Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên thì con người vẫn là tác nhân chính (chủ quan). Từ nhận thức đến hành động là khoảng cách không nhỏ. Có rất nhiều thái độ và trạng thái ứng xử khác nhau. Biết nhưng không có khả năng làm. Biết mà không sợ, phớt lờ!. Hiểu biết không sâu sắc, không đầy đủ nên coi thường.
Giờ đây, chủ đề Môi Trường luôn nóng lên từng giờ, được truyền thông quan tâm khai thác, lan tỏa, cảnh báo để mọi người nhận thức đầy đủ hơn bản chất, theo đó có ý thức tìm mọi giải pháp khắc phục, ứng xử khôn ngoan hơn để bảo vệ cuộc sống của mình theo hướng phát triển bền vững, để trái đất luôn an toàn, hạnh phúc. Tổ chức khí tượng thế giới (WHO) của Liên hợp quốc cảnh báo gần như chắc chắn giai đoạn 2023-2027 sẽ là 5 năm có mức nhiệt cao nhất từ trước đến nay. Hội nghị G7 ở Nhật Bản năm nay tiếp tục đưa thông điệp nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững sẽ bàn về biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng.
Thiên tai và biến đổi khí hậu không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn hủy hoại cuộc sống của con người, gây hệ lụy lâu dài. Chỉ 9 tháng đầu năm 2022, thiên tai ở nước ta gây thiệt hại 6.000 tỷ đồng, làm cho hàng ngàn người lao đao vì mất chỗ ở, đất canh tác, cuộc sống đảo lộn.
Nhiều sự cố ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường: năm 2022 vỡ hồ chứa chất thải sinh hoạt tại khu xử lý chất thải Tóc tiên, xa Tóc tiên, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; 2/2023 hơn 40.000 tấn rác ùn ứ ở ngoại thành Hà Nội; người dân cản trở, chống đối không đồng tình với một số dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở một số địa phương.
Không ít nhà máy xử lý rác thải xong, hoặc chưa hoàn thành phải đắp chiếu bởi nhiều lí do; ô nhiễm môi trường do xả thải bừa bãi các chất thải sinh hoạt chưa qua xử lý, rác thải công nghiệp, xây dựng từ thành thị đến nông thôn, làng nghề… đang uy hiếp hàng nhiều sông, hồ, kênh rạch, dần biến mất và ô nhiễm nghiêm trọng (ô nhiễm sông Đào - Nghệ An; sông Nhuệ (Hà nội); sông Bắc Hưng Hải (Hưng Yên), lấn chiếm hành lang đê điều dọc sông Hồng… Nạn phá rừng tiếp tục diễn ra khá trầm trọng. Hạn hán, lũ lụt ngày một tăng. Việt Nam ước tính mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó hơn 30 tỷ túi nilon, đồ nhựa nhưng mới chỉ có khoảng 12% lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, còn lại chủ yếu chôn lấp, đốt hoặc thải ra môi trường.
Tháng 5/2023 mức nhiệt độ cao kỷ lục 44, 1 độ C ở Bắc trung bộ. Dự báo năm 2023, 7,76 triệu người trên thế giới có nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, xung đột quân sự, thiếu lương thực ở các thành phố lớn.
11/23 Chính phủ các nước sẽ họp tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ (COP 28) tại UAE với nhận định thế giới còn lâu mới đạt được mục tiêu giảm 43% lượng khí thải nhà kính trong thập kỷ này, mức có thể hạn chế nhiệt độ tăng lên 1,5 độ C. Sự gia tăng rõ rệt các tác động của con người đối với hệ thống khí hậu toàn cầu và đưa thế giới vào tình trạng khó kiểm soạt về khí hậu.
Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho rằng thế giới có thể ghi nhận hơn 9 triệu ca tử vong mỗi năm liên quan đến khí hậu vào cuối thế kỷ này. Tất cả các phương diện liên quan đến sức khỏe đều bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Từ nước, đất, không khí sạch cho đến lương thực và sinh kế. Sự chậm trễ thêm mãi trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sẽ làm tăng rủi ro sức khỏe, phá hoại những tiến bộ hàng thập kỷ trong y tế toàn cầu vì vi phạm các cam kết của chúng ta.
Việt Nam chịu 20 loại thiên tai. Con người luôn là tác nhân chính gây nên tác động đến môi trường sống. Do nhu cầu cuộc sống, nhất là quốc gia chậm phát triển, nhu cầu sống và lối sống thực dụng, không bị kiểm soát và xử lý nghiêm bởi pháp luật, con người khai thác sai quy trình, thiếu bền vững, ảnh hưởng tiêu cực, từ hạn chế đến hủy diệt môi trường sống của mình.
Khai thác cát, sỏi, đất, khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên: rừng, nước… làm sạt lở sông, lấp hồ, ruộng đất màu làm nơi ở…cạn kiệt tài nguyên, ô nhiếm môi trường sống. Con người có quyền định đoạt tương lai môi trường sống của chính mình. Theo đó, vẫn còn chưa muộn để mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam chủ động nỗ lực tìm cách giải quyết mâu thuẫn, thỏa mãn cuộc sống vật chất, tinh thần của mình và bảo vệ ngôi nhà chung là trái đất. Nỗ lực đơn lẻ của một vài quốc gia cũng là vô nghĩa nếu thế giới không đồng tâm, hiệp lực, chung ý chí, niềm tin, nghiêm túc thực hiện cam kết chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Đương nhiên, từng quốc gia có thể tự làm chậm quá trình suy thoái của môi trường sống, tự cứu mình trước bằng mọi giải pháp có thể phù hợp với chế tài mang tính quốc tế.
Nhận thức được điều này, Việt Nam đã có những chuyển đổi về nhận thức và triển khai một số hành động thiết thực, tập trung ở nhiều lứa tuổi, trước hết là tuổi trẻ. Như, triển khai các thông điệp Xanh: lối sống xanh: du lịch xanh, bảo vệ môi trường sống bằng phong trào chắp cánh khởi nghiệp xanh, thế hệ xanh, hành động xanh; tuân thủ quy định của Châu Âu cấm hàng hóa có xuất xứ từ phá rừng; luật chống phá rừng của EU; từng bước chuyển từ sử dụng năng lượng, nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tự nhiên, năng lượng xanh; thu gom rác thải sinh hoạt, nhất là rác thải nhựa ở các điểm du lịch, biển, sông ngòi; phân loại rác thải, xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến, nhất là tái chế bằng kinh tế tuần hoàn rác thải từ đồ may mặc, đồ da…Chỉ có giám sát và xử lý nghiêm khắc bằng chế tài kinh tế, hình sự nếu vi phạm luật môi trường mới hy vọng từng bước đẩy lui nguy cơ hiện hữu các hành vi lớn, bé đang hủy hoại môi trường sống.
Ngày môi trường thế giới lại nhắc nhớ chúng ta về môi trường sống an toàn, trong sạch,vui tươi, hạnh phúc. Thế giới hội nhập, chỉ khi nào mọi quốc gia chung tay cùng nhau gìn giữ môi trường sống của trái đất mới hy vọng có tương lai tươi sáng cho cuộc sống của con người trên hành tinh này.