Số phận nghiệt ngã của chàng trai xin được hiến… đầu

Chủ nhật - 29/04/2018 21:42
15 tuổi, đang phơi phới những ước mơ thì Phạm Sỹ Long gặp tai nạn. Vụ tai nạn đã biến Long từ một chàng trai khỏe mạnh thành một người tàn phế, đặt đâu nằm đó. Nỗi đau thể xác cũng không sao sánh được với những dằn vặt về tinh thần.

Nhiều lần Long muốn tự vẫn để giải thoát cho mình và cho những người thân yêu. Nhưng ngay cả cái "ước muốn" ấy Long cũng không thể tự mình làm được. Cuối cùng, chàng trai trẻ đã tự thỏa hiệp bằng cách cố vui để sống. Long làm thơ, viết nhật ký, vẽ tranh… Mới đây khi xem mạng, biết được trên thế giới sắp thực hiện ca ghép đầu đầu tiên, Phạm Sỹ Long đã gửi tâm thư xin được hiến… đầu của mình.

Viết chữ bằng miệng

Trong ngôi nhà cấp 4 xập xệ tại xóm 3, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), Phạm Sỹ Long nằm trên một chiếc giường cũ kỹ, cởi trần, phía dưới đắp một tấm chăn mỏng. Thành giường buộc đủ các loại từ điện thoại, điều khiển tivi, bút, sổ sách. Tất cả đều vừa tầm với miệng anh. Bởi lẽ, 13 năm qua, các bộ phận trên cơ thể anh đều bất động trừ cái đầu. Đang hí hoáy dùng miệng viết nhật ký, nghe tiếng khách hỏi, Long quay cái đầu ra phía cửa rồi nở một nụ cười rất tươi. 

Phạm Sỹ Long và bức tâm thư dài 2 trang.

Chắc có lẽ, lâu lắm rồi trong ngôi nhà anh chẳng có người khách lạ nào ghé chơi. Với một người nằm bất động như Long, lúc nào cũng có cảm giác thèm người, trò chuyện. Nhìn Long, chắc không mấy ai nghĩ anh mới chỉ vừa tròn 28 tuổi. Có lẽ cú tai nạn định mệnh đã khiến anh suy sụp, nghĩ ngợi quá nhiều khiến cơ thể gầy sọp, khuôn mặt già nua. Biết bao dự định, ấp ủ cho tương lai, vậy mà chỉ qua một đêm tiêu tan như bong bóng xà phòng.

Lúc còn đi học, Long luôn ao ước sau này sẽ trở thành thủy thủ tàu viễn dương để được thỏa sức khám phá đại dương mênh mông. Đáng lẽ, ở cái tuổi này rất có thể anh đã có cơ hội biến ước mơ của mình thành hiện thực. Nhưng thực tế quá phũ phàng, mười mấy năm rồi Long vẫn chỉ nằm đây làm bạn với mấy đồ vật cũ kỹ. 

"Phải nói thật là nhiều lần mình đã tìm cách tự tử nhưng không biết phải làm cách nào. Muốn uống thuốc ngủ để chết thì cũng phải nhờ người mua cho. Muốn thắt cổ thì cũng phải có sức mà buộc dây. Tay chân mình bất động thế này thì làm được gì để… chết chứ?" - anh tâm sự mà nước mắt lăn dài.

Nhiều đêm không ngủ anh tự hỏi chẳng lẽ cứ tồn tại vô nghĩa thế này mãi sao? Rồi lại nghĩ, chắc ông trời đang thử thách mình nên cách duy nhất là mình phải cố. Cuối cùng, Long quyết định mình phải sống khác. Việc đầu tiên anh làm là học viết chữ bằng miệng. Anh nhớ lại: "Suốt một tuần đầu tiên khi học viết chữ bằng miệng, mình đã không thể ăn được cơm vì miệng sưng phồng, tím ngắt do phải ghì hai môi chặt vào với nhau mới có thể giữ được bút không bị nguệch ngoạc. Mẹ mình nhìn thấy thế thì xót con nên cứ bảo thôi đừng viết nữa nhưng mình vẫn cố. Nhiều lúc đau quá, mỏi đầu quá cũng thấy nản nhưng lại nghĩ có cái việc cỏn con thế này mà không làm được thì sao mà thay đổi được cái gì nên lại cố nhẫn nại".

Cuối cùng thì anh cũng đã thành công. Khi đã luyện thành thạo kiểu viết chữ mới Long bắt đầu ghi nhật ký cuộc đời mình. Nhật ký được ghi lại từ ngày anh bị tai nạn đến những cảm giác đau đớn, vật vã khi phải nằm một chỗ nhìn cuộc sống trôi trong bất lực. Không chỉ viết nhật ký, Long còn vẽ tranh, sáng tác nhạc và làm thơ. 

Để viết được chữ bằng miệng, Long đã phải chịu cả tuần không ăn cơm vì đau đớn.

Tất cả những môn nghệ thuật ấy đều như rút ruột rút gan anh. Hiện, Phạm Sỹ Long đã in được tập thơ đầu tay mang tên "Miền khát vọng": "Tôi muốn được ra đường đi dạo/ Nhưng chân tôi lại không thể bước đi/ Tôi muốn được tự bưng bát cơm ăn/ Nhưng tay tôi không thể cầm nắm được/ Biết bao ngày tôi nằm mà mơ ước/ Giá chi mình sống có ích với đời"…

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với Long đang diễn ra rôm rả thì bà Hà - mẹ của Long bước vào. Biết chúng tôi đến với mục đích gì, bà Hà buồn rầu nói: "Giá mà con tôi sinh ra nó đã bị bại liệt bẩm sinh thì còn đỡ khổ. Đằng này nó khỏe mạnh bình thường, bao nhiêu dự định đùng một cái nằm một chỗ thế này tôi thấy khổ tâm quá. 

Giờ tôi còn khỏe còn chăm sóc nó được, sau này cả hai vợ chồng đều mất rồi thì nó biết sống thế nào đây". Vừa nói, bà Hà vừa lau vội nước mắt. Thấy mẹ sụt sùi, Long quay sang tâm sự với chúng tôi: "Điều ước lặp lại mỗi ngày, mỗi đêm trong cuộc đời mình là sáng ra mình có thể đi được. Lúc đó mình sẽ cố gắng làm việc để có tiền nuôi bố mẹ và xây lại căn nhà cũ này".

Xin hiến đầu để được sống cuộc đời mới

Từ trước đến nay người ta chỉ có thể hiến gan, hiến thận, hiến giác mạc… chứ chưa bao giờ có tiền lệ hiến… đầu. Có lẽ Phạm Sỹ Long là trường hợp vô tiền khoáng hậu. Hỏi lý do vì đâu mà anh có ý tưởng "không giống ai" như vậy thì Long chia sẻ: "Cũng tình cờ thôi, có một lần mình đọc báo trên mạng thấy người ta viết trên thế giới sắp thực hiện ca hiến đầu đầu tiên. Rồi mình lại đọc được thông tin bác sĩ Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đang tìm người tình nguyện hiến đầu nên mình muốn liên hệ với bác sĩ Sơn để đăng ký hiến đầu".

Bức tâm thư dài hai trang giấy được anh Long viết bằng miệng. Trong thư kể về những bất hạnh, khổ đau khi tai họa ập đến, rồi những tháng ngày sống không bằng chết sau đó. Cả những dằn vặt của đạo làm con khi chưa có dịp báo hiếu với cha mẹ thì đã lại trở thành gánh nặng vĩnh viễn của cha mẹ. 

Những trang thơ và nhật ký của Long.

Trong tâm thư có đoạn: "Mười mấy năm qua tôi phải nằm liệt một chỗ, không làm gì được, toàn bộ sinh hoạt đều phải nhờ người thân giúp đỡ. Những ước mơ, hoài bão của tôi cũng bị dập tắt từ đó, thay vào đó là bao nỗi khó khăn vất vả, những cay đắng, tủi nhục và những nỗi đau đớn khủng khiếp cả về thể xác lẫn tâm hồn… 

Tôi biết sự rủi ro trong quá trình phẫu thuật là rất lớn. Khả năng tôi sẽ chết là rất cao. Nhưng tôi thiết nghĩ nếu ai cũng sợ, cũng muốn để người khác làm trước, thành công rồi mình mới làm thì sẽ chẳng bao giờ biết được kết quả có thành công không. Thay vì cứ chết dần, chết mòn theo năm tháng thì tôi muốn được cống hiến cuộc đời mình cho y học nước nhà nên tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro".

Lúc biết con trai viết tâm thư, bà Hà đã khóc lên khóc xuống. Bà bảo: "Nó nằm đó liệt một chỗ cũng là con mình. Ngày ngày mình đi ra đi vào vẫn được nhìn thấy nó là yên tâm. Chứ bây giờ nó tự nguyện xin hiến đầu, ai mà biết nếu thực hiện thì có thành công hay không. May thì không sao, chứ rủi thì mình mất con à?". 

Phải khó khăn lắm sau đó anh mới thuyết phục được bố mẹ đồng ý. Anh động viên bố mẹ rằng, nếu được sống có ý nghĩa thì sống một ngày cũng đáng sống. Rằng, bố mẹ phải tin tưởng vào sự phát triển của y học hiện đại, biết đâu khi đó con lại may mắn đi lại được như bao nhiêu người khác và có thể làm việc để báo hiếu bố mẹ.

Dời căn nhà cấp bốn xập xệ, tạm biệt Phạm Sỹ Long chúng tôi cứ ám ảnh về dự định tình nguyện hiến đầu của anh. Giả thiết, trong thời gian tới khi ca phẫu thuật ghép đầu đầu tiên trên thế giới thành công và ở Việt Nam cũng sẽ thực hiện. Nếu là người tiên phong, liệu Phạm Sỹ Long có may mắn được thay đổi số phận hay sẽ là người hy sinh để cống hiến cho nền y học nước nhà phát triển? Liệu đây sẽ là lần gặp cuối cùng của chúng tôi với anh hay chúng tôi sẽ được gặp anh trong một diện mạo mới?

Mới đây, tại buổi sinh hoạt chuyên đề về hiến, ghép tạng, GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) cho biết: "Năm 2017 trên thế giới sẽ thực hiện ca ghép đầu người đầu tiên. Nếu ca ghép đầu trên thế giới thành công, chúng tôi sẽ mời ekip ghép đầu từ nước ngoài sang ghép tại Việt Nam. Do đó, để mời được ekip sang Việt Nam, chúng ta phải chuẩn bị trước, người cho và người nhận. Người cho đầu đã sẵn sàng chưa? Người nhận đã có chưa?".
theo Cand.com.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây