hồng là một người có cuộc đời khá bất hạnh, bà lấy chồng năm 16 tuổi được hơn chục năm thì ông đã bỏ bà ra đi và để lại ba đứa con thơ dại, một nam hai nữ nhưng đứa con trai thứ 3 bị bênh thần kinh. Chồng bà trước đây tham gia phục vụ kháng chiến, sau khi bị thương được đưa về nhà và bị phát bệnh không lâu sau đó thì mất, khi ấy bà Hồng cũng chỉ mới có 26 tuổi. Kể từ đấy cho tới nay bà ở vậy nuôi con khôn lớn, hai người con gái lớn đã đi lấy chồng, người con trai bị bệnh thần kinh nên thường xuyên bỏ nhà đi lạng thang.
Tuy tuổi đã cao nhưng bà Hồng còn phải lo toan, kiếm sống để nuôi đứa con bị bệnh của mình. |
Nhắc đến hoàn cảnh của gia đình bà Hồng, người dân nơi đây ai cũng rơm rớm nước mắt khóc cho cuộc đời của bà: “ Cuộc đời của bà Hồng thì tội lắm chú à. Chồng bà ấy mất từ sớm, để lại 3 đứa con mà đứa con trai bị bệnh thần kinh, khi nào lên cơn là nó lại đập phá nhà cửa, mấy tháng nay bà lên giúp việc ở chùa nhưng do thương con nên bữa này lại về”, cụ Hoàng Văn Thắng ở xóm 7, cho hay.
Cùng chung cảnh ngộ như gia đình chị Hoa, bà Hồng còn có hàng chục hộ gia đình khác. Trong số này phải kể đến những gia đình chị Nguyễn Thị Hiền ở xóm 7, chị Trương Thị Bình ở xóm 3, gia đình bà Hoàng Thị Châu ở xóm 10…đây đều là những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
"Đau đớn thay phận đàn bà"
Số phận bi đát của những người phụ nữ nơi đây phần nào cho ta thấy nỗi vất vả mà họ phải đối mặt hàng ngày. Cuộc sống của họ giờ đây chỉ biết trông ngóng vào mấy sào ruộng để nuôi con. “Tội lắm chú à, năm miệng ăn giờ chỉ biết trông vào 5 sào ruộng với thằng cả đi làm thuê. Năm này do thời tiết nên mất mùa nặng, rồi đây không biết cả gia đình sẽ lấy gì mà ăn”, chị Hoa Tâm sự thêm.
Chị Hoa bên cạnh người em mù lòa không chồng |
Cái ăn giờ còn không lo nổi huống gì nói đến cho con cái đi học cái chữ, nhiều đứa bé ở miền quê nghèo này đã phải bỏ học để đi làm thuê kiếm tiền về phụ mẹ. Thương con còn nhỏ đã phải mưu sinh kiếm sống, nhiều người mẹ đã ứa nước mắt nhưng giờ đây họ biết phải làm sao khi cuộc sống của gia đình gặp vô vàn khó khăn mà sức lực của người phụ nữ thì không kham nổi.
Hầu như tất cả những đứa trẻ mồ côi bố từ sớm nơi đây đều phải gác lại ước mơ tìm con chữ, để đi làm thuê. Có nhiều hộ gia đình tất cả mấy đứa con đều bị mù chữ, trong đó đặc biệt là gia đình cụ Hoàng Thị Châu (xóm 10), có 7 người con thì cả 7 đều bị mù chữ. Những đứa trẻ ở xóm này không chỉ thiếu thốn về mặt tình cảm, mà giờ đây chúng đang còn thiếu thốn cả về vật chất. Lúc này đây những đứa trẻ này đang cần một vòng tay che chở và giúp đỡ chúng vượt qua được những quãng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời.
Cuộc sống không có chỗ dựa là bờ vai của người đàn ông, nên những người phụ nữ phải lam lũ vất vả kiếm sống. Những người phụ nữ ở miền quê nghèo này đã phải chịu quá nhiều những mất mát và đau khổ, nhiều người phải gửi con thơ cho ông bà để lặn lội vào Nam kiếm kế mưa sinh, nuôi con.
Năm nay đã gần 60 tuổi nhưng bà Hồng vẫn phải lặn lội đi làm thuê kiếm từng hào để về mua thuốc cho đứa con bị bệnh thần kinh của mình, hầu như ai thuê gì bà cũng làm miễn là có tiền. Tìm đến nhà bà hình ảnh đầu tiên ập vào mắt chúng tôi đó là một căn nhà lụp xụp, tuềnh toàng và bị đập phá nham nhở.
Chồng mất sớm, để lại cho bà ba người con nhưng đứa con trai thứ 3 lại bị bệnh thần kinh la hét, đập phá suốt ngày: “Trước đây nhà cũng nghèo nhưng không đến nỗi tan hoang thế này đâu chú à, nhưng sau khi thằng út đổ bệnh nó đập phá suốt ngày nên giờ nhà cũng không nhà mà lều cũng không ra lều”, bà Hồng nghẹn ngào tâm sự.
Bi đát hơn cả đó là hoàn cảnh của gia đình bà Trần Thị Châu, khi trong một gia đình có 3 người phụ nữ góa bụa. Đáng lẽ vào độ tuổi này của bà đã phải được nghỉ ngơi, con cái phụng dưỡng nhưng giờ đây bà đang phải oằn mình lo toan cuộc sống để nuôi mấy đứa cháu không bố của mình.
Con gái lớn của bà bị chồng bỏ rơi khi chị vừa mới sinh đứa con thứ 2, thương cháu bà đã phải đưa con gái về nhà cho tiện chăm sóc. Nhưng đáng thương nhất là đứa con gái út bị bệnh của bà đã bị một tên yêu râu xanh giở trò đồi bại, và không lâu sau đó thì em đã mang bầu. “Tội lắm chú à, giờ tôi chả biết làm thế nào nữa. Sao tại họa lại liên tiếp ập xuống gia đình tôi thế này, đúng là họa vô đơn chí ?”. Bà Châu nghẹn ngào tâm sự.
Rời khỏi “Xóm không chồng” khi bóng chiều đã đã dần buông xuống, hình ảnh về những người phụ nữ góa bụa và những đứa trẻ thơ không bố khiến cho chúng tôi không khỏi ám ảnh, xót thương. Biết đến khi nào những gương mặt lam lũ ấy mới thảnh thơi, không lo toan cho cuộc sống thường nhật.
Theo Hà Tĩnh online
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn