Hành trình trở về từ hang ổ cướp biển

Thứ bảy - 10/06/2017 07:56
Sau hơn 8 tháng bị bọn cướp biển Somalia giam giữ, 3 thuyền viên Việt Nam đã về đến nhà. Với họ, gần 260 ngày bị giam cầm trên con tàu là những chuỗi ngày khủng khiếp… Sau khi thoát khỏi hang ổ của bọn cướp biển trở về nhà, 2 trong 3 thuyền viên là Trần Văn Trí (1990, trú xã Quỳnh Long, H. Quỳnh Lưu, Nghệ An) và Nguyễn Tiến Anh (1978, trú thôn Tam Hải 1, xã Kỳ Ninh, H. Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã kể lại hành trình đầy khổ ải dưới sự quản thúc của bọn cướp biển Somalia.
Đánh cá gặp cướp biển

Con tàu đánh cá số hiệu Tai Yuan 227 (Đài Loan) mang theo 27 thuyền viên, gồm 3 người Việt Nam là anh Trần Văn Trí, Nguyễn Tiến Anh và Trương Văn Hiếu (trú H. Đắc Hà, tỉnh Kon Tum), 24 người ở các nước Trung Quốc, Philippines, Kenya và Mozambique đạp sóng ra khơi vào một ngày đầu tháng 9-2009. Sau 7 tháng ròng rã lênh đênh trên vùng biển Ấn Độ Dương để câu cá ngừ và khi cá sắp đầy khoang, thuyền trưởng thông báo chỉ còn khoảng vài chục ngày nữa sẽ kết thúc chuyến hành trình khiến ai nấy đều vui mừng.


Trần Văn Trí                       ---                Nguyễn Tiến Anh


Buổi chiều 7-5-2010, khi các thuyền viên trên tàu đang cuốn câu thì từ xa xuất hiện một chiếc tàu gỗ và một ca-nô cá lao đến. Thuyền trưởng người Đài Loan vốn nhiều kinh nghiệm nên nhận ra điềm xấu, liền lệnh cho các thuyền viên khẩn cấp bỏ câu, cho tàu nhổ neo. Nhưng không còn kịp, cuộc rượt đuổi chỉ diễn ra khoảng 14 phút, chiếc ca-nô đã áp được mạn tàu. Biết gặp phải cướp biển, mọi người chạy tán loạn trốn xuống hầm tàu. Riêng thuyền trưởng vẫn không rời vị trí buồng máy. Toán cướp gồm 10 tên đen trũi, mặt mày dữ tợn tay bồng súng, thắt lưng giắt đầy lựu đạn nhảy lên tàu. Một tên cầm báng súng đánh tới tấp vào người thuyền trưởng, tra khảo xem trên tàu có bao nhiêu người. Chúng lùng sục, lùa tất cả 27 người tập trung vào một nơi rồi lục lấy hết tất cả những gì có giá trị trong người. Sau đó, bọn cướp biển bắt thuyền trưởng điều khiển tàu chạy theo hướng do chúng chỉ dẫn. Những ngày khổ ải của các thuyền viên trong tay bọn hải tặc Somalia bắt đầu từ đây.

Lênh đênh trên biển khoảng 10 ngày thì tàu cập vào một hòn đảo. Tại đây, một tên trong nhóm cướp biển gọi điện về báo cho chỉ huy của chúng. Một lúc sau, có 15 tên khác cũng được trang bị súng ống lên thay cho nhóm ở trên tàu về. Lúc này, mọi người mới biết mình đang ở “thánh địa” của cướp biển Somalia. Anh Nguyễn Tiến Anh nhớ lại: “Vừa lên thay, một tên trong nhóm khoảng 40 tuổi, đầu cạo nhẵn bóng cầm súng bắn chỉ thiên một băng đạn. Bắn xong, hắn bước đến nắm cổ áo thuyền trưởng hỏi số điện thoại của chủ tàu ở Đài Loan”. Có được số điện thoại, tên này sử dụng tiếng Anh gọi điện thoại cho chủ tàu Tai Yuan 227 thông báo rằng tàu đang bị chúng bắt giữ, yêu cầu nộp tiền chuộc 5 triệu USD thì sẽ thả người và tàu. “Qua biểu hiện trên nét mặt của tên cướp biển, mọi người đoán biết yêu sách của hắn đưa ra không được ông chủ đáp ứng nên chúng tôi càng hoang mang hơn” - anh Anh nói.

Sống trong sợ hãi

2 tháng sau khi tàu Tai Yuan 227 rơi vào tay bọn cướp biển Somalia, lương thực, thực phẩm trên tàu cạn kiệt. Thuyền trưởng van xin thì bọn cướp mới mang lên cho vài bì gạo, nhưng đó là gạo mốc, nấu thành cơm có mùi rất khó chịu. Những ngày đầu không thuyền viên nào nuốt nổi cơm, còn thức ăn thì chỉ độc món cá đánh bắt được đang ướp trên tàu, không một cọng rau gì khác. Khi nước uống hết, bọn cướp cho lấy nước ở tàu khác mang đến, nhưng đó là thứ nước phủ đầy váng dầu.

Ngày này sang ngày khác, bọn cướp thay nhau canh giữ tàu và khống chế các thuyền viên. Chúng liên tục ép thuyền trưởng phải gọi điện về yêu cầu chủ tàu mang tiền sang chuộc tàu để được thả. Sau 2 tháng bị bắt, máy điện thoại của chủ tàu bắt đầu không còn liên lạc được nữa. Những ngày sau đó, việc điện đàm với chủ tàu cũng đều thất bại. Thuyền trưởng mặt mày ảo não nói với các thuyền viên người Trung Quốc điều gì đó khiến các thuyền viên này cũng tỏ ra hoang mang. 3 thuyền viên người Việt gặng hỏi mới hay thuyền trưởng nói chủ tàu đã bỏ tàu. “Lúc đó bọn em nghĩ chắc không thể sống được nữa. Chủ bỏ tàu, thuyền viên sống chết bị bỏ mặc khiến các thuyền viên hoang mang cực độ. Em không nghĩ mình có thể sống nổi để trở về” - Trần Văn Trí kể.  

Thiếu ăn, thiếu mặc và tâm lý quá hoang mang lo lắng khiến sức khỏe các thuyền viên cứ thế lao dốc. Để động viên tinh thần, thuyền trưởng xin bọn cướp cho mỗi thuyền viên được gọi điện đàm về nhà trong vòng 3 phút. Nhận được thông tin và biết con mình còn sống, bà Trần Thị Huê - mẹ của anh Trần Văn Trí ở nhà òa khóc. Đây là lần duy nhất Anh, Trí và Hiếu được gọi điện về nhà báo tin trong suốt thời gian bị bắt giữ.

Sau khi không đòi được tiền chuộc từ chủ tàu người Đài Loan, những tên hải tặc càng trở nên hung hãn hơn, sẵn sàng đánh đập bất cứ những ai làm trái ý chúng. “Một người Philipines và hai người Trung Quốc nhiều lần bị đánh đập dã man do nói tiếng Anh bập bẹ làm chúng hiểu sai nghĩa” - anh Trần Văn Trí kể lại. Những ngày sau đó, bọn cướp biển biết những thủy thủ và thợ câu trên tàu đều là người làm thuê, không có tiền nên chúng không đánh đập hành hạ nữa. Khoảng nửa tháng tiếp theo, chúng đột nhiên kéo 2 chiếc ca-nô lên tàu Tai Yuan 227, rồi thông báo với tất cả mọi người: “Tất cả phải tham gia đi cướp tàu cùng chúng. Nếu cướp được chiếc tàu lớn, có chở nhiều dầu, lương thực thực phẩm và tài sản có giá trị thì sẽ cho mỗi người 1.000USD rồi thả tự do. Nếu ai có biểu hiện phản ứng sẽ bị giết”... 

4 lần làm hải tặc

Chưa đòi được tiền chuộc từ chủ tàu, bọn cướp biển đã “hạ lệnh” buộc 27 thuyền viên phải cùng tham gia đi cướp với chúng. Ngay sau đó, nhóm cướp biển khống chế 27 con tin cùng chiếc tàu Tai Yuan 227 rời bến theo hướng vùng biển Sri Lanka. Gần đến hải phận Sri Lanka, từ trên bầu trời bất ngờ xuất hiện một chiếc trực thăng vờn đi vờn lại. Nguyễn Tiến Anh nhớ lại: “Khi thấy máy bay xuất hiện, nhóm cướp biển bắt đầu chĩa súng vào chúng tôi và bảo, nếu bị máy bay tấn công thì chúng sẽ nổ súng bắn chết hết. Rất may, sau khi quần đi quần lại 3 tiếng đồng hồ thì máy bay bỏ đi nên chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm”. Sau chuyến sử dụng tàu Tai Yuan 227 và các thuyền viên đi cướp thất bại, bọn cướp biển đưa tàu về lại thánh địa Somalia.

Gần một tháng sau, chúng lại tập trung về tàu Tai Yuan 227 yêu cầu các thủy thủ chuẩn bị “xuất quân” ra đại dương để làm hải tặc. Lênh đênh trên biển nửa tháng thì bị một chiếc tàu lớn của hải quân Ấn Độ phát hiện rượt đuổi. Cũng như lần đụng độ với máy bay trực thăng, bọn chúng chĩa súng vào các thuyền viên rồi liên lạc bằng bộ đàm, cảnh cáo với tàu hải quân Ấn Độ nếu còn rượt đuổi sẽ nổ súng bắn chết 27 con tin đang bị bắt giữ trên tàu. Chiếc tàu của lực lượng hải quân Ấn Độ nghe vậy nên ngưng đuổi.

Sau khi thoát khỏi hải quân Ấn Độ, chiếc tàu tiếp tục săn lùng các tàu lớn nhưng không gặp được tàu nào nên chúng bắt thuyền trưởng chuyển hướng quay về bến cũ nghỉ ngơi. Trên đường về, phát hiện 2 chiếc tàu đánh cá mang cờ Iran và cờ Thái Lan, chúng liền hạ thủy 2 chiếc ca nô xuống rồi đuổi theo áp sát móc thang leo lên khống chế đưa cả 2 tàu này về Somalia. Về đến nơi, chúng lại điện thoại cho chủ tàu ở Đài Loan với nội dung hạ tiền chuộc từ 5 triệu USD xuống còn 3 triệu USD, nhưng cuộc thương lượng vẫn không thành. Nghỉ ngơi một tháng, chúng bắt các thuyền viên hạ cờ Đài Loan xuống, treo cờ Malaysia lên nhằm tránh bị phát hiện để chuẩn bị đi “săn tàu”. Lần này lênh đênh trên biển tìm kiếm “con mồi” đến ngày thứ 20 thì gặp phải một chiếc tàu chiến và một chiếc tàu ngầm đuổi theo phía sau. Sợ bị tấn công, bọn chúng lôi tất cả 27 thuyền viên ra ngoài boong tàu gí súng vào đầu yêu cầu các tàu kia không được đuổi theo. Thấy vậy, chiếc tàu chiến và tàu ngầm quay lại.

Sau 3 chuyến đi “săn” nhưng không bắt được chiếc tàu lớn nào, chúng quay về tiếp tục gọi điện cho chủ tàu và lần này hạ mức tiền chuộc xuống 150 ngàn USD. Chủ tàu chỉ đồng ý trả 70 ngàn USD nhưng chúng không chấp nhận. Cuộc thương lượng không thành, chúng tiếp tục sử dụng tàu Tai Yuan 227 và các thủy thủ ra biển cướp tàu.



Nguyễn Tiến Anh trở về cùng cậu con trai trong ngôi nhà đơn sơ.

Chuyến xuất quân lần thứ tư này chúng thấy có 6 chiếc tàu lớn nên hạ thủy 2 chiếc ca nô xuống. Sau đó, 12 tên cướp biển chia ra leo lên 2 chiếc ca nô đuổi theo. Ca nô thứ nhất đuổi theo một chiếc tàu lớn ở phía đông nhưng bị mất phương hướng. Ca nô thứ hai đuổi theo một chiếc tàu khác. Mặc dù đuổi đúng mục tiêu, nhưng chiếc ca nô thứ hai sau đó bị mất liên lạc với tên trưởng nhóm đang trực bộ đàm trên tàu Tai Yuan 227. Sau 3 ngày không bắt được liên lạc với chiếc ca nô thứ hai, tên trưởng nhóm bắt thuyền trưởng điều khiển tàu đi tìm. Lúc này, chiếc ca nô thứ nhất báo về vừa cướp được một chiếc tàu chở gỗ của Malaysia. Tên trưởng nhóm ra lệnh cho những thành viên trên chiếc ca nô thứ nhất đưa chiếc tàu chở gỗ về Somalia, còn y và toán người trên tàu tiếp tục khống chế các thuyền viên đi tìm chiếc ca nô thứ hai.

Trong lúc đang đi tìm, một chiếc tàu chiến và một máy bay trực thăng của lực lượng hải quân (chưa xác định được của nước nào) xuất hiện. Sau khi lượn mấy vòng để thăm dò, lực lượng hải quân phát hiện trên tàu có cướp biển Somalia nên chiếc tàu thủy dần áp sát rồi bắn chỉ thiên 2 phát pháo. Tên trưởng nhóm liền dò sóng bộ đàm rồi liên lạc với lực lượng hải quân với nội dung: “Nếu không tấn công thì ngày mai sẽ thả hết số con tin và tàu. Còn nếu nổ súng tấn công chúng sẽ giết hết số con tin”. Nghe vậy, lực lượng hải quân buộc phải rút lui.

Được phóng thích  nhờ mưu trí của thuyền trưởng

Ngày hôm sau (khoảng giữa tháng 1-2011), thuyền trưởng tàu Tai Yuan 227 thông báo cho những tên hải tặc biết, tàu đã gần cạn dầu. Nghe vậy, bọn chúng đi lục soát kiểm tra nhưng không phát hiện ra dầu dự trữ nên liên lạc với tàu chở gỗ vừa cướp được quay lại đón. Bọn cướp đã vận chuyển tất cả súng ống, lương thực từ tàu Tai Yuan 227 sang tàu Malaysia rồi phóng thích 27 con tin cùng con tàu cạn kiệt lương thực sau 8 tháng bắt cóc.

Chờ cho bọn hải tặc đi xa, thuyền trưởng liền hướng dẫn mọi người đến một hầm bí mật, nơi đang cất giấu 10 tấn dầu mà bọn cướp biển không biết. Lúc này, các thuyền viên mới được hít thở cái không khí của tự do. Số nhiên liệu dự trữ sau đó được vận chuyển lên để tiếp vào. Sau đó, con tàu trôi theo hướng cảng Sri Lanka. Chạy đến chiều hôm sau thì tàu Tai Yuan 227 gặp lại tàu chiến và máy bay của lực lượng hải quân ngày hôm qua. Sau khi thám thính không thấy bóng dáng hải tặc Somalia trên tàu, họ thả 2 chiếc ca nô xuống rồi tiếp tế lương thực và thuốc chữa bệnh cho mọi người.

Sau 12 ngày đêm, tàu Tai Yuan 227 về tới Sri Lanka. Tại đây, các thuyền viên tiếp tục sống những ngày cực khổ vì chủ tàu vẫn không liên lạc gì. Các thuyền viên Việt Nam gọi điện về Cty đã làm thủ tục đưa đi xuất khẩu lao động, nhưng các đơn vị này vẫn không biết cách nào để đưa các thuyền viên về nước trong khi tại Sri Lanka không có Đại sứ quán Việt Nam để có thể can thiệp.

Phải mất hơn 1 tháng bị kẹt tại đây, ngày 3-3, 3 thuyền viên Nguyễn Tiến Anh, Trần Văn Trí và Trương Văn Hiếu đã về tới nhà trong những giọt nước mắt mừng tủi của người thân sau 8 tháng bị cướp biển Somalia bắt giữ.


Theo Công an nhân dân

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây