Thực hư chuyện cây đa trăm tuổi "báo thù" gây xôn xao

Thứ bảy - 10/06/2017 02:45
Tính đến nay, cây đa làng Mới thuộc xã Đức Thanh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã có tuổi thọ tròn một trăm năm và gắn liền với nó có rất nhiều câu chuyện linh thiêng liên quan đến đời sống tâm linh của người dân.

Mùa hè năm 2013, nhận thấy sự già cỗi của cây đa, người dân làng Mới đã góp tiền để thuê người chặt bỏ nó. Từ đây, trong làng đã xảy ra hàng loạt cái chết thương tâm của những người trẻ nơi đất khách quê người. Câu chuyện về cây đa cổ thụ báo thù người dân làng Mới khiến cho dư luận quanh vùng hết sức hoang mang, lo lắng. 

Cây đa huyền bí

Những người dân sống quanh vùng kể lại rằng, vào ngày 23/5/1913 khi làng Mới còn thưa thớt dân cư, những vị bô lão đi đầu trong công cuộc khai khẩn đất đai đã chọn mảnh đất này là nơi sinh sống, làm ăn. Trong một lần đi buôn bán, làm ăn, người dân trong làng đã kiếm được một cây đa nhỏ và đưa về làng trồng để lấy bóng mát cũng như làm mốc phân định ranh giới cộng đồng làng xã của mình. Ngày mới lập làng, từ xã lên làng Mới chỉ có một con đường duy nhất và những vị bô lão đã chọn vị trí trồng cây đa này ngay chính giữa ngã ba đường, nên dù muốn hay không muốn tất cả mọi hoạt động đi lại trong làng Mới đều qua gốc đa.

Hình ảnh cây đa bị đốn hạ và những cành khô nằm lăn lóc ven đường.    

Tính đến nay cây đa làng Mới đã tròn trăm năm tuổi, mặc dù đã trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt với biết bao sự tàn phá của bom đạn mà kẻ thù giội xuống, nhưng nó vẫn đứng sừng sững, hiên ngang. Xung quanh nó có muôn vàn câu chuyện về tâm linh được người dân đồn thổi khiến gốc đa ngày càng trở nên huyền bí. Giải thích về những câu chuyện kỳ quái về gốc đa làng Mới, cụ ông Trần Văn Mỹ (91 tuổi) cho rằng: “Trước đây khi có chiến tranh, xã Đức Thanh là mục tiêu của những đợt oanh kích của máy bay Mỹ khiến rất nhiều người chết oan. Lúc bấy giờ hết sức loạn lạc nên người ta chôn cất người chết quanh gốc đa, rồi dần dần linh hồn của họ như ám vào trong thân cây khiến nó trở nên linh thiêng kỳ lạ”. Người dân làng Mới còn cho rằng, ở nơi đây dù chết già hay chết trẻ, khi đưa đám đều qua ngã ba làng rồi dừng chân nghỉ tại gốc đa khiến những linh hồn đều nằm lại trong thân cây đa.

Sự kỳ bí và huyễn hoặc của cây đa làng Mới càng được tô đậm thêm với những câu chuyện được người dân nơi đây truyền tụng. Theo đó, vào một năm đầu thập kỷ 40, khi nạn đói hoành hành có hai mẹ con người ăn xin lang bạt đến làng và một thời gian sau họ kiệt sức dần rồi nằm ôm nhau chết ngay dưới gốc đa. Thương tình, nhân dân đã đưa mẹ con xấu số đi chôn cất tử tế nhưng về sau hình ảnh mẹ con nhà nọ cứ ám ảnh mãi trong lòng mỗi người dân, rồi về sau không còn ai dám leo trèo lên thân cây nữa... Một số người khác thì cho rằng cây đa được trồng ở nền của một ngôi đền rất linh thiêng (ngôi đền đó nay đã bị phá hỏng – PV) nên khi cây lớn người dân lại quan niệm thần thánh không có chỗ ở nên đã neo đậu lại trên những cành cây đa.

Những câu chuyện mang màu sắc tâm linh chưa có ai xác thực nhưng trong một thời gian dài, dường như không có ai còn dám leo trèo lên thân cây đa nữa. Một buổi trưa năm 1994, anh Nguyễn Văn Sáng (SN 1978) thấy các em nhỏ đang hái quả đa nhưng với mãi mà không tới. Vốn rất giỏi leo trèo nên anh Sáng được bạn bè ví như “người mèo” và anh sẵn sàng trèo lên cây đa để hái quả cho các em nhỏ. Đang ngủ giữa trưa, gia đình ông Trần Văn Tuệ (SN 1962) bỗng nghe thấy tiếng “bịch” và tiếng la khóc của một số trẻ nhỏ. Hoảng hốt chạy ra thì họ thấy cơ thể anh Sáng lạnh ngắt, tím tái rồi tắt thở dần. Nhiều người hoang mang truyền tai nhau rằng, khoảng cách từ mặt đất lên cành cây đó chỉ khoảng 3m, cành có đường kính khoảng 30cm nhưng lại có vết gãy rất kỳ quái, giống như một vết cưa không để lại một chút xơ nào. Sau sự ra đi của Sáng, những bậc phụ huynh trong làng không còn cho con cái mình tiếp xúc hay chơi bời xung quanh cây đa nữa.

Ông Nguyễn Trọng Đối chia sẻ cùng PV.

“Báo thù” sau khi bị “hành quyết”?

Vào những ngày hè năm 2013, khi cây đa kỳ bí đã có biểu hiện của sự già cỗi, thân cành nhiều nơi khô héo, có nguy cơ đổ gãy nên một số người làm trong chính quyền thôn đã họp bàn về việc cắt tỉa bớt thân cây khô để người dân được an toàn. Tuy vậy, việc thuê được người chặt cây cũng không phải là chuyện dễ. Ban đầu, dân làng tìm người xung quanh làng nhưng một lần, rồi đến lần thứ hai đều bị người ta từ chối vì hiểu rõ được lai lịch của cây đa làng Mới. Lúc bấy giờ, mọi người đều thống nhất đi thuê tiếp một người ở xã Đức An và anh này nhận lời.

Trong chốc lát, cây đa cổ thụ trăm tuổi đã bị đốn hạ chỉ còn trơ gốc. Những người dân đi làm ăn xa ở Lai Châu, Sơn La biết tin về cây đa bị đốn hạ đã đi xem bói nhiều nơi, và nơi nào cũng được trả lời: Nếu cây đa bị đốn hạ trong làng sẽ có nhiều tai họa xảy ra. Như một điều trùng lặp ngẫu nhiên, hay lời nói về những tai họa sắp tới, ngày cây đa bị “hành quyết” đúng vào ngày các bậc tiền nhân trồng cây. Cũng từ đây, nhiều cái chết thương tâm của những người trẻ trong làng liên tiếp xảy ra khiến tất cả đều hoang mang, lo sợ. Cây đa được chặt vào buổi trưa lúc tròn bóng, đến 5h chiều cùng ngày thì dân làng nhận được một tin dữ, anh Nguyễn Trọng Hùng (SN 1972) là một chủ thầu xây dựng bị chết đuối tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Nghe tin dữ, gia đình người thợ chặt cây đã đến dựng rạp và cúng đơm mấy ngày liền cầu tai qua nạn khỏi. Dần dần, người dân trong làng nghiền ngẫm câu nói của thầy xem tướng ở Sơn La và bị ám ảnh bởi hình ảnh cây đa trước làng bị chặt đứt từng đoạn.

Từ ngày anh Hùng mất, cũng theo lời phán của thầy xem tướng, gia đình anh đã cúng đơm đúng 100 ngày tại gốc đa làng để tránh những tai họa về sau. Đúng 20 ngày sau cái chết thương tâm của ông chủ thầu xây dựng hiền lành, chăm chỉ, người dân làng Mới lại tiếp tục bàng hoàng trước sự ra đi của anh Phan Văn Sâm (SN 1972). Anh Sâm bị chết ở nước bạn Lào trong khi đang làm nhiệm vụ kéo đường dây cho một công ty truyền tải điện. Người dân chưa hết bàng hoàng về hai cái chết nơi đất khách quê người nói trên, thì những cái chết của nhiều người trẻ trong làng Mới lại tiếp tục xảy ra. Liên tiếp trong vòng 3 tháng,  người dân quanh vùng hết sức hoang mang khi chứng kiến sự ra đi của anh Nguyễn Trọng Phúc, Trần Văn Hậu và Nguyễn Trọng Thơm khi tuổi đời còn rất trẻ.

Giờ đây, người ta mới bắt đầu nghi ngờ về “huyền thoại” cây đa trăm tuổi của làng Mới với nhiều sự trùng lặp lạ kỳ. Sau những cái chết gây rúng động làng xóm, những người chặt cây cũng như dân làng bắt đầu tu bổ, tôn tạo lại thân cây mong cho một ngày không xa nó lại toả bóng mát như ngày xưa. Một người phụ nữ chăn trâu về cho biết: “Nhiều tháng nay người dân chúng tôi cứ xôn xao về cái chết của những người trung niên, họ chết còn trẻ quá, rồi vợ con họ biết ai lo lắng. Mỗi lần qua đây, tôi không dám nhìn vào cây đa nữa vì trong lòng rất sợ và ám ảnh khi nghĩ đến sự kỳ bí của nó”.      

Chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên

Ông Nguyễn Trọng Đối, Bí thư chi bộ xóm Mới cho biết: “Thực ra vấn đề tâm linh thờ cúng là chuyện thường thấy ở mỗi làng quê Việt Nam, nên việc người dân quan niệm chuyện tâm linh về cây đa cũng là điều hiển nhiên. Thời điểm vào hè, khi thấy cây đa có nhiều nhánh khô, có thể đổ xuống lúc nào không hay, để đảm bảo an toàn cho người dân, chúng tôi đã họp bàn cắt tỉa cành khô. Nhưng khi thực thi, người cắt thuê đã làm sai ý định của chúng tôi, rồi sau đó ở làng rộ lên tin đồn sau khi cây bị đốn hạ có nhiều cái chết trẻ khiến cả vùng quê nghèo hết sức lo lắng. Đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi, chúng tôi đang cùng chính quyền xã tuyên truyền, lý giải cho bà con hiểu rõ không có chuyện cây báo thù để mọi người yên tâm sản xuất. Mặt khác, hiện nay chúng tôi đang tìm cách để phục hồi lại dáng dấp của cây đa như ngày xưa”.    

Theo Nguoiduatin.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây