Bất chấp gian khó, hiểm nguy…
Sinh năm 1964 tại Hải Phòng, ông Lưu là Trạm trưởng trạm hải đăng An Bang, tại quần đảo Trường Sa do Công ty Bảo đảm An toàn hàng hải (ATHH) Biển Đông và Hải Đảo (thuộc Tổng công ty Bảo đảm ATHH miền Nam) đảm trách. Từng là lính hải quân, sau khi xuất ngũ, ông xin vào ngành Bảo đảm ATHH. Kể từ tháng 5/1987, ông là công nhân hải đăng của Ty Bảo đảm hàng hải 31, thuộc Công ty Bảo đảm ATHH Việt Nam.
Trạm trưởng Vũ Sỹ Lưu (giữa) chụp ảnh lưu niệm với phóng viên VTV trong lần anh chị em ra Trường Sa, dịp 30/4/2013. Ảnh: Nhật Anh.
Trạm hải đăng mà ông có mặt đầu tiên nằm trên đảo đá Long Châu, thuộc quần đảo Long Châu, TP Hải Phòng. Sau đó, ông được điều chuyển đến nhiều trạm hải đăng ở vùng biển phía Bắc. Năm 1994, khi khu vực quần đảo Trường Sa chính thức xây dựng trạm hải đăng, ông Lưu vinh dự được là một trong những người tiếp quản trạm hải đăng đầu tiên nơi đây, tại đảo Đá Tây.
“Người lính già” trải lòng: “Nói đến quần đảo Trường Sa là nói đến vô vàn gian khó. Thời điểm mới triển khai xây dựng hệ thống hải đăng, các đảo thuộc Trường Sa rất thưa vắng. những điểm xây dựng hải đăng biệt lập, cheo leo, thường phải bố trí trên các cồn san hô, bãi đá ngầm nhằm tránh bị che khuất tầm nhìn và có tác dụng cảnh báo chướng ngại vật, hiểm nguy trên biển. Giữa bốn bề sóng nước, song không gian sống cho 5-7 con người trên các trạm hải đăng lại vô cùng chật hẹp, chỉ khoảng 15-20 m2. Mỗi khi mưa bão, biển động, việc tiếp tế lương thực, thực phẩm bị gián đoạn, trạm thường lâm vào tình trạng thiếu thức ăn, nước uống. Lắm lúc bệnh tật bất ngờ, có khi phải căng mình tự vượt qua”.
“Làm việc trên các trạm hải đăng, chúng tôi biền biệt xa nhà 9 tháng đến 1 năm. Sau này, mỗi chuyến đi biển rút lại còn 6-9 tháng. Ít có cơ hội về nhà, làm tròn nghĩa vụ người chồng, người cha. Có người phải hy sinh hạnh phúc. Lại có người không thể tìm bạn đời. Ngay cả lúc người thân mất, nhiều người cũng không kịp có mặt. Có những người do làm việc quá lâu trên các trạm đèn, khi trở về đất liền rất khó hòa nhập với đời thường, trở nên xa lạ với ngay chính người thân của mình”, ông Lưu cho hay.
Trạm Hải đăng An Bang tại quần đảo Trường Sa.
Hàng năm, Tổng công ty Bảo đảm ATHH miền Nam đều phát động các phong trào thi đua thiết thực, cụ thể xuống từng phòng, ban, tổ đội sản xuất... Ông Lưu và anh em Trạm hải đăng An Bang hưởng ứng nhiệt tình và tích cực tham gia. Trong giai đoạn 2010-2015, 100% cán bộ công nhân Trạm hải đăng An Bang đạt lao động tiên tiến; Tập thể trạm hải đăng này cũng liên tục đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc và được Tổng công ty Bảo đảm ATHH miền Nam tặng thưởng nhiều Giấy khen. Đặc biệt, năm 2011, Trạm hải đăng An Bang đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Bằng khen; Năm 2013, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Ông Lưu cũng nhiều năm liền đạt danh hiệu lao động tiên tiến và chiến sĩ thi đua cơ sở. Tháng 5/2014, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. |
Khó khăn và thử thách lớn nhất với những người gác đèn biển chính là phải vượt qua nỗi nhớ nhà, cố gắng quên đi khoảng cách vời vợi với người thân. Cách đây gần 10 năm, những người gác đèn chỉ có thể kết nối với đất liền, với người thân qua những cánh thư theo các chuyến tàu tiếp hàng, hoặc qua trạm thông tin chung. Mãi đến năm 2007-2008, Viettel phủ sóng biển đảo, sự cách biệt nghìn trùng mới dần ngắn lại. Giờ có thể liên lạc với mọi người ở đất liền thường xuyên, nhưng anh em gác hải đăng vẫn có nỗi niềm riêng.
Chẳng hạn như khi nhận điện thoại, được nghe lời thăm hỏi của gia đình, bạn bè thì hạnh phúc nào bằng, nhưng nếu nghe tin báo chuyện không hay lại vô cùng lo lắng, khổ tâm. Như trường hợp của ông Lưu, lần nhận tin đứa con đầu lòng chào đời, ông vui mừng muốn khóc, chỉ muốn về với con ngay nhưng rồi phải đến hơn bốn tháng sau ông Lưu mới được ôm con vào lòng…
Khó khăn là vậy, thế nhưng các thế hệ cán bộ, nhân viên gác hải đăng vẫn luôn nối tiếp nhau bám trụ nơi đầu sóng, ngọn gió vì tình yêu quê hương, đất nước.
Tạo dựng “góc quê nhà” giữa biển khơi
Trạm trưởng Lưu cho hay, quần đảo Trường Sa hiện có 9 trạm hải đăng. Việc quản lý, vận hành đèn biển ở Trường Sa có những đòi hỏi rất đặc biệt. Trong môi trường biển, thiết bị hàng hải rất dễ gỉ sét, chập cháy. Trong khi đó, thiết bị đưa từ đất liền ra thay thế trong thời tiết bình thường đã mất cả tháng, mùa mưa bão phải chờ đến vài tháng. Tháp đèn cao gần 25 m, làm việc trên độ cao này rất khắc nghiệt: không gian chật hẹp, mùa nóng, mức nhiệt thường xuyên lên đến 39-40OC; mùa gió bão, tháp đèn rung lắc, lạnh buốt…
Mặc dù vậy, những người thợ đèn An Bang vẫn miệt mài, cần mẫn, phát huy phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, nỗ lực vượt qua khó khăn, linh hoạt, sáng tạo tìm mọi cách bảo dưỡng, sửa chữa, khắc phục kịp thời thiết bị hỏng hóc bằng các vật tư sẵn có. Nhờ vậy, hầu hết hải đăng ở Trường Sa nói chung, tại đảo An Bang nói riêng luôn vận hành đúng quy định, đúng thông báo hàng hải.
“Trong mọi hoàn cảnh, chúng tôi luôn quyết tâm đảm bảo cho hải đăng chiếu sáng, bởi chúng tôi rất hiểu: Tia sáng hải đăng không chỉ mang ý nghĩa “an toàn hàng hải”, mang lại cảm giác không đơn độc cho mỗi con tàu trên những hải trình thăm thẳm mà còn mang ý nghĩa lớn lao là thắp lên ánh sáng Việt Nam, ánh sáng khẳng định chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Lưu xúc động nói.
Là Trạm trưởng, bản thân ông Lưu luôn phải gương mẫu, từ việc sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng nơi ăn chốn ở đến tuân thủ thời gian biểu làm việc chung. Hàng ngày, ngoài thời gian kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị, chủ động rà soát, xử lý các nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động của đèn, ông luôn tổ chức cho anh em nghiên cứu, bổ sung, cập nhật thông tin về kỹ thuật hàng hải, quán triệt các chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, học tập Văn hóa doanh nghiệp gắn với phương châm “4 xin - 4 luôn” của Bộ GTVT, thông qua tài liệu, sách báo từ đất liền gửi ra, hoặc qua kết nối internet.
Cùng đó, các anh em trong trạm chú trọng xây dựng môi trường sống làm việc văn hóa, thân thiện, thẳng thắn chỉ ra khuyết điểm của nhau và sẵn sàng nhận khuyết điểm, sửa sai trên tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau tiến bộ, chia sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống. Những buổi thi đấu thể thao, biểu diễn văn nghệ, thi đố vui, giao lưu với các đơn vị bộ đội thường xuyên được Trạm trưởng Lưu phát động luôn ngập tràn niềm vui, tiếng cười. “Vui hơn cả là mỗi ngày mới, chúng tôi lại được ngắm nhìn những mầm xanh vươn lên trong khu nhà kính. Vườn rau trong nhà kính được cả 6 anh em nâng niu chăm sóc từng li từng tí không chỉ để cải thiện bữa ăn vốn “cằn khô” giữa biển khơi, mà còn mang ý nghĩa “tạo dựng góc quê nhà” cho đỡ nhớ, đỡ cách biệt với đất liền”, ông Lưu cho biết.
Làm nhiệm vụ bảo đảm ATHH, các anh em trong trạm cũng xác định vai trò sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Trạm hải đăng An Bang vì thế trở thành Tiểu đội An Bang. Trạm phối hợp với các đơn vị bộ đội trên quần đảo xây dựng hệ thống phòng thủ đảo, xây dựng mới nhiều tuyến hào chiến đấu, gia cố lại nhiều chốt canh phòng bị sóng biển làm sạt lở, sửa chữa, bảo dưỡng nhiều khí tài quân sự…
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn