Đã 4 năm trôi qua, cuộc sống của người dân khu TĐC Hà Tân vẫn đang đối mặt với vô vàn khó khăn…
"Khát" điện, nước, ...
Khu TĐC Hà Tân (xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn) ra đời theo quyết định số 3537/QĐ-UBND ngày 9/12/2008, với mục đích, di dời những hộ dân ở xóm Cây Tắt lấy mặt bằng xây dựng hạ tầng khu kinh tế cổng B, cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo.
Là một trong những hộ thuộc diện phải di dời, năm 2010, gia đình chị Phan Thị Lài bắt đầu cuộc sống mới tại khu TĐC và từ đó tới nay chuyện nước sinh hoạt luôn là vấn đề đau đầu nhất của gia đình chị.
Trao đổi với PV, chị Lài bức xúc cho biết, từ ngày lên đây gia đình đã đào giếng nhiều lần lắm rồi, nhưng nước bị nhiễm bẩn, đầy váng màu vàng như bị nhiễm quặng sắt, có mùi tanh nồng không tài nào dùng nổi. Đào đi đào lại tới cái giếng thứ 4 mà nước vẫn không dùng được.
Sau đó gia đình khiếu nại lên chính quyền và được cấp 1 máy lọc nước, họ bảo, vì nước sạch không có nên cho dân máy lọc nước. Ai ngờ máy lọc nước chỉ dùng được một vài tháng đã trở thành "đồng nát" cho con nít mang đi đổi kem...
Được biết, toàn bộ khu TĐC có 32 hộ gia đình và 1 cụm trường mầm non, tất cả đều lâm vào cảnh không có nước sạch dùng, dẫn đến 4 năm tại khu TĐC Hà Tân luôn xảy ra các loại bệnh đường ruột, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, thậm chí có cả chứng bệnh quái ác.
Báo cáo kết quả về chất lượng nước sinh hoạt tại khu TĐC Hà Tân của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN thuộc Sở KH- CN Hà Tĩnh cho thấy, qua phân tích 10 mẫu nước của các hộ dân tại khu TĐC Hà Tân thì cả 10 mẫu đều bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Trong đó nhiễm vi khuẩn Ecoli vượt quá tiêu chuẩn cho phép theo QCVN 02:2009/BYT áp dụng cho cột II dành cho nước sinh hoạt hộ gia đình. Một số mẫu có hàm lượng sắt vượt quá tiêu chuẩn, 60% mẫu nước có mùi tanh lợm khó chịu.
Dân chúng ngao ngán vì kiểu tái định cư đem con bỏ chợ
Ngoài nước là điện, bởi một số hộ dân ở tuyến 3, tuyến 4 muốn có điện thì phải tự kiếm dây kéo từ tuyến 1 về nhà mình. Như nhà chị Phan Thị Hoàn thuộc dãy số 3, tuyến đường số 2 khu TĐC, dù hệ thống đường dây và cột đã được lắp sẵn ngay trước cổng nhà mình, nhưng gia đình chị phải tự kéo điện hàng trăm mét từ ngoài đường dây tuyến 1 về dùng.
Chị Hoàn chia sẻ: “Tui có lên xã hỏi, chủ tịch xã trả lời đi tìm gặp anh Nam tổ trưởng tổ điện mà hỏi. Khi gặp được anh Nam anh ấy bảo, do quá ít người dùng nên khi đóng điện xảy ra hao hụt không ai chịu. Tui thấy hết sức vô ý, bởi trước khi vận động dân đến TĐC thì họ hứa điện đường, trường, trạm, mọi cơ sở hạ tầng đều được đầu tư đầy đủ, thế mà giờ lại để tình trạng như thế này, khổ lắm các nhà báo ạ”.
Người trong cuộc nói gì?
Khi được hỏi về những bức xúc của các hộ dân TĐC, ông Lê Đình Vỹ - Chủ tịch UBND xã Sơn Tây lại vô tư trả lời: "Việc máy lọc nước bị hư hỏng, họ không báo lên xã, xã không biết. Hiện tại xã chưa nhận phản ánh gì của người dân và chưa có ai kiện cáo.
Còn về vấn đề điện lưới là trách nhiệm của HTX điện năng, xã phải làm việc với HTX điện năng mới biết rõ. Tôi sẽ kiểm tra lại cụ thể, lỗi xảy ra ở bộ phận nào thì bộ phận đó phải chịu trách nhiệm trước dân".
Ông Phạm Quốc Tuấn, thành viên Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Hương Sơn giải thích rằng, khi lắp máy lọc nước, Trung tâm Ứng dụng KHCN (đơn vị cung cấp máy) cam kết có tránh nhiệm đến cùng với dân.
Song khi máy xảy ra sự cố, không dùng được, cán bộ của trung tâm luôn trả lời: Do đường sá xa xôi nên trung tâm phải chờ đến khi máy hỏng nhiều mới lên một thể để tiết kiệm chi phí.
Đại diện chính quyền UBND huyện Hương Sơn, ông Trần Bình Thân- Phó Chủ tịch UBND huyện, kiêm chủ tịch Hội đồng bồi thường- giải phóng mặt bằng dự án thừa nhận, ở khu TĐC có vấn đề về nước, sau đó dân đã được cấp máy lọc nước. Còn việc máy hỏng huyện cũng không nghe xã báo cáo gì nên không biết. Với việc một số hộ dân phải tự kéo điện về nhà, huyện sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm túc, tổ chức, cá nhân nào sai phải chịu trách nhiệm trước dân.
Dư luận đang đặt câu hỏi, phải chăng xã Sơn Tây và huyện Hương Sơn đang bỏ rơi các hộ dân ở khu TĐC?
Theo nongnghiep.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn