Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại lễ phát động. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đang đứng trước không ít thách thức khi vấn đề “ô nhiễm trắng" có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Nếu không có hành động nghiêm túc nào sớm được thực hiện và phát huy hiệu quả, đến năm 2050, có thể sẽ có nhiều nhựa hơn cá ở biển.
Thông tin trên được đưa ra tại Lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới và Ngày Môi trường thế giới năm 2023, do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức sáng 4/6.
Môi trường biển đứng trước nhiều thách thức
Chia sẻ tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, nhấn mạnh nhân loại đang phải đối mặt với những vấn đề bức thiết về môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong đó, vấn đề nhức nhối lâu nay là vấn đề rác thải nhựa đại dương, khai thác, sử dụng tài nguyên biển thiếu bền vững.
Ông Khánh lưu ý cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang đứng trước không ít thách thức khi vấn đề “ô nhiễm trắng” có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Mặt khác, Việt Nam cũng được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng.
"Điều đó đặt ra nhiều thách thức đối với việc thực hiện các mục tiêu xoá đói giảm nghèo, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và phát triển bền vững của đất nước, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp ứng phó thiết thực và kịp thời," ông Khánh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Khánh, kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện; nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực về biển đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy vậy, công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển và hải đảo của Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Môi trường biển có dấu hiệu bị ô nhiễm; nguồn lợi thiên nhiên, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm, khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo cònchưa hiệu quả, thiếu bền vững.
Ngoài ra, nhận thức của người dân về khai thác, sử dụng tài nguyên chưa cao, thói quen tiêu dùng sử dụng các sản phẩm nhựa một lần cũng đang đặt ra những sức ép to lớn với công tác quản lý, bảo vệ môi trường.
Tại sự kiện, đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An, cũng nhấn mạnh biển và hải đảo đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn thực phẩm, nguồn tài nguyên sinh vật và tạo ra nguồn sống cho hàng triệu người dân. Tuy vậy, con người cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng như: Ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa…
Đáng chú ý, theo bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú của Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, với thực trạng phát triển hiện nay, nhất là rác thải nhựa đại dương, nếu các quốc gia trên thế giới không có hành động nghiêm túc nào được thực hiện, đến năm 2050, có thể sẽ có nhiều nhựa hơn cá ở biển.
Các đại biểu thu dọn rác thải nhựa tại khu vực làng chài Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò. (Ảnh: HV/Vietnam+)
Theo bà Ramla Khalidi, lượng rò rỉ rác thải nhựa khổng lồ hiện nay sẽ không chỉ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với các hệ sinh thái biển mong manh mà còn đối với phúc lợi của chính chúng ta và sinh kế của các cộng đồng ven biển.
Những việc cần hành động ngay
Trước thực trạng trên, tại lễ phát động, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã kêu gọi các bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp cần chung tay hành động thiết thực để giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, biển và đại dương; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo.
Trong đó, ông Khánh gợi mở một số giải pháp cần làm ngay như: Thống nhất trong nhận thức và hành động để ứng xử có trách nhiệm với biển và đại dương.
Thứ hai là thực hiện quản lý, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững biển và hải đảo, triển khai có hiệu quả các chiến lược, chính sách phù hợp để hạn chế rác thải nhựa đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển; đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác có trách nhiệm tại các vùng biển xa bờ.
Thứ ba, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân cần xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương từ đất liền; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nylon khó phân huỷ tại các trung tâm thương mại, siêu thị trên cả nước phục vụ cho mục đích sinh hoạt.
Cùng với đó, các địa phương cần tận dụng tối đa lợi thế để phát triển các ngành du lịch và dịch vụ biển; thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản; đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác.
Nhấn mạnh sử dụng bền vững biển và đại dương sẽ là “chìa khóa” để xây dựng một tương lai thịnh vượng và bền vững cho người dân Việt Nam, tại lễ phát động, bà Ramla Khalidi cũng khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường nỗ lực chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế biển bền vững, trong đó trọng tậm là đẩy nhanh quy hoạch không gian biển.
Theo bà Ramla Khalidi, quy hoạch không gian biển là cần thiết để khai thác tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi rất lớn của Việt Nam. Khi quy hoạch này được hiện thực hóa có thể góp phần đáp ứng các mục tiêu năng lượng đầy tham vọng trong Quy hoạch Phát triển Điện lực 8 và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26.
Trong khuôn khổ sự kiện, các đại biểu đã tham gia hoạt động trồng cây xanh xanh để tôn tạo cảnh quan tại khu vực Quảng trường Bình Minh.
Cùng với đó là các hoạt động trao tặng túi thuốc và 10.000 lá cờ đỏ sao vàng cho ngư dân bám biển của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh; ra quân thu gom, dọn rác thải nhựa, làm sạch bãi biển tại khu vực làng chài Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò./.