- Cơ duyên nào dẫn anh đến với kịch bản “Rừng chắn cát” và anh có thể nói rõ hơn ý nghĩa tên gọi bộ phim này?
Tôi từng có 3 năm làm giáo viên ở vùng sâu vùng xa. Ngay từ những ngày đầu mới về trường, tôi đã được nghe, được thấy, được hiểu nhiều tâm tư tình cảm của đồng nghiệp về hiện trạng của ngành giáo dục và đặc biệt là suy nghĩ, trăn trở, mong muốn có những đổi thay của một số giáo viên, đặc biệt là lớp trẻ.
Tác giả trẻ Nguyễn Thiên Vỹ trò chuyện về kịch bản "Rừng chắn cát" |
Sở dĩ tôi đặt tên: “Rừng chắn cát” là vì nơi tôi dạy có khu rừng chắn cát rất đẹp. Trong một lần lang thang sau giờ dạy, tôi chợt liên tưởng đến hình ảnh khu rừng chắn cát che chắn gió cát và bão giông cho miền quê này cũng giống như tấm lòng của người thầy người cô bảo vệ, che chắn cho học sinh khỏi những giông bão, những cái xấu của cuộc đời, để ngôi trường là một thánh đường trong sáng và đẹp đẽ.
- Trong phim có nói đến việc khu rừng là do các thầy cô trường Hải Xuân trồng nên, ý anh muốn diễn tả điều gì?
Tôi mượn hình ảnh ẩn dụ. Các thầy cô trường Hải Xuân cũng như ngành GD đang làm nhiệm vụ trồng người. Ngành GD cũng như mọi ngành khác đều có những tiêu cực, dù không lớn nhưng xã hội đòi hỏi những người thầy người cô phải thật sự mẫu mực trong sáng.
Rừng phi lao ở xã Thịnh Lộc lên phim |
Những tiêu cực sớm muộn phải được phanh phui, thanh lọc, trả lại sự thánh thiện cho môi trường giáo dục. Chính vì vậy mà trong phim có cảnh cô giáo Bích khi giơ tay định tát học sinh thì cảnh tiếp theo đó liền là rừng chắn cát nổi gió, cây cối nghiêng ngả. Nhờ nhạc sĩ Vũ Thảo sáng tác bài hát dành riêng cho phim rất hợp, đầy ý nghĩa, nhạc phim có tâm trạng cộng với cảnh quay của đoàn làm phim rất đẹp nên hình ảnh rừng chắn cát đã đọng lại trong tâm trí khán giả
- Có người cho rằng, anh cố ý gom hết cả những tiêu cực của ngành GD vào một ngôi trường nên đã có quá nhiều những hình ảnh gây bức xúc, cảnh “nóng” và nó được diễn tả có phần phi thực tế. Anh nghĩ gì về điều này?
Đúng là tôi muốn đưa bức tranh GD cả nước vào trong trường Hải Xuân. Những gì đang diễn ra ở Hải Xuân là sự gom nhặt những tiêu cực, tích cực của mọi nơi nên các nhân vật ở hai tuyến tương đối nhiều, đạo diễn rất mệt. Lâu nay, tiêu cực của ngành GD ít được nói đến, nay bộ phim này nói đến nhiều (và có phần quá lên một tý). Dư luận xã hội có người đồng tình, có người không nhưng tiêu cực dù nhỏ cũng phải được bóc trần, phê phán. Quá trình làm phim, đạo diễn muốn đẩy các tình huống lên cho thật triệt để, gây ấn tượng (như chị nói là cảnh ngôi nhà ông Bảo, nhân vật thầy Lãng đánh trống trước giờ khi có đoàn thanh tra và nhạo báng hiệu trưởng trước mặt học sinh, giáo viên trẻ nhịn ăn vì lương ít nên bị ốm, kế toán và hiệu trưởng tham ô tiền tỷ, xã hội đen tung ảnh khắp làng…) nên đã có phần phi thực tế. Người viết kịch nắm hết lai lịch nhân vật từ đầu đến cuối trong một không gian sống nhất định nhưng đạo diễn thì lại muốn đẩy họ lên thành nhân vật điển hình. Thực ra trong kịch bản tôi nói nhẹ hơn.
- Đúng là nhân vật của anh hơi nhiều ở cả hai tuyến tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, nhân vật rất có tính cách, có nội tâm và khá điển hình. Anh có thể nói rõ hơn về các nhân vật của mình? Có ai là nguyên mẫu của anh trong đời không?
Tuyến tích cực có thầy Nguyên - nhân vật lý tưởng, cô Hiền, cô Tam, thầy Hiệp, cô Bích, các cô giáo trẻ và một số nhân vật phụ khác. Tôi sử dụng Nguyên nhiều trong hình ảnh gắn với rừng chắn cát để nói đến sự đấu tranh quyết liệt và đầy giằng xé để chống lại tiêu cực.
2 nhân vật chính thuộc tuyến tích cực trong phim là thầy Nguyên và cô Hiền |
Tuyến tiêu cực điển hình là ông Bảo, thầy Điền, thầy Lương, thầy Công, thầy Thái… Mỗi nhân vật đại diện cho một nét xấu. Có những nhân vật vừa mang nét tiêu cực vừa tích cực như Lãng. Nhân vật Bích trong kịch bản có nhiều nỗi niềm hơn trong phim. Còn Hạnh là một nhân vật rất đáng thương. Nguyên mẫu của các nhân vật tôi gom nhặt đâu đó trong đời sống và xây dựng nên. Riêng cô Tam (cô giáo yêu nghề đến tuổi về hưu) là tôi lấy nguyên mẫu một giáo viên trong trường. Tôi hơi thiên vị cho giới trẻ và cũng kỳ vọng họ sẽ tạo ra sự thay đổi, được cất nhắc vào các vị trí quan trọng trong ngành.
- Vì cảnh quay có nhiều đoạn ở Lộc Hà, lại có vài địa danh ở Hà Tĩnh nên có ý kiến cho rằng, anh đã đề cập đến hiện trạng giáo dục Hà Tĩnh. Anh có nhận được những phản hồi gì của ngành không?
Như tôi đã nói từ đâu, hiện trạng của Hải Xuân là hiện trạng chung của giáo dục cả nước. Một vài địa danh là do đạo diễn đưa vào. Trái với ý chị hỏi, Thứ Trưởng Bộ GD gọi điện cho Đoàn làm phim tỏ ý muốn gặp gỡ biên kịch và đạo diễn. Còn Phó Giám đốc Sở GD - ĐT trước Tết có gọi điện muốn chuyện trò cùng tôi. Không giấu gì chị, tôi nhận được rất nhiều điện thoại, đồng tình có, phản đối có, góp ý có…Tôi rất mừng vi bộ phim đã gây đuợc sự chu ý của dư luận. Đặc biệt, có một ông hiệu trưởng ngoài Bắc viết thư cho Đài THVN nói rằng Đài đang phát bộ phim nói về chuyện trường ông. Điều đó chứng tỏ những gì phim phản ánh là đúng hiện thực.
- Vì sao đoàn làm phim chọn quay cảnh rừng ở Lộc Hà mà không phải ở nơi khác? Anh có giúp gì cho họ được không?
Để đoàn làm phim về đây, tôi đã phải viết thư, chụp ảnh cảnh rừng, cảnh biển Lộc Hà gửi cho họ. Tôi khoe cảnh ở Hà Tĩnh đẹp lắm, và họ đã về quay ở đây 10 ngày. Tất cả cảnh biển và cảnh rừng, mượn học sinh THCS Thịnh Lộc, còn lại nhà cửa, trường học đều ở ngoài Bắc. Khi họ về, tôi là “thổ dân” làm liên lạc viên, dẫn đường, khâu nối thông tin. Tôi có xem một vài cảnh quay của họ. Còn nhiệm vụ của tôi sau khi đã ký hợp đồng bàn giao kịch bản là hết.
Học sinh Trường THCS Thịnh Lộc tham gia đóng phim |
- Cảm giác của anh thế nào khi thấy các nhân vật trên giấy và trong tưởng tượng, trong ý định của mình thành xương thành thịt trên phím?
Lúc đầu tôi có chút ngỡ ngàng (nói thật là hơi tủi thân một chút ) vì thấy nhân vật của mình không “long lanh” như mình tưởng tượng nữa nhưng dần dần thấy nhân vật của mình thật có duyên. Tôi cảm ơn đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, Triệu Tuấn, cảm ơn các diễn viên đã làm cho nhân vật của tôi rất sống động, làm nên thành công của bộ phim.
- Một câu hỏi nữa. Anh viết kịch bản bộ phim này trong bao lâu? Hiện anh còn tiếp tục viết kịch bản phim nào nữa?
Ý tưởng thì lâu rồi nhưng tôi phải dành gần một năm để viết. Thời gian đi dạy tôi viết được ½ bản thảo và khi nghỉ dạy tôi mới viết lại. Thực chất kịch bản này có từ một tiều phẩm mang tên khác đã được nhà trường dàn dựng và giành giải ba ở huyện năm 2007. Sau “Rừng chắn cát”, tôi tiếp tục viết một số tiểu phẩm phim truyền hình cho các Đài TH một số tỉnh về đề tài tuổi “teen”
- Cảm ơn anh đã giành thời gian trò chuyện. Chúc anh thành công công hơn nữa trên con đường nghệ thuật!
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn