Mừng vì người dân không thờ ơ với các vấn đề hệ trọng của đất nước, mừng vì chính sách của Đảng, Nhà nước ít nhiều đã “động” đến người dân, mừng vì chủ trương “nhân dân chung tay xây dựng chính quyền” được thực thi, mừng vì “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”…
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng, “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”. Vậy nên, ý dân là ý trời, “tiếng dân” cũng là “tiếng trời”… suy cho cùng, mọi quốc kế dân sinh nếu dân muốn thì phải làm, dân không muốn có lãi ngàn tỉ thì cũng không nên.
Chẳng gì vui hơn nếu người Việt tự đem sức lực, trí lực, tài lực đầu tư xây dựng kiến thiết đất nước, đối với doanh nghiệp nước ngoài chúng ta còn mời chào, trải thảm, hỗ trợ ưu đãi cho họ đến tận chân tơ kẽ tóc thì há gì với doanh nghiệp nội không được hưởng những biệt đãi như vậy?
Tuy nhiên, ưu đãi trong đầu tư kinh doanh là một chuyện, chuyện đầu tư vào những lĩnh vực nhạy cảm về môi trường lại là chuyện khác.
Dư luận đang hồi hộp dõi theo diễn biến của siêu dự án thép Cà Ná do Tập đoàn Hoa Sen sắp sửa được đầu tư tại Ninh Thuận. Có thể thấy, so về quy mô vốn, dự án thép lần này không lớn hơn Formosa đầu tư vào Hà Tĩnh, nhưng làn sóng bày tỏ quan ngại lại lớn gấp bội phần so với dự án của Formosa.
Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ từ dư luận và các chuyên gia, doanh nghiệp này đã từng cho rằng, có ai đó đang đố kỵ với dự án của họ và lãnh đạo tập đoàn Hoa Sen - ông Lê Phước Vũ - đã nói “cứng” trước dư luận rằng làm nhà máy thép lãi lớn ngu gì không làm, sau khi so sánh với khoản lãi của tập đoàn Hòa Phát!
Có thể, ông Vũ có cái khôn của một doanh nhân lão luyện nhưng hàng triệu người dân và đội ngũ chuyên gia phải chăng kém khôn? Bài học từ Formosa còn hiện hữu, hàng triệu người dân ven biển 4 tỉnh miền Trung đang gồng mình gánh chịu hậu quả đang là một sự thật nhãn tiền.
Chắc chắn khi ông Võ Kim Cự - Chủ tịch tĩnh Hà Tĩnh - đặt bút ký duyệt dự án cũng nhận được những tràng pháo tay nồng hậu từ mấy tỉnh nghèo miền Trung, lãnh đạo Hưng Nghiệp Formosa cũng hứa hẹn đủ điều… nhưng chính họ cũng bội ước khi gây ra một trong những thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước ta.
Nói vậy để thấy rằng, chẳng ai đố kỵ với tinh thần “đem sức ta xây dựng quê hương mình”, có chăng chỉ là nỗi ám ảnh mang tên Formosa còn lởn vởn chưa buông tha cuộc sống người dân, giờ này lại thêm một dự án thép mọc lên bên bờ biển đẹp nhất nhì Việt Nam thì hỏi sao không lo ngại?
Hoa Sen quả khôn khi chọn Cà Ná, bởi đây là cảng nước sâu tự nhiên, không có cửa sông nên tiết kiệm được chi phí nạo vét, lại gần quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam, gần trung tâm kinh tế công nghiệp Đông Nam Bộ… nhưng cái người dân cần là một lá “tem” bảo đảm cho vùng biển, ngư trường lớn nhất cả nước không bị ô nhiễm.
Trong khi sự lo ngại dường như đạt đến đỉnh điểm thì Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã “dán” cho dự án này một “lá tem” bảo đảm, rằng ông sẽ từ chức nếu thép Cà Ná để xảy ra thảm họa môi trường.
Thật diễm phúc cho doanh nghiệp này khi họ đã giành được trọn niềm tin của vị tư lệnh ngành Công nghiệp - Thương mại. Nhưng vẫn còn đó nhiều câu hỏi cho sinh mệnh mang tên môi trường. Chắc gì đến khi thảm họa môi trường xảy ra ông Trần Tuấn Anh còn làm bộ trưởng? Và nhiều người cũng đã bắt đầu đặt lên bàn cân xem thử sức nặng của “chiếc ghế Bộ trưởng” với sinh kế của hàng triệu con người…! Tại sao phải đặt các dự án thép gần biển? Có phải chỉ đơn giản là thuận lợi về dịch vụ logistic, tiết kiệm chi phí… hay là còn có lý do nào khác? Cà Ná là bãi biển đẹp, nên chăng phải được ưu tiên phát triển ngành công nghiệp không khói là du lịch? Bản thân lĩnh vực du lịch sẽ mang lại ngoại tệ cho ngân sách rất lớn nếu làm đúng hướng, có bản sắc riêng rõ ràng.
Mặt khác, ngành du lịch sẽ bảo vệ được môi trường biển cho khai thác lâu dài, việc xử lý môi trường đối với các dự án du lịch đa số là rác thải sinh hoạt không yêu cầu đòi hỏi phải có quy trình xử lý tốn kém, mang lại nhiều việc làm cho người dân địa phương.
Có lẽ, trước khi cho phép dự án này được tiến hành hay không, Chính phủ cũng như Bộ Công Thương hãy nên hỏi ý kiến người dân, nên để nhân dân quyết định những vấn đề quốc kế dân sinh. Bởi suy cho cùng việc phát triển kinh tế cũng nhằm phục vụ nhu cầu nâng cao đời sống nhân dân.
Cách đây chục năm ông, Phạm Văn Chi - trên cương vị là Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa lúc đó - đã thẳng thắn, kiên quyết đấu tranh bác dự án nhà máy thép có tổng mức đầu tư đến 11,5 tỉ USD của Tập đoàn Posco (Hàn Quốc), được cho là “siêu dự án” ở Việt Nam thời điểm đó.
Việc từ chối một đại dự án như vậy sẽ là thiệt đơn thiệt kép cho cá nhân ông Chủ tịch và nguồn thu của cả tỉnh, nhưng khi chứng kiến những rối loạn tại Formosa Hà Tĩnh thì người dân Khánh Hòa và vùng Nam Trung Bộ thực sự thấy mình may mắn và biết ơn ông Chi.
Ngành thép hay công nghiệp nặng, công nghiệp kiểu cũ không còn là xu thế trong phát triển kinh tế hiện nay. Các nước phát triển có xu hướng chuyển dịch ngành thép và công nghiệp nặng ra khỏi đất nước họ, vì vấn đề ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế không cao. Hơn nữa, bài học Formosa còn quá mới mẻ buộc chúng ta phải thận trọng.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn