Chủ động ứng phó với bão mạnh, siêu bão

Thứ bảy - 10/06/2017 07:59
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vùng ven biển nước ta đứng trước nguy cơ xảy ra bão mạnh, siêu bão, với cường độ cấp 12 đến 16 kèm theo nước biển dâng từ 3 đến 6 m. Việc xây dựng các phương án ứng phó phù hợp khi bão đổ bộ đang được đặt lên hàng đầu, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, nhà cửa, các công trình và sản xuất.

Kỹ sư Đài Thông tin duyên hải Hải Phòng, Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam theo dõi và cảnh báo thời tiết trên biển cho ngư dân, tàu thuyền.

Từ xây dựng phương án...

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dựa vào các tiêu chí như mùa bão, các tháng nhiều bão trong năm, tần số bão, tình hình mưa cho thấy, khu vực ven biển nước ta được chia thành năm vùng chịu sự ảnh hưởng khác nhau của bão mạnh và siêu bão là Quảng Ninh -Thanh Hóa, Nghệ An - Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng - Bình Định, Phú Yên - Khánh Hòa, Ninh Thuận - Cà Mau. Trong đó, vùng Quảng Ninh -Thanh Hóa đã từng ghi nhận cường độ bão cấp 15. Ở các tỉnh ven biển và vùng trũng thấp

như đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải ứng phó với nguy cơ gió mạnh và ngập lụt do nước biển dâng; các tỉnh miền núi phía bắc và Tây Nguyên phải ứng phó với gió mạnh và mưa lũ sau bão...

Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết, đánh giá về bão mạnh, siêu bão chúng ta phải xem xét tất cả các yếu tố hoạt động trên biển, vùng ven biển, vùng sâu trong đất liền. Để chủ động ứng phó, thứ nhất, cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm với mỗi cơn bão, mỗi đợt triều cường ở mỗi vùng. Thứ hai, cần nâng cao khả năng tự ứng phó của người dân, cung cấp thông tin để người dân hiểu được bão mạnh, siêu bão khi xảy ra sẽ tác động đến từng vùng ra sao. Thứ ba, rất nhiều vùng, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cần tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà tránh trú cho người dân khi xảy ra bão, khi nước biển dâng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khảo sát và phân vùng khả năng có thể xảy ra siêu bão. Đáng lo ngại nhất hiện nay là vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải ứng phó với nguy cơ gió mạnh và ngập lụt do nước dâng; trong khi đó, các tỉnh miền núi phía bắc và Tây Nguyên phải tập trung ứng phó với gió mạnh và mưa lũ sau bão. Viện Khoa học Thủy lợi miền nam đã tính toán đến hiện tượng ngập lụt bởi nước dâng do siêu bão ở khu vực ven biển đồng bằng sông Cửu Long. Trước mắt, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó với tình huống siêu bão; kiểm soát quy hoạch, xây dựng công trình, nhà ở tại các khu vực ven biển, cửa sông để hạn chế rủi ro thiên tai.

... Đến tập trung ứng phó

Để đối phó với những cơn bão mạnh và siêu bão, tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, ngày 7-10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đưa ra ý kiến chỉ đạo, các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện tốt, khẩn trương nhiều phương án trên cơ sở xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp với đặc thù tự nhiên của từng vùng. Tiếp tục thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ", đồng thời tuyên truyền, vận động kịp thời người dân địa phương thực hiện nghiêm túc các phương án di dời.

Các cơ quan chức năng phải không ngừng nâng cao năng lực dự báo bão và cảnh báo các hiện tượng thiên nhiên bất thường có thể xảy ra. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có nghiên cứu cụ thể hơn nữa để dự báo chính xác hơn về bão và siêu bão. Phải có giải pháp cụ thể, công bố đầy đủ hơn để nâng cao năng lực dự báo bão. Các địa phương nhanh chóng xây dựng các phương án bổ sung ứng phó với bão mạnh và siêu bão dựa trên địa hình của từng vùng. Nâng cao công tác tuyên truyền, giúp người dân nhận thức được sự nguy hiểm của bão, lũ; phân loại các công trình nhà ở, vùng nguy cơ, số dân cần sơ tán tại các vùng trong cả nước.

Giải pháp trước mắt nhằm giảm thiểu tác hại của siêu bão là tăng cường năng lực dự báo bão sớm; xây dựng các bản đồ về dự báo ngập lụt, nước biển dâng cho cả ba miền bắc, trung, nam, bản đồ cảnh báo các khu vực không an toàn tại các địa phương khi siêu bão xảy ra; tăng cường trang, thiết bị tìm kiếm cứu nạn cho các lực lượng chuyên trách; nâng cấp các khu neo đậu tránh trú bão. Kiểm soát quy hoạch, xây dựng công trình, nhà ở tại các khu vực ven biển, cửa sông để hạn chế rủi ro thiên tai. Thống kê, rà soát và đưa lên bản đồ vị trí các ngầm tràn, đường qua suối, bến đò ngang, đò dọc, có phương án bố trí lực lượng ứng phó... Đặc biệt, các địa phương cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ứng phó với siêu bão. Tổ chức diễn tập ứng phó với siêu bão ở các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở xã, phường và ngay tại cộng đồng dân cư...

Ngoài ra, trong trường hợp siêu bão vào đất liền, mỗi địa phương bị ảnh hưởng cần cảnh báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão. Sơ tán toàn bộ tàu, thuyền, người dân ra khỏi khu vực ảnh hưởng; không để người dân ở trên tàu, thuyền, chòi canh, lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà bán kiên cố. Đồng thời, sẵn sàng cung ứng lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm tập trung quy mô lớn và có phương án thiết lập cầu hàng không để kết nối với các khu vực chung quanh...

Xây dựng được phương án, chủ động ứng phó với siêu bão ngay từ đầu sẽ giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại. Tuy nhiên, để làm tốt được điều đó cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Không chủ quan, lơ là, đánh giá đúng thực trạng và phân vùng bão, nước biển dâng cho từng địa phương là mấu chốt để ổn định đời sống, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân vùng bị ảnh hưởng.

Theo TIẾN ĐẠT nhân dân

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây