"Mai buồn, đào vui" ở Hà Tĩnh

Thứ ba - 06/06/2017 22:11
Chỉ còn gần một tháng nữa là đến tết nguyên đán, trong những ngày cận kề này, người dân trồng đào, trồng mai tại Hà Tĩnh đang tập trung chăm sóc cắt tỉa, “ém” nụ để hoa có thể nở đúng dịp tết.

Làng mai duy nhất Hà Tĩnh gặp khó

Kỳ Nam là một vùng đất khắc nghiệt, đất cằn sỏi đá, chính vì mảnh đất cằn khô này lại bén duyên với loài hoa mai. Hơn 20 năm nay, duy chỉ ở xã Kỳ Nam, T.X Kỳ Anh (Hà Tĩnh), là đầu mối để cung cấp hoa mai cho các tỉnh Bắc miền Trung.

Vào nghề gần 21 năm nay, anh Nguyễn Viết Xuân (SN 1972) ở thôn Minh Thành xã Kỳ Nam (T.X Kỳ Anh, Hà Tĩnh), được xem là người trồng mai nổi tiếng nhất vùng.

Hỏi đến nguồn gốc hoa mai, anh Xuân cho biết, trước đây trên mảnh đất gia đình anh đang sinh sống, là một rừng mai. Sau khi di chuyển đến ở, anh đã chặt bỏ đi để trồng rau, duy chỉ trừ lại một gốc để trang trí tại vườn.

Hằng năm, mỗi dịp tết về, gia đình anh Xuân thu nhập từ vườn mai khoảng 60 triệu đồng. (Ảnh: Hoài Nam)

Vào năm 1995, nhu cầu sử dụng hoa mai trong dịp tết rầm rộ lên, anh đã cắt tỉa, ươm trồng từ một gốc duy nhất, đến nay vườn mai của gia đình anh có gần 600 gốc lớn bé.

Hằng năm, mỗi dịp tết về, gia đình anh Xuân thu nhập từ vườn mai khoảng 60 triệu/năm. Tuy nhiên năm nay, do thời tiết thay đổi thường xuyên, nắm ấm kéo dài nên một số gốc mai đã nở hoa.

“Năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài, hiện này toàn vườn có 20 gốc đã nở hoa sớm. Tôi chỉ mong, giờ đến tết trời lạnh thì hoa sẽ nở đúng dịp, còn nắng ấm nữa thì nhiều gốc sẽ nở trước tết”, anh Xuân lo lắng.

Một số gốc mai đã nở rộ khiến người trồng mai lo lắng. (Ảnh: Hoài Nam)

Năm 2006 lấy nguồn gốc hoa mai từ dự án Nông nghiệp, gia đình bà Nguyễn Thị Minh (SN 1967) trú tại thôn Minh Xuân, xã Kỳ Nam (T.X Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau 10 năm nhân giống, hiện nay vườn mai gia đình đã có gần 100 gốc mai, dự định sẽ cho thu nhập chính trong dịp những tết đến.

Bà Minh cho biết, trồng mai để cho hoa nở đúng dịp rất khó, bởi thời tiết thay đổi thường xuyên. Cùng với đó, trồng mai mất rất nhiều thời gian và công sức. Nếu mà không yêu nghề, không chăm sóc thì không theo nghề được. Bình thường mỗi gốc mai phải có tuổi đời từ 3 năm trở lên mới cho thu nhập.

Bà Nguyễn Thị Minh đang chăm sóc cho vườn mai của mình để hoa nở đúng dịp tết. (Ảnh: Hoài Nam)

“Tại Hà Tĩnh không chỗ nào trồng mai nhiều như vùng này nên bán cũng rất được giá. Giá bình quân cho mỗi gốc từ 2-3 triệu, có gốc lên đến 6 triệu", bà Minh nói.

Nói về kỹ thuật cho hoa nở đúng dịp, bà Minh chia sẻ bí quyết, muốn phát triển nghề trồng mai thì phải đam mê, chịu khó học hỏi, biết chăm chút. Đặc biệt, là khâu chọn đất, chọn phân, cách chăm sóc hằng ngày cũng là yếu tố rất quan trọng. Hằng năm đến cuối tháng 11 (Âm lịch), sẽ cắt tỉa hết lá để mai tạo nụ.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Vin, Chủ tịch xã Kỳ Nam, T.X Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết, Kỳ Nam là 1 trong những địa phương duy nhất phát triển mạnh nghề trồng hoa mai của tỉnh. Hiện tại địa phương có 30 hộ trồng mai, nhiều năm nay, người dân không còn mặn mà với nghề, bởi còn tồn tại nhiều khó khăn.

“Nhiều năm nay, người dân địa phương cũng giảm quy mô trồng mai xuống. Như gia đình tôi ngày trước lên đến cả gần 1.000 gốc, nhưng năm nay chỉ còn 500 gốc nữa. Bởi trồng mai là một nghề rất khó, phải mất ít nhất 3 năm mới cho thu nhập…”, ông Vin nói.

Làng đào phai rộn ràng thay áo mới

Tận dụng lợi thế đất vườn rộng, từ gần 30 năm nay người dân ở xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã ưu tiên đặc biệt cho việc trồng đào. Nhiều năm nghề trồng đào không thuận lợi, hoa nở không đúng dịp tết. Tuy nhiên, người trồng đào nơi đây vẫn rất bền bỉ, không nản chí vì vậy, diện tích trồng đào không bị thu hẹp, mà đã phát triển lớn hơn.

Hơn 20 năm trong nghề, bà Ngyễn Thị Lý (SN 1973), trú tại thôn 9, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), chia sẻ, đến thời điểm hiện tại, đào phát triển rất ưng ý, người dân đang tổ chức tỉa trụi lá, “ém” nụ để hoa có thể nở đúng dịp tết.

">

Những người trồng đào phai đang vui mừng vì đào phát triển tốt. Hiện tại người dân đã tuốt lá đào để "ém" nụ. (Ảnh: Hoài Nam)

“Vườn nhà tôi hiện tại có hơn 500 gốc, bình quân cứ mỗi dịp tết đến, cho thu nhập từ 30-50 triệu/năm. Để đào nở đúng dịp tết nhất thiết phải canh đúng thời điểm để tỉa hết lá. Thường thì tốt nhất là khoảng cuối tháng 11 (Âm lịch) thì sẽ tỉa lá”, bà Lý chia sẻ.

Tìm đến với gia đình ông Hà Huy Thắng, trú tại thôn 9 xã Cẩm Hưng, (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), quy mô lớn nhất vùng với hơn 1.000 gốc đào, hằng năm cho thu nhập từ 70-80 triệu/năm.

“Chúng tôi trồng nghề lâu năm rồi, nên cũng có ít nhiều bí quyết riêng cho bản thân. Cứ dịp tết đến, nhiều người họ đến để đặt trước, gia đình cũng không phải mang ra các chợ để bán. Trồng đào giờ phát triển rất rầm rộ, như những năm trước bán cũng có giá nhưng năm nay không biết giá cả thế nào. Hiện tại đào đang phát triển rất tốt”, ông Thắng vui mừng chia sẻ.

Đào phai đang được người dân thay áo mới để đón tết. (Ảnh: Hoài Nam)

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Dũng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hưng cho biết, nghề trồng đào đã giúp rất nhiều người dân tại địa phương thoát khỏi cảnh nghèo. Hiện nay, Cẩm Hưng có 200 hộ trồng đào, trung bình mang lại thu nhập hàng năm trên 30 triệu/năm.

Nghề trồng đào Cẩm Hưng đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong cũng như ngoại tỉnh, tuy nhiên ông Dũng cũng không khỏi băn khoăn, “Hiện tại dân họ trồng nhiều với quy mô lớn hơn, nếu trồng nhiều sẽ rất khó cho đầu ra”.

Hoài Nam

Theo VNM - PL.XH



Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây