Theo cập nhật mới nhất từ danh sách tỷ phú USD của tạp chí danh tiếng Forbes, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo của Việt Nam đã lọt vào nhóm 1.000 người giàu nhất thế giới.
Cụ thể, bà Phương Thảo xếp thứ 998 với khối tài sản 2,4 tỷ USD.
Như vậy, đây là lần đầu tiên Việt Nam có nữ tỷ phú lọt vào nhóm 1.000 người giàu nhất thế giới.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện là Tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet Air, đồng thời là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank.
Thứ bậc của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo dự kiến sẽ còn thăng hạng nhanh chóng hơn nữa khi Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) sẽ chính thức niêm yết trên sàn HoSE vào ngày 5/1/2018 với giá khởi điểm cho mỗi cổ phiếu là 33.000 đồng. HDBank hiện được định giá trên 32.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,4 tỷ USD.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, bà Phương Thảo đang là đại diện sở hữu cho cổ đông lớn của HDBank là Công ty Cổ phần Sovico (Sovico Holdings) . Công ty này hiện đang sở hữu tới 13,34% cổ phần HDBank. Bà Thảo hiện đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT của Sovico Holdings.
Về mặt cá nhân, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện đang sở hữu 3,67% cổ phần HDBank.
Tạm tính, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện đang nắm giữ trực tiếp và gián tiếp tới 17% cổ phần HDBank, trị giá khoảng 5.500 tỷ đồng (nếu tính theo mức giá chào sàn HoSE 33.000 đồng/cổ phiếu), tương đương khoảng 240 triệu USD.
Sự nghiệp và danh tiếng của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo gắn liền với hãng hàng không Vietjet Air.
Tháng 12/2011, bà Phương Thảo trình làng hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam - Vietjet Air. Chỉ 5 năm sau, Vietjet Air đã chiếm thị phần 40% thị phần hàng không trong nước và đạt doanh thu 1,2 tỷ USD.
Theo Forbes, thành công của Vietjet đã đưa bà Thảo trở thành nữ tỷ phú duy nhất ở Đông Nam Á, và là một trong hai tỷ phú ở Việt Nam.
Sau khi theo học ngành kinh tế và tài chính ở Liên Xô trong những năm 1980, bà Thảo đã kinh doanh các mặt hàng ở Đông Âu và Châu Á. Trở về Việt Nam, bà bắt đầu đầu tư vào các ngân hàng trước khi chuyển sang các dự án bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh và các khu nghỉ dưỡng ở miền Trung.
Ý tưởng khởi động một hãng hàng không giá rẻ xuất phát từ những dự đoán của chính bà Thảo về nhu cầu đi lại bằng máy bay tại Việt Nam sẽ tăng cao.
Nói với Forbes, bà Thảo cho hay: "Tôi luôn nhắm đến và thực hiện các giao dịch lớn. Tôi chưa bao giờ thực hiện bất cứ điều gì ở qui mô nhỏ. Khi mọi người buôn bán một thùng hàng, tôi đã kinh doanh hàng trăm container".
Bà Thảo đã nghiên cứu các mô hình của các hãng hàng không như Southwest, Ryan Air và AirAsia. Bà nhận giấy phép để khởi động Vietjet trong năm 2007, nhưng do giá dầu cao nên việc ra mắt hàng hàng không bị hoãn lại. Trong năm 2010, bà đã liên doanh với AirAsia.
Khi kế hoạch không thành công, bà Thảo tự khởi động hãng hàng không của mình vào năm sau đó. Bà Thảo và chồng bà là doanh nhân Nguyễn Thanh Hùng, sở hữu phần lớn cổ phần của Vietjet thông qua công ty Sovico Holdings.
Hãng hàng không Vietjet tăng trưởng nhanh chóng. Ngay từ đầu, Vietjet đã "gây bão" bởi hình ảnh các nữ tiếp viên hàng không mặc bikini. Vietjet được hưởng lợi từ ngành hàng không đang phát triển của Việt Nam - tăng tưởng 29% trong giai đoạn 2012-2016 và sự “kém hiệu quả” của đối thủ cạnh tranh trong nước là Vietnam Airlines. Năm thứ hai kinh doanh, Vietjet đã có lãi.
Bà Thảo hiện ấp ủ một kế hoạch lớn hơn. "Vietjet đặt mục tiêu trở thành một hãng hàng không quốc tế, chứ không chỉ là một hãng hàng không nội địa", CEO Vietjet tiết lộ.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn