Sáng cuối thu, bầu trời quê hương cố Tổng bí thư Trần Phú rả rích mưa nhưng ông Trần Văn Kỉnh (56 tuổi), xã Yên Hồ vẫn miệt mài ngồi trên chiếc máy cày dập từng gốc rạ, tạo độ tơi xốp cho ruộng.
Từ vùng đất hoang, gia đình ông Kỉnh cải tạo thành cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ bằng phẳng. Ảnh: Thanh Nga.
Ông Kỉnh bảo, để có được những thửa ruộng bằng phẳng như hiện nay, gia đình ông đã bỏ ra hơn 1,5 tỷ đồng thuê những chiếc máy xúc cỡ lớn đào đất, phá đá, dỡ công trình, “thuần phục” đất ở thành đất sản xuất nông nghiệp.
15 ha đất làng Hồng Thái ven đê La Giang trước là khu dân cư. Năm 1968, giặc bắn phá ác liệt nên người dân bỏ xứ ra đi, để lại một vùng đất hoang từ đó. Ông Kỉnh với mong muốn tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, phát huy truyền thống sản xuất lúa hữu cơ trên ruộng rươi, cáy của nông dân Đức Thọ, năm 2016 đã thuê diện tích đất này để phát triển.
Bà Võ Thị Hào, Phó phòng Nông nghiệp huyện Đức Thọ: “Mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên ruộng rươi, cáy ở xã Yên Hồ được tỉnh, huyện đánh giá cao và đang tiến tới làm hồ sơ công nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao”.
“Hiện mô hình của gia đình tôi bước đầu đã thành công, vừa gia tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích lên gấp 4 – 5 lần sản xuất lúa thông thường, vừa liên kết bao tiêu sản phẩm cho hàng chục hộ dân trong vùng”, ông Kỉnh chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phong trào sản xuất lúa hữu cơ trên ruộng rươi, cáy “khởi phát” trên địa bàn Đức Thọ từ nhiều thập kỷ trước. Riêng gia đình ông Kỉnh bắt đầu triển khai cách đây 13 năm. Lúc bấy giờ những diện tích ruộng có độ tơi xốp, ít nước đọng, thích hợp cho rươi, cáy phát triển, gia đình ông đều áp dụng mô hình này.
Riêng 15 ha đất thuê của xã, ngoài thuê xe máy khai hoang, ông Kỉnh đầu tư thêm 3 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng; hơn 1,3 tỷ đồng mua máy làm đất, máy gặt, máy xay xát lúa để khép kín quy trình từ sản xuất đến chế biến. Liên kết với Công ty TNHH Dịch vụ Bảo An HT bao tiêu sản phẩm gạo hữu cơ.
“Quy trình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi, cáy rất khắt khe. Đất phải làm 2 – 3 lần để đảm bảo bằng phẳng, tơi xốp, không để nước đọng; chỉ bón phân chuồng hoai mục, không bón trực tiếp phân tươi đề phòng rươi chết; tuyệt đối không phun thuốc BVTV”, ông Kỉnh nói.
Xét về hiệu quả, mỗi năm sản xuất 2 vụ lúa, bình quân năng suất đạt 2,5 tạ/sào/vụ, giá bán 9.000đ/kg, tính ra thu nhập từ lúa đạt 4,5 triệu/sào/năm, cộng với thu nhập từ rươi trên dưới 10 triệu đồng; cáy gần 5 triệu đồng. Tổng doanh thu 1 sào lúa, rươi, cáy của gia đình ông Kỉnh đạt gần 20 triệu đồng, gấp 5 lần so với sản xuất lúa truyền thống.
Lúa hữu cơ sản xuất trên ruộng rươi, cáy được doanh nghiệp thu mua, chế biến, cung cấp cho các siêu thị và thủ đô Hà Nội. Ảnh: Thanh Nga.
Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ Bảo An HT Trần Trung Kiên cho hay, vụ Xuân năm 2020, Công ty tiến hành thu mua lúa cho gần 40 hộ dân trên địa bàn xã với sản lượng gần 40 tấn, giá thu mua 9.000đ/kg. Toàn bộ sản lượng lúa này được chế biến, đóng gói cung cấp cho các siêu thị, lái buôn trên địa bàn tỉnh và thủ đô Hà Nội. Riêng sản phẩm rươi, cáy, hiện lượng “cung” chưa đủ “cầu” nên thị trường đang rất rộng mở.
“Sắp tới, Công ty phối hợp hộ ông Kỉnh dự kiến sẽ liên kết người dân mở rộng diện tích lên 150 – 200 ha, tập trung ở các xã Yên Hồ, Quang Vĩnh, Bùi La Nhân, Tùng Châu”, anh Kiên thông tin thêm.
Theo ông Bùi Anh Sơn, Chủ tịch UBND xã Yên Hồ, mô hình lúa hữu cơ canh tác trên ruộng rươi, cáy đã được huyện, xã quy hoạch bài bản theo hướng sản xuất hàng hóa. Đây là mô hình độc đáo, không chỉ mang lại hạt gạo sạch với giá trị kinh tế cao mà còn khai thác được nguồn lợi lớn từ đặc sản rươi, cáy.